Trong khi một số nhà phân tích nghi ngờ rằng việc triển khai siêu tiêm kích Su-57 tới Syria của Nga có thể mang yếu tố chính trị, nhà nghiên cứu Kashin lại cho rằng đây đơn giản là hoạt động thử nghiệm thiết kế của máy bay.
Việc Nga âm thầm triển khai 2 siêu tiêm kích Sukhoi Su-57 Pak-Fa tới căn cứ không quân của nước này tại Syria khiến dư luận không khỏi bất ngờ những ngày qua.
Dù cho các báo cáo cụ thể về việc siêu tiêm kích tàng hình này đến Syria cho đến nay vẫn chưa được xác nhận chính thức, nhưng động thái triển khai máy bay đang trong giai đoạn phát triển và chưa sẵn sàng chiến đấu tới vùng đang có chiến sự là điều bất thường.
Động thái trên của Nga được ví như sự kiện Mỹ triển khai tiêm kích F-22 Raptor vào chiến đấu hồi cuối thập niên 1990, thời điểm chiến đấu cơ này còn đang trong giai đoạn phát triển.
Triển khai siêu tiêm kích Su-57 tới Syria, có thể Nga đang muốn thử nghiệm thiết kế của máy bay.
Tuy nhiên, việc đưa máy bay đang giai đoạn phát triển vào chiến đấu để thử nghiệm và thu thập dữ liệu có thể không là điều lạ với Nga.
“Đây là thử nghiệm cho một cuộc chiến thật sự. Xô Viết đã từng làm như vậy”, ông Vasily Kashin, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và châu Âu thuộc trường Kinh tế cao cấp Moscow chia sẻ.
Mục đích chính của việc triển khai Su-57 tới Syria là nhằm thu thập thêm càng nhiều trải nghiệm hoạt động cũng như các dữ liệu hàng không càng tốt.
Không chỉ thử nghiệm năng lực radar quét điện tử của Su-57 hay hệ thống điện tử thông minh, Nga còn muốn kiểm nghiệm một số sứ mạng chiến đấu hạn chế khác.
“Máy bay có thể chở theo vũ khí để không kích dù đây không phải là mục tiêu chính”, ông Kashin cho hay.
Sukhoi Su-57 (Nga còn định danh là T-50 PAK FA) là dòng máy bay phản lực chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga hiện vẫn đang trong giai đoạn phát triển bởi một liên danh do Sukhoi đứng đầu. Tuy nhiên, mẫu siêu tiêm kích vừa xuất hiện tại Syria hầu như chắc chắn đã được trang bị đầy đủ hệ thống điện tử hàng không.
“Có thể đây là mẫu mới nhất và các cuộc thử nghiệm đang diễn ra tốt”, ông Kashin nhận định.
Một số nhà phân tích nghi ngờ rằng việc triển khai Su-57 tới Syria có thể mang yếu tố chính trị.
Trong khi một số nhà phân tích nghi ngờ rằng việc triển khai Su-57 tới Syria có thể mang yếu tố địa chính trị, ông Kashin lại đánh giá khác. “Tôi không nghĩ có yếu tố chính trị nào ở vụ việc này cả”, ông Kashin cho biết.
Theo nhận định của nhà nghiên cứu, lý do quan trọng nhất của việc Nga triển khai Su-57 là “thẩm định” lại thiết kế của máy bay này trước khi đưa vào sản xuất hàng loạt và dành nhiều trải nghiệm khi hoạt động chiến đấu là điều đáng nghĩ tới nhất.
Từ lâu Syria đã là chiến trường thử nghiệm nhiều loại vũ khí mới của Nga và Su-57 cũng chỉ là một trong số đó.
“Năng lực chiến đấu sẽ được thử nghiệm ngay từ ban đầu. Điều đó sẽ giúp điều chỉnh quá trình sản xuất hàng loạt”, ông Kashin cho biết.
Một số nhà phân tích lại cho rằng với việc đưa Su-57 tới Syria, Nga cũng có thể đang huấn luyện những phi công cách làm chủ thế hệ máy bay mới nhất trong việc do thám và chiến đấu với F-22 của Mỹ. Động thái này có thể là con dao hai lưỡi với Nga, bởi đây cũng là cơ hội để Mỹ trải nghiệm khả năng đáp trả của F-22 với tiêm kích mới nhất của Nga.
Nga có thể thu nhiều lợi ích trong việc đưa Su-57 tới Syria. Tuy nhiên, hoạt động này cũng có thể mang đến những tác động không mong muốn. Nga có thể sẽ gặp khó khi lực lượng quân đội Mỹ sẽ giám sát hoạt động của Su-57 ở cự ly gần.
Hơn hết, một máy bay mới và đang giai đoạn phát triển thường dễ gặp các sự cố kỹ thuật. Bởi vậy, động thái đưa Su-57 tới Syria của Kremlin quả thực là một canh bạc.
Nhật khiêm tốn trước sức mạnh Không quân Trung Quốc
Tạp chí The Diplomat vừa có bài viết khá khiêm tốn khi nói về thế mạnh của Không quân Trung Quốc trước Nhật Bản. Tuy ... |
Trung Quốc tăng cường sức mạnh không quân đối phó Ấn Độ
Báo Trung Quốc tuyên bố nước này đã điều nhiều tiêm kích hiện đại đến biên giới phía bắc để đề phòng không quân Ấn ... |