Mở rộng thí điểm dùng cát biển đắp nền đường thay đất

Báo cáo tổng kết công tác thi công, kiểm định đánh giá chất lượng thi công, quan trắc môi trường cho thấy đủ cơ sở để có thể sử dụng cát biển đắp nền đường ô tô trong các điều kiện tương tự như khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm.

Bộ GTVT vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố về việc thông báo một số kết quả, nội dung chính việc thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông.

Bộ GTVT cho biết, đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thành thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường tại đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978 thuộc dự án đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau (dự án thí điểm).

Kết quả đánh giá của Hội đồng cấp Bộ (do Bộ GTVT thành lập) về việc sử dụng cát biển làm nền đường như sau:

Cát biển sử dụng cho đoạn thí điểm có chỉ tiêu cơ lý đáp ứng yêu cầu vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012 "Nền đường - thi công và nghiệm thu".

Báo cáo tổng kết công tác thi công, kiểm định đánh giá chất lượng thi công, quan trắc môi trường cho thấy đủ cơ sở để có thể sử dụng cát biển đắp nền đường ô tô trong các điều kiện tương tự như khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm.

Tuy nhiên, dự án thí điểm mới chỉ thực hiện với quy mô nhỏ, cấp thiết kế thấp hơn đường cao tốc, chất lượng cát biển mới chỉ được nghiên cứu cho một khu vực (mỏ cát biển tỉnh Trà Vinh), các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về độ mặn đối với cây trồng vật nuôi chưa đầy đủ.

 
Nhiều tuyến cao tốc rơi vào tình trạng thiếu đất đắp nền ảnh hưởng đến tiến độ dự án

Nhiều tuyến cao tốc rơi vào tình trạng thiếu đất đắp nền ảnh hưởng đến tiến độ dự án

Vì vậy, việc sử dụng đại trà cát biển để xây dựng đường ô tô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để có cơ sở đánh giá một cách toàn diện.

Hội đồng cấp Bộ thống nhất việc sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền đường cao tốc với một số điều kiện:

Chỉ sử dụng cát biển đáp ứng các tiêu chuẩn vật liệu theo TCVN 9436:2012, sử dụng cho nền đắp có độ chặt thực tế sau đầm nén thấp hơn hoặc bằng 95% (K95) tại các khu vực có điều kiện môi trường nhiễm mặn tương tự khu vực thử nghiệm của dự án thí điểm.

Trước mắt nên xem xét sử dụng cho khu vực hạ âm, nền đắp K95, khu vực nền đường nằm dưới khu vực chịu tác động của hoạt tải;

Cần triển khai các giải pháp quan trắc môi trường để giám sát mức độ tác động trong quá trình thực hiện.

Bộ GTVT cho biết thêm Bộ TN-MT đã thực hiện dự án đánh giá tài nguyên khoáng sản tại khu vực tỉnh Sóc Trăng.

Trong đó đánh giá về cơ bản các chỉ tiêu cát biển vùng biển gần bờ của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng các yêu cầu làm vật liệu đắp nền đường theo TCVN 9436:2012.

Kết quả này đã chuyển giao cho UBND tỉnh Sóc Trăng để tiến hành các thủ tục để khai thác, cung cấp vật liệu cho các dự án theo cơ chế đặc thù được Quốc hội ban hành.

Trên cơ sở kết quả nêu trên, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án của địa phương để tổ chức triển khai thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án xây dựng công trình giao thông có điều kiện tự nhiên, môi trường tương tự như dự án thí điểm.

Trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị cần nghiên cứu các khuyến nghị của Hội đồng khoa học cấp Bộ;

Có các giải pháp quan trắc môi trường, tổ chức giám sát, đánh giá mức độ tác động trong quá trình thực hiện; đảm bảo tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan;

Tổng hợp số liệu gửi về Bộ GTVT; tiếp tục khảo sát, thu thập số liệu và xây dựng định mức theo các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

https://www.anninhthudo.vn/mo-rong-thi-diem-dung-cat-bien-dap-nen-duong-thay-dat-post570275.antd

N.T / anninhthudo.vn