Cách nấu canh măng khô chuẩn vị miền Bắc cho mâm cỗ Tết Canh Tý 2020

Canh măng khô là một món canh cổ truyền, không bao giờ thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc. Món ăn này không chỉ thể hiện sự khéo tay, tỉ mỉ của gia chủ mà còn giữ vai trò “điều hòa” vị cho mâm cỗ Tết vốn rất ngán, nhiều đạm. 

Canh măng khô là một món canh cổ truyền, không bao giờ thiếu trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc.

Có rất nhiều loại măng thường được chọn phơi khô để dùng cho món này. Tuy nhiên, hai loại măng ngon nhất là măng lưỡi lợn và măng nứa hương. Măng lưỡi lợn có miếng măng dầy, mềm thịt, trong khi đó măng nứa hương mỏng hơn, dai hơn một chút nhưng lại có hương thơm dễ chịu. Các bà nội trợ thường nấu canh măng với móng giò hoặc ngan/gà già. Nhưng đặc trưng nhất của ngày Tết Nguyên đán là canh măng móng giò.

Để có được một nồi canh măng cũng khá cầu kỳ và mất nhiều thời gian, chính vì thế, mỗi lần sơ chế các bà nội trợ thường làm một lượng khá lớn, đủ để ăn nhiều bữa. Nguyên liệu để làm một nồi canh măng bao gồm: măng khô, móng giò, sườn, nấm hương, mộc nhĩ.

Đầu tiên, bạn rửa sạch tất cả các nguyên liệu. Nấm hương, mộc nhĩ ngâm nước ấm nở tới, cắt sạch chân, rửa sạch, để ráo nước rồi cho hộp cất tủ lạnh. Để nấm hương và mộc nhĩ giòn, sạch, bạn nên đun từ nước lạnh, cho một nhúm gạo vào đun cùng. Khi nước sôi thì tắt bếp, ngâm thêm khoảng 5 phút rồi đổ ra rổ rửa là vừa vặn.

Móng giò, sườn trần qua nước nóng, rửa lại sạch bọt, vụn xương rồi nêm nếm gia vị vừa vặn, ninh nước ngập mặt xương. Ninh móng giò và xương đến vừa chín tới thì cũng đơm ra hộp thủy tinh, để nguội là có thể xếp lại.

Phần cầu kỳ nhất chính là sơ chế măng khô. Đầu tiên, bạn cầm ngâm măng trong nước lạnh để măng nở ra, sạch sẽ. Thời gian ngâm với măng lưỡi lợn khoảng 1 ngày, măng lứa hương khoảng 12 giờ. Nên ngâm bằng nước vo gạo.

Sau khi đã được ngâm nở, luộc măng với nước trong (cho thêm một chút muối) vài lần đến khi nước luộc măng không còn màu đục, miếng măng mềm vừa tới (cắn vẫn còn chút độ giòn nhưng không dai) thì là được.

Lúc này, bạn mới bắt đầu cắt bỏ phần măng già, xơ. Phần măng non cắt miếng vừa ăn hoặc xé sợi (tùy theo sở thích). Sau đó, bóp nhẹ để măng ráo nước (không vắt hoặc bóp quá mạnh sẽ làm nát miếng măng). Tiếp đó, cho một xíu mỡ lợn đun sôi, xào măng với chút mắm, muối sao cho miếng măng ngấm đủ gia vị thì cũng đổ ra hộp bảo quản.

Khi ăn, xẻ một phần măng, một phần xương đã ninh vào nồi, đun sôi để chúng thấm vị vào nhau. Đến khi miếng măng đã thấm vị ngọt từ xương thì nêm nếm lại, sau đó thêm nấm hương, mộc nhĩ đã sơ chế, thái miếng vào, đun thêm tầm 10 phút. Đơm canh măng ra bát, rắc thêm vài cọng hành lá, mùi là bạn đã có được bát canh măng chuẩn vị.

Lưu ý, phần canh xương móng giò sau khi bạn trữ trong tủ lạnh sẽ có một lớp đông mỡ bên trên. Nếu bạn thích ăn kiểu canh béo, ngậy thì có thể xẻ nguyên phần canh xương móng có lớp mỡ này vào nấu. Còn nếu bạn thích một bát canh măng thật thanh vị, nước trong thì nhẹ nhàng hớt lớp mỡ này bỏ đi, chỉ dùng phần xương và nước đông trong phía dưới.

Cách nấu cá kho làng Vũ Đại cho mâm cơm Tết hoàn hảo

Mâm cơm ngày Tết có rất nhiều món ngon, nhưng lại dễ mang lại cảm giác ngán. Tìm kiếm những món đặc sản cho mâm ...

Chồng vào bếp nấu mâm cơm 5 món tươm tất vẫn bị vợ trẻ than vãn, biết lý do ai cũng phì cười

Mâm cơm anh chồng nấu có tận 5 món nhưng lại không thể làm cô vợ hài lòng vì lý do này.

Gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng 7

Dưới đây là một số gợi ý mâm cỗ cúng rằm tháng 7 của nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết. Các bạn có thể tham ...

T.A

 

 

 

/ laodong.vn