Mâm cỗ ngày đầu năm gợi nhớ về nguồn cội

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng mâm cỗ cúng gia tiên  đầu năm không chỉ mang ý nghĩa đoàn viên gia đình mà còn gợi nhớ về nguồn cội.

Ông Vĩ trả lời VnExpress về tục cúng tân niên sáng mùng 1 Tết của người Việt. 

- Tục sắm mâm cỗ cúng gia tiên sáng mùng 1 Tết của người Việt có nguồn gốc từ đâu, thưa ông?

- Tục cúng đầu năm mới xuất hiện khi các cư dân biết sử dụng Âm lịch. Trước khi có lịch, cộng đồng người Việt ăn Tết theo mùa lúa chín. Quãng thời gian ngay trước và sau Công Nguyên, cư dân Đông Sơn biết dùng lịch pháp Âm lịch từ Trung Hoa và Phật lịch từ Ấn Độ. Âm lịch hay còn gọi là lịch Kiến Dần, lấy tháng Dần (tháng giêng) làm tháng đầu tiên của năm. Người Việt ăn Tết Nguyên đán từ đó. 

Từ khi biết dùng lịch pháp, ý thức về thời gian của cư dân đã thay đổi, không phụ thuộc vào mùa lúa chín mà theo chu kỳ đều đặn với ngày, tháng, năm. Tục thờ cúng tổ tiên vì thế cũng không còn được thực hiện theo mùa lúa chín mà theo chu kỳ lịch pháp mỗi năm một lần.

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ. Ảnh: Viết Tuân 

Trong ngày mở đầu chu kỳ năm mới, cư dân thường có cảm hứng đầu tiên là nhớ về quá khứ để không quên mình sinh ra từ đâu. Người lớn tuổi kể lại cho người trẻ hơn về những người đã khuất. Từ xưa, dân gian gọi đó là truyền thống "bất vong bản" (không quên gốc).

Từ nguồn cảm hứng nhớ về cội nguồn ấy, dần dần người dân nhập tục thờ cúng gia tiên vào ngày Tết Nguyên đán. Trải qua nhiều đời, sự kết hợp này trở thành tục lệ, sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa của người Việt. Mâm cỗ cúng gia tiên vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán có nguồn gốc từ đó. 

- Tục cúng gia tiên ngày đầu năm có ý nghĩa thế nào trong đời sống tinh thần người Việt? 

- Việc sắm sửa mâm cỗ cúng tổ tiên ngày đầu năm trước hết mang ý nghĩa đoàn viên gia đình. Trong gia đình có nhiều con trai, đã ra ở riêng, sáng mùng 1 Tết các con thứ thường đội mâm cỗ đến nhà bố mẹ hoặc con trưởng, để làm lễ.

Trước đây, dù bận công việc đến đâu, các gia đình người Việt vẫn duy trì tập tục này. Vì thế, lễ cúng gia tiên buổi sáng ngày đầu năm còn gọi là lễ đoàn viên. Sau khi làm lễ, mọi người trong đại gia đình ngồi trò chuyện, chia sẻ với nhau những câu chuyện tâm đắc trong năm qua.

Việc đội mâm cỗ cúng đến nhà trưởng tộc không chỉ thể hiện tấm lòng nhớ về ông bà, tổ tiên mà còn là dịp để "báo cáo" những thành quả, công việc trọng đại mà các con cháu đã làm được trong năm. Hơn nữa, dịp này ai cũng mong cầu sự giúp đỡ của tổ tiên để năm mới công việc được suôn sẻ hơn.

Khác với phương Tây, mỗi cá nhân đến tuổi trưởng thành thường độc lập hẳn với gia đình thì với người Việt dù đã trưởng thành vẫn gắn bó với gia tộc rất sâu sắc. Truyền thống của gia đình với mỗi thành viên là điều thiêng liêng. Vì vậy, tục cúng đầu năm mới của người Việt được duy trì đến nay. 

- Nghi thức cúng gia tiên ngày đầu năm được thực hiện như thế nào?

- Để chuẩn bị bày biện cỗ cúng sáng mùng 1, từ hôm trước bàn thờ đã được sửa sang sạch sẽ. Trên bàn thờ thường có hương, hoa, quả, rượu, nước.

Sáng mùng 1, các thành viên thường dậy sớm chuẩn bị mâm cỗ trang trọng dâng lên tổ tiên. Trên mâm cỗ ấy thường bày biện những món ăn như thịt, cá, tôm, xôi, canh, măng miến, món xào. Ngoài ra, tùy theo mỗi gia đình được truyền tụng rằng tổ tiên họ sinh thời thích món gì thì sẽ làm thêm món đó. 

Cỗ cúng của các con trong gia đình được đặt ở bàn phía trước bàn thờ, mâm của con trưởng ở giữa, hai bên là các con thứ. Các con phải đội mâm cỗ đến để bày tỏ sự thiêng liêng. Dân gian nói "mùng 1 tết cha" là vì vậy.

Khi đã bày biện xong, bố mẹ hoặc con trưởng sẽ rót rượu, nước, thắp đèn, nến. Tất cả mọi người trong nhà cùng đứng vái lạy tổ tiên. Đến khi tàn một tuần hương, gia chủ dọn cỗ xuống. 

Sau khi làm lễ, mọi người mừng tuổi người già sống thọ, mừng tuổi trẻ con hay ăn, ngoan ngoãn, học giỏi. 

- Ngày nay, lễ cúng đầu năm đã thay đổi ra sao?

- Tục cúng đầu năm được người Việt gìn giữ và duy trì qua nhiều đời. Thời phong kiến, khi Đại Việt mở cõi về phương nam, những đoàn quân rời quê hương đến vùng đất xa lạ nên ngày Tết không thể trở về. Nhưng họ vẫn lập bàn thờ, bày cỗ cúng vào ngày đầu năm, để hướng về quê hương, tổ tiên. 

Những năm chiến tranh (thế kỷ XX), mâm cỗ cúng đầu năm thường được làm rất đơn giản, thậm chí không có thịt, cá, xôi. Có nhà phải giã sắn làm bánh đặt lên bàn thờ. Đồ cúng sơ sài, nhưng tấm lòng vẫn không thay đổi. 

Thời hiện đại, nhiều gia đình vẫn giữ tục lệ này như nét truyền thống. Đặc biệt với những người trẻ tuổi đi làm ăn xa nhà thì sáng mùng 1 nhất định phải đến nhà trưởng tộc để thắp hương chúc thọ ông bà, bố mẹ. Nếu ai không về nhà được, họ cũng sẽ dọn mâm cỗ để nhắc nhở mọi người trong gia đình không quên nguồn cội và mong năm mới may mắn. 

Bây giờ, đời sống người dân ở mọi vùng miền đã tốt hơn nên có thể dễ dàng làm mâm cỗ cúng trang trọng, đủ đầy. Nhưng con người hiện đại phải phân tán tâm trí vào quá nhiều việc nên những ý nghĩa xưa kia của tập tục này khó còn được trao truyền nguyên vẹn. Vì vậy, khi làm lễ cúng đầu năm, mỗi người cần thành tâm, nhắc nhở nhau dù cuộc sống bộn bề vẫn nên dành chỗ sâu kín nhất trong tâm trí để nhớ về nguồn cội của mình. 

- Trong ngày đầu năm, người Việt thường kiêng kỵ điều gì?

- Người Việt coi ngày đầu năm là "ngày mẫu", mở đầu cho một năm, nên kiêng kỵ nhiều điều, để mong một năm mới tốt đẹp, không xảy ra điều không mong muốn. 

Từ xưa, trước giao thừa, người lớn tuổi sẽ tập hợp thành viên trong gia đình, căn dặn vào ngày mùng 1 phải ăn mặc chỉnh tề, hành xử lễ nghĩa, mẫu mực, đi đứng nghiêm trang, nhẹ nhàng, kính cẩn. Trẻ con được dặn dò không quấy khóc, chỉ nói điều hay, ý đẹp, không nói điều gở. Gặp người thân quen thì chúc mừng nhau, không đánh nhau. 

Người Việt cũng rất kiêng kỵ quét nhà vào ngày đầu năm. Tập tục này có nguồn gốc từ truyền thuyết về một vị thần tài, trong vai người đi ở đói rách, phải nằm ở đống rác. Ông chủ nhà vì không hay biết nên đổ đống rác đi, từ đó nhà làm ăn sút kém. Vì vậy, dân gian quan niệm tất cả những gì vào nhà ngày Tết đều là của cải, không nên đổ đi. Bây giờ, tập tục này vẫn được nhiều gia đình duy trì. Nếu có quét nhà thì sẽ thu dọn rác vào một góc, chờ hết ba ngày Tết mới đổ đi. 

Cách nấu canh măng khô chuẩn vị miền Bắc cho mâm cỗ Tết Canh Tý 2020
Cách nấu cá kho làng Vũ Đại cho mâm cơm Tết hoàn hảo
Chồng vào bếp nấu mâm cơm 5 món tươm tất vẫn bị vợ trẻ than vãn, biết lý do ai cũng phì cười
/ vnexpress.net