Mạo danh cơ quan Bộ để đăng tin thất thiệt trên mạng xã hội: Xử lý nghiêm khắc để răn đe!

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra cảnh báo về việc mạo danh bộ này đăng thông tin không chính xác về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo các chuyên gia pháp lý, hành vi này có thể bị xử lý hình sự.

Sau khi công bố lịch thi THPT 2023 và đề thi minh họa, trang thông tin chính thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết cơ quan này bị nhiều cá nhân/tổ chức mạo danh và đăng thông tin không chính thống gây nhiễu loạn thông tin.

Theo Bộ GDĐT, tại địa chỉ https://www.facebook.com/tuyensinhso có đăng hình ảnh mạo danh Bộ công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023, với lịch thi chi tiết từng ngày. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ GDĐT mới chỉ công bố ngày thi là ngày 27, 28, 29, 30-6. Hiện cơ quan này đã báo cáo và làm việc với cơ quan chức năng để xử lý.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT khẳng định cơ quan này có 2 kênh thông tin chính thức, đó là Cổng Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo: https://moet.gov.vn/Pages/home.aspx; Fanpage chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo (có gắn tích xanh): https://www.facebook.com/thongtinbogiaoducvadaotao.

Mạo danh cơ quan Bộ để đăng tin thất thiệt trên mạng xã hội: Xử lý nghiêm khắc để răn đe! ảnh 1

Thông tin mạo danh về kỳ thi tốt nghiệp THPT đăng trên mạng xã hội

Sự việc trên không phải hiếm gặp. Thời gian qua, tình trạng một số đối tượng lập trang mạng xã hội giả mạo của Bộ Công an, Bộ Công Thương…và một số doanh nghiệp, cá nhân có thương hiệu diễn ra khá phổ biến gây bức xúc trong dư luận.

Về chế tài xử lý đối với hành vi lập trang mạng xã hội giả mạo nhằm tuyên truyền nội dung xuyên tạc, sai trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Khoản 1, điều 18 Luật an ninh mạng 2018 quy định về hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, TTATXH bao gồm giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, Điều 12 Luật công nghệ thông tin năm 2016 cũng nêu rõ về các hành vi bị nghiêm cấm như cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân.

Ngoài ra, Khoản 3, điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định dấu hiệu của trang thông tin điện tử đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân...

Khi phát hiện các hành vi phạm tội, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính hoặc hình sự về một trong các tội như Tội làm nhục người khác, Tội vu khống, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Cũng theo luật sư Thanh Hà, để nhận biết các trang mạng xã hội giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của các Bộ, ngành do các đối tượng xấu lập nên, người dân cần kiểm tra, đối chiếu với các nguồn tin do cơ quan chức năng công bố trên cổng thông tin điện tử chính thống trong nước; xem xét kỹ nội dung.

Tiêu đề bài viết, trên trang giả mạo thường có tiêu đề “hấp dẫn”, gây sự tò mò, hiếu kỳ của người đọc, có dấu hiệu giật tít, câu view, bố cục lộn xộn, hình ảnh, video có dấu hiệu bị chỉnh sửa, cắt ghép. Các trang mạng giả mạo thường có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam “.vn”.

Bên cạnh đó, các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống thường được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền, có dấu tích xanh.

Cá nhân sử dụng mạng cũng cần kiểm tra thông tin, đọc kỹ nội dung trên trang mạng xã hội để xác định thật hay giả, tham vấn các cơ quan hoặc cá nhân có trách nhiệm, không nên vội vàng chia sẻ hoặc tin theo kẻo tự đẩy mình vào vòng lao lý.

https://www.anninhthudo.vn/mao-danh-co-quan-bo-de-dang-tin-that-thiet-tren-mang-xa-hoi-xu-ly-nghiem-khac-de-ran-de-post532634.antd

H.L / anninhthudo.vn