- Metro Bến Thành - Suối Tiên chạy thử đợt cuối 200 chuyến/ngày
- Miễn phí vé 1 tháng cho người dân đi Metro số 1
Cuộc hẹn hơn 12 năm của metro số 1 với người dân TP.HCM cuối cùng đã đến, người dân TP được bước lên chuyến tàu đi dọc từ Bến Thành đến Suối Tiên.
Ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức vận hành thương mại sau thời gian chạy thử nghiệm liên tục. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên dài gần 20 km đi từ trung tâm Quận 1 ngang qua Bình Thạnh và kéo dài dọc TP Thủ Đức là viên gạch đầu tiên, điểm khởi đầu cho khát vọng hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị 510 km vào năm 2045 của TP.HCM.
Đường đi vạn dặm
Trả lời phóng viên Báo điện tử VTC News, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, người gắn bó mật thiết với việc quy hoạch đô thị TP.HCM, nói rằng là công dân thành phố, ông rất vui khi tuyến Metro số 1 mà người dân chờ đợi rất lâu đã hoàn thành, vận hành an toàn đưa khách đi dọc từ Thủ Đức về Quận 1 và ngược lại.
Những chuyến tàu sẵn vận chuyển hành khách từ ngày 22/12. (Ảnh: Lương Ý)
“Người ta nói đường đi vạn dặm bắt đầu bằng những bước chân đầu tiên. Mỗi thành tựu đều là sự khuyến khích để mình tiếp tục bước tới. Tôi thấy phấn khởi, và tôi tin nhiều người cũng như vậy. Bởi vì ít nhất là chúng ta đã xong một giai đoạn, để hướng đến những mục tiêu xa hơn”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.
Với chuyên gia quy hoạch này, một dự án kéo dài đều có lý do riêng của nó, chẳng ai muốn công trình kéo dài hàng chục năm. Những khởi đầu mang tính tích cực, giúp thành phố thay đổi, phát triển nhanh thì phải đương đầu với những rào cản, những cơ chế, tư duy cũ, đến việc chúng ta thiếu kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện... Việc phát triển metro, phát triển TOD các đơn vị hoàn toàn không có kinh nghiệm, chưa bao giờ có ở Việt Nam, nên phải vừa làm vừa học.
Ông cho rằng tuyến metro đầu tiên của thành phố đưa vào vận hành chưa phải là đích đến mà là viên gạch đầu tiên, là điểm khởi đầu. Bởi mục tiêu của TP.HCM không phải chỉ là những chuyến tàu chạy, mà để người dân chuyển dần từ phương tiện cá nhân sang công cộng, để người dân sử dụng phương tiện công cộng đi lại hàng ngày như thói quen, đặc biệt trong hoàn cảnh TP.HCM là siêu đô thị trên 10 triệu dân.
Thế giới không có siêu đô thị nào trên 10 triệu dân mà lại không có phương tiện giao thông công cộng tốt có thể vận hành hiệu quả. Nên metro là vấn đề sống còn chứ không phải vấn đề chọn lựa nữa.
Với TS Phan Hữu Duy Quốc, người trực tiếp tham gia thi công công trình suốt gần 10 năm, ngày Metro số 1 chở khách thương mại rất đặc biệt, bởi tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM này đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong hành trình của chính ông và gia đình.
Ông hạnh phúc khoe tấm thiệp mời mình lên chuyến tàu đầu tiên trong ngày 22/12, và cho biết sau đó sẽ đưa cả nhà lên tàu đi dọc công trình, cùng chia sẻ niềm vui chung với người dân thành phố.
Là người góp sức xây dựng thành công tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, khi dự án hoàn thành, ông Quốc không chỉ có hạnh phúc mà còn hãnh diện, tự hào và nhẹ nhõm.
Năm 2014, phần ngầm của Metro số 1 bắt đầu khởi công và kéo dài gần 10 năm - Hình ảnh thi công ga ngầm Nhà hát TP. (Ảnh: Duy Quốc)
“Câu hỏi tôi phải nghe nhiều, lặp đi lặp lại nhiều năm qua là khi nào tàu chạy, khi nào người dân TP.HCM được đi metro, khi nào dự án hoàn thành. Những khi nghe câu hỏi đó, tôi không biết mốc thời gian để trả lời. Còn bây giờ, tôi nói với mọi người chắc chắn ngày 22/12/2024 mình đi tàu. Nói được mốc thời gian cụ thể khiến tôi rất nhẹ nhõm. Cảm giác đầu tiên của tôi là không còn thấy có lỗi khi nhiều năm không trả lời được thời gian dự án hoàn thành. Mình đã không cái cảm giác đang bị chế giễu hay áp lực, mặc dù trong quá trình làm dự án đã chịu nhiều áp lực”, ông Quốc nói.
Metro số 1 là cơ duyên, là quyết định đưa ông Quốc và gia đình về nước sau 20 năm sống, học tập và tại Nhật Bản. Năm 2014, Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, khi đó đang làm việc tại Nhật Bản, được Tập đoàn Shimizu cử về Việt Nam tham gia dự án với vai trò nhà thầu.
Ông bảo để được “cử đi công tác nước ngoài” - thực tế là về nhà, về quê hương xây dựng tuyến đường sắt đô thị đầu tiên, ông đã xung phong xin đi trước, khi biết tập đoàn tham gia dự án Metro số 1 của TP.HCM.
Ông về với vai trò là Phó trưởng đại diện của Tập đoàn Shimizu tại Việt Nam, và tham gia từ những ngày đầu làm hồ sơ thầu, đàm phán ký kết hợp đồng và khởi động dự án, cũng là người điều phối và làm cầu nối, tập trung toàn bộ cho tuyến metro đầu tiên này. Tháng 7/2014, phần ngầm của dự án khởi công, Tập đoàn Shimizu thực hiện 2 ga ngầm là Ba Son và Nhà hát TP cùng tuyến nối các ga ngầm.
“Khi tham gia xây dựng Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Tập đoàn Shimizu cũng xác định đây là tuyến đầu tiên, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tôi xung phong và được chọn vì tập đoàn cần một người hiểu về văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam để làm cầu nối. Còn tôi xác định đây là cơ hội cho mình trực tiếp đóng góp cho đất nước. Công trình đầu tiên luôn là những thử thách kích thích, nên tôi không thể không về”, ông Quốc chia sẻ.
Trường học của hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM
Metro số 1 là dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở TP.HCM dài gần 20 km, từ depot Long Bình (Thủ Đức) đến chợ Bến Thành (Quận 1) bao gồm 11 ga trên cao và 3 ga ngầm ở trung tâm thành phố, với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng.
Metro số 1 gần như là “trường học” để rút kinh nghiệm cho hệ thống đường sắt đô thị của TP.HCM sau này, khi mọi thứ bắt đầu đều chưa có tiền lệ. (Ảnh: Duy Quốc)
Từ cuối những năm 90, chính quyền thành phố đã có ý tưởng xây dựng mạng lưới đường sắt đô thị, nhưng cũng hơn một thập kỷ, đến 2007, dự án Metro số 1 mới được phê duyệt lần đầu. Đầu năm 2008, hạng mục đầu tiên là depot Long Bình ở Thủ Đức bắt đầu xây dựng, còn tuyến chính thì mất 4 năm sau đó, đến tháng 8/2012 mới khởi công. Một loạt khó khăn bủa vây khiến dự án trễ hẹn, nhiều lần lùi thời gian vận hành suốt từ năm 2018.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói rằng Metro số 1 gần như là “trường học” để rút kinh nghiệm cho tất cả hệ thống đường sắt đô thị từ quy hoạch, xây dựng, vận hành, ngay cả trong câu chuyện đền bù giải tỏa thì đây cũng là bài học. Mọi thứ khi bắt đầu đều chưa có tiền lệ. Từ đây, trong kế hoạch làm hệ thống metro 10 năm tới của thành phố, điều đầu tiên là phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ tuyến 1.
TS Phan Hữu Duy Quốc cho biết, ngay cả Tập đoàn Shimizu với kinh nghiệm hơn 200 năm nhưng khi tham gia xây dựng Metro số 1, cũng xác định sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Chuyên gia nước ngoài dù có kinh nghiệm, làm nhiều công trình metro nhưng chưa làm ở Việt Nam, khi về Việt Nam làm việc cũng lạ lẫm, loay hoay không phải như ở bản xứ.
Làm ở Nhật điều kiện không giống ở Việt Nam. Bản thân ông đã trực tiếp tham gia xây dựng rất nhiều công trình giao thông đô thị ở Nhật với điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng khi về nước tham gia Metro số 1, rất nhiều vướng mắc phát sinh phải đối mặt mà gần như không vướng mắc nào các đơn vị từng đối mặt, nhiều lúc cảm thấy bế tắc.
“Người Nhật họ quen với việc phân công công việc từ tổng thầu xuống thầu phụ, rồi đến các nhà thầu cung ứng nhân lực, tức là chỉ cần gọi điện là có đầy đủ. Nền công nghiệp xây dựng của Nhật có đặc thù, tổng thầu lớn dẫn dắt nhà thầu phụ đi cùng, nhà cung cấp đi theo, có những con chim đầu đàn tại đất nước của họ như vậy.
Trong khi chúng ta thời điểm đó cũng thiếu các nhà thầu đủ mạnh, thiếu các đi vị thi công ngầm, nhân lực chuyên thi công ngầm. Chúng ta cũng chưa quen quản lý những dự án lớn kiểu như Metro số 1. Tất cả đều là đầu tiên, chưa có kinh nghiệm, chưa có bài học nào”, ông Quốc nói.
Với chuyên gia này, Metro số 1 là một hành trình dài với nhiều bài học lớn được rút ra. Trong đó, thách thức lớn nhất là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kinh nghiệm; thiếu hành lang pháp lý đồng bộ và thông lệ quốc tế cho việc thực thi dự án đường sắt đô thị. Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cũng chưa được trao toàn quyền quyết định, nên gặp nhiều khó khăn trong quản lý và triển khai.
Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM dài gần 20 km đi qua 3 địa phương, kết nối TP Thủ Đức với trung tâm thành phố. (Ảnh: Lương Ý)
Nhưng từ tuyến đầu tiên này, ông Quốc nói những tuyến sau sẽ không mất nhiều thời gian, khó khăn nữa, vì đã có bài học, các đơn vị từ quản lý dự án đến nhà thầu đã rút kinh nghiệm. Những vấn đề cần cải thiện để tăng tốc thì cũng sẽ làm được. Và cũng từ đây, các nhà thầu trưởng thành, nhân sự trưởng thành. Các dự án sau này của hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM sẽ đẩy nhanh hơn vài lần.
“Từ tuyến số 1 hoàn thành, trong 5-10 năm tới, tôi không dám nói chắc, nhưng tôi mong muốn trong lứa chúng tôi, những người đã tham gia xây nên công trình, đang vận hành công trình, đến hết thế hệ của mình sẽ chứng kiến sự kết nối, hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị cho thành phố", ông Quốc chia sẻ.
Câu chuyện mà kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn quan tâm bây giờ là vận hành Metro số 1 cho thật hiệu quả, để có kinh nghiệm áp dụng cho những tuyến sau.
Ông cho rằng đầu tư công trình rất tốn kém, nhưng phải tiện lợi thì mới thu hút người dân tham gia. Khách cần lấp đầy được 80-90% toa tàu mới đảm bảo vận hành. Bài toán giao thông công cộng cần tính cho tiện ích, hiệu quả nhất để thu hút khách sử dụng.
Trong thời gian tới, việc cần làm là phát triển TOD, quanh các nhà ga metro phải có các dịch vụ thương mại đi kèm, có khu dân cư, có nơi mua sắm vui chơi, thu hút dân cư về sinh sống, làm việc gần các trạm metro trên tuyến này. Chúng ta đã chưa kịp xây dựng các hạng mục này, nên còn nhiều chuyện phải làm, phải tính.
“Tôi mong muốn chúng ta làm Metro số 1 rồi phải vận hành cho thật hiệu quả, bài bản, đóng góp cho ngân sách. Ít nhất thu hút vài trăm ngàn đến 1 triệu khách mỗi ngày sử dụng metro và xe buýt đi lạ thì tàu mới đảm bảo vận hành. Vận hành tuyến số 1 thành công thì mới từ kinh nghiệm này nhân rộng ra với các tuyến khác", chuyên gia Ngô Viết Nam Sơn nói.
Biểu tượng của hiện đại, văn minh
Những ngày người dân thành phố chộn rộn chờ tuyến đường sắt đô thị đầu tiên vận hành, nữ lái tàu duy nhất của tuyến metro - chị Phạm Thị Thu Thảo cũng háo hức không kém, dù chị đã lái tàu, đưa hành khách đi lại trên hàng chục chuyến trải nghiệm từ năm ngoái đến nay. Cô giáo mầm non rẽ hướng sang lái tàu nói chị thấy mình đã đúng khi tham gia vào công việc đặc biệt, mới mẻ này, đóng góp cho sự hiện đại của thành phố.
Những nhân sự đầu tiên đặt nền móng cho đội ngũ lái tàu của mạng lưới đường sắt đô thị TP.HCM. (Ảnh: M. Quỳnh)
Chị Thảo cho biết lần đầu lái tàu chạy thử nghiệm ngang qua ga Văn Thánh, ga Tân Cảng trên sông Sài Gòn được ngắm thành phố trên cao, cảm xúc rất khó tả. Lúc đó, chị Thảo chỉ mong tàu nhanh chóng đi vào vận hành, để mọi người đều được trải nghiệm phương tiện hiện đại, được thảnh thơi mỗi chiều đi làm về ngồi trên tàu ngắm vẻ đẹp của thành phố, ngắm nhịp sống năng động mà không phải vội vã, chật vật với chuyện kẹt xe.
Trải nghiệm thành phố trên cao cũng là niềm hạnh phúc mà chuyên gia Phan Hữu Duy Quốc chia sẻ. Ông nói đến giờ 3 năm rồi, nhưng mình vẫn muốn kể cho mọi người nghe cảm xúc trong chuyến đi đầu tiên khi tàu chạy thử nghiệm. Khi đó, ông không còn quan tâm đến điều kiện vật chất hiện đại mình hưởng thụ trên tàu, mà mê mẩn nhìn khung cảnh thành phố từ trên cao xuống. Nhìn đoàn tàu đi xuyên trên cao qua thành phố, không chỉ thuần túy là phương tiện giao thông, mà nó là hình ảnh của sự hiện đại và văn minh.
Nhưng hạnh phúc hơn là ông được nhìn người dân hồ hởi lên tàu, chụp hình khoe với nhau và thảnh thơi ngắm cảnh thành phố hai bên đường, reo lên khi ra khỏi đường hầm… Ông nói mình nhiều lần đứng nhìn hình ảnh này nhưng cảm xúc cứ mỗi lần mỗi khác, không thể diễn tả được.
Chuyên gia này khẳng định từ tuyến Metro số 1, TP.HCM sẽ hoàn thiện tuyến số 2, số 3 và nhiều tuyến nữa, đó là sự hiện đại văn minh của đô thị.
“Tôi hy vọng mình sẽ trải nghiệm cuộc sống như 20 năm trước tôi đã từng như vậy ở Nhật, không cần đến ô tô hay xe máy mỗi ngày. Bước ra khỏi nhà, đi bộ vài phút leo lên tàu điện, xe búyt đi đến nơi mình muốn, không có nhu cầu xài đến xe cá nhân. Đó là điều tôi mong từng ngày. Khi bớt phương tiện cá nhân thì thành phố sẽ bớt ngột ngạt, bớt ô nhiễm, bớt tiếng ồn, thông thoáng. Một tuyến số 1 chúng ta chưa cảm nhận được thay đổi đâu, nên phải có tuyến số 2, số 3 song hành”, ông Quốc nói.
Xây dựng 355 km metro trong 10 năm tiếp theo
Ngày 10/12, UBND TP.HCM đã trình HĐND TP.HCM các nội dung đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo kết luận 49 của Bộ Chính trị.
TP.HCM đặt mục tiêu từ nay đến năm 2035 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 7 tuyến đường sắt đô thị, với tổng chiều dài khoảng 355 km. 7 tuyến này phải được khởi công đồng loạt từ năm 2027 và chậm nhất vào năm 2028, vận hành khai thác vào năm 2035. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố cần số vốn đầu tư lên đến hơn 40 tỷ USD.
Giai đoạn 10 năm tiếp theo, hệ thống metro sẽ được đầu tư thêm 155 km, nâng tổng chiều dài metro lên 510km.