Tổ chức Lương-Nông Liên Hợp quốc (FAO) cho biết trong năm qua, giá lương thực trên thế giới đã tăng 28%, lên mức cao nhất trong một thập niên. Thông tin này một lần nữa làm dấy lên mối lo về sự bất ổn an ninh lương thực toàn cầu trong lúc đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Theo FAO, trong năm 2021, chỉ số giá lương thực của tổ chức này đã đạt mức trung bình 125,7 điểm, mức cao nhất kể từ năm 2011. Chỉ số trên đã giảm nhẹ trong tháng 12-2021 nhưng đã duy trì đà tăng liên tiếp 4 tháng trước đó. Sự tăng giá lương thực đã góp phần làm gia tăng tình trạng lạm phát trong bối cảnh các nền kinh tế trên toàn cầu đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và khiến những người nghèo gặp rủi ro tại nhiều quốc gia.
Lạm phát giá lương thực
Trong báo cáo cập nhật hằng tháng, FAO cho hay chỉ số giá thực phẩm, theo dõi giá các mặt hàng lương thực được được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đã tăng 28,1% trong năm 2021. Tính riêng trong tháng 12-2021, ngoại trừ các sản phẩm từ sữa, giá của tất cả các loại thực phẩm đều giảm, trong đó giá dầu thực vật và đường giảm đáng kể. Tuy nhiên, tính trong cả năm 2021, giá các loại thực phẩm đều tăng mạnh, trong đó giá dầu thực vật đạt mức cao kỷ lục.
Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc giảm 0,6% trong tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong cả năm, chỉ số này đạt mức cao nhất kể từ năm 2012, tăng 27,2%. Các mặt hàng tăng giá nhiều nhất là ngô (tăng 44,1%) và lúa mì (tăng 31,3%). Tính chung cả năm, chỉ số giá dầu thực vật đạt mức tăng cao nhất trong lịch sử, tăng 65,8% so với năm 2020. Tương tự, chỉ số giá đường tăng 29,8%, mức cao nhất kể từ năm 2016. Chỉ số giá thịt “về cơ bản ổn định” trong tháng cuối năm nhưng đã tăng 12,7% trong cả năm.
FAO cho biết nhu cầu thế giới về lương thực ở đủ mọi mặt hàng, từ sữa bột đến thịt lợn, dầu thực vật hay ngũ cốc đều tăng mạnh trở lại khi các nền kinh tế mở cửa hậu đại dịch. Theo cơ quan này, các khu vực đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng giá tăng vọt đối với các loại thực phẩm cơ bản như ngũ cốc, mỡ động vật, dầu thực vật và hạt có dầu, trong khi ở các khu vực phát triển, giá tăng chủ yếu ở các loại sản phẩm có giá trị gia tăng cao như trái cây và rau quả, thịt cá và đồ uống.
Siêu thị tại nhiều nền kinh tế đều gặp khó khăn trong việc trữ hàng thời kỳ diễn ra đại dịch và hệ quả là không đủ hàng bán cho người dân khi mở cửa trở lại. Tại Anh, tình trạng thiếu lao động nhập cư vì việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, đã khiến nhiều chuỗi nhà hàng, siêu thị phải loại bỏ bớt một số mặt hàng khỏi thực đơn hay danh sách bán.
Hồi tháng 11-2021, chỉ một thông báo trữ hàng thông thường trước Tết Nguyên đán và mùa đông của Bộ Thương mại Trung Quốc cũng khiến người dân đổ xô đi siêu thị xếp hàng, tranh giành để mua thực phẩm. Tại Mỹ, giá lương thực tăng đã bắt đầu ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng khác. Các hàng thực phẩm như Unilever, Kraft Heinz và Mondelez đều đã tăng giá những mặt hàng phổ biến của họ vì chi phí đầu vào đi lên.
Hồi tháng 6-2021, Cơ quan lương thực của Liên Hợp quốc (LHQ) cảnh báo các quốc gia có thu nhập thấp sẽ phải đối mặt với tình trạng giá nhập khẩu lương thực tăng mạnh, có thể lên tới 20%.
Nguyên nhân của bão giá?
“Tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng trên thế giới”, Sébastien Abis, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS) từng cảnh báo. Theo chuyên gia này, sự suy giảm các hoạt động kinh tế-xã hội do đại dịch đã làm giảm đáng kể thu nhập của người dân. Tác động của dịch COVID-19 đối với lĩnh vực nông nghiệp là rất rộng, gây ra tình cảnh thiếu ổn định ở cấp độ chưa từng có đối với chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Cùng lúc đó, lạm phát lương thực cũng tăng nhanh trong khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Với cuộc khủng hoảng container, chi phí vận tải đang bùng nổ đối với những mặt hàng thực phẩm dễ bị hư hỏng nhất, hay nói cách khác là khó vận chuyển nhất, chẳng hạn như đường và gạo. Đòn giáng kép này đã ảnh hưởng đến toàn thế giới và trên hết là các quốc gia mới nổi, nơi lương thực chiếm hơn một nửa ngân sách chi tiêu của gia đình.
Năm 2021, thời tiết xấu cũng ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch nông sản trên khắp thế giới. Liên Hợp quốc hồi tháng 11-2021 đã nâng triển vọng thương mại lúa mì toàn cầu lên mức kỷ lục khi lượng mua tăng mạnh tại các quốc gia Trung Đông từ Iran đến Afghanistan. Hạn hán tại khu vực này đã ảnh hưởng đến vụ mùa, tăng mức độ phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu vào thời điểm giá cả tăng cao.
Cuộc khủng hoảng năng lượng cũng là một vấn đề đau đầu, khiến chi phí vật tư, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là phân bón, tăng chóng mặt. Và dầu thực vật cũng không tránh khỏi tình trạng giá tăng cao khi sự quay trở lại trạng thái bình thường của thị trường dầu đã làm tăng nhu cầu của hạt có dầu. 40% sản lượng dầu thực vật toàn cầu được dùng để sản xuất diesel sinh học. Giá dầu cọ đã tăng 50% trong vòng một năm qua, lên mức 1.200 USD/tấn. Antoine de Gasquet, nhà môi giới dầu thực vật tại Baillon-Intercor, nhận định: “Trong 30 năm trở lại đây chưa từng thấy một đợt tăng giá mạnh và kéo dài như vậy”.
Trong lĩnh vực thịt, tình trạng căng thẳng cũng đang được nhìn thấy rõ. Francois Cholat, Chủ tịch Công đoàn ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi Pháp đã nhận định: “Không có nguyên liệu thô nào là không tăng giá”. Trong 12 tháng qua, các nguyên liệu thô để chế biến thức ăn chăn nuôi tăng trung bình là 30%. Các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã chuyển mức tăng giá cho các nhà chăn nuôi, các nhà chăn nuôi cũng đang vật lộn để làm điều tương tự bằng việc tìm cách phân phối sản phẩm của họ với giá cao hơn.
Nguy cơ an ninh lương thực
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, giá lương thực tăng ảnh hưởng lớn đối với người dân tại các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, do chi cho lương thực chiếm phần lớn trong tổng chi tiêu hộ gia đình. Theo báo cáo gần đây nhất của LHQ, nạn đói vẫn đang hoành hành ở 43 quốc gia, vì các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra đã làm giảm mức dự trữ lương thực của những nước này.
Theo số liệu thống kê mới nhất của một số cơ quan trực thuộc LHQ, tình trạng mất an ninh lương thực tại Mỹ Latinh đang ở mức nghiêm trọng nhất kể từ năm 2000, với 59,7 triệu người trong tình trạng đói và 267 triệu người không được đảm bảo lương thực. Chỉ trong giai đoạn 2019-2020, số người chịu nạn đói tại khu vực này đã tăng gần 40%, tương đương 13,8 triệu người. Với bối cảnh an ninh lương thực và dinh dưỡng của khu vực trong năm 2021, chỉ số phổ quát nạn đói trong khu vực hiện đang ở mức 9,1%, cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Đại diện của FAO tại khu vực Julio Berdegue đã thẳng thắn nhận xét: “Mỹ Latinh và Caribe đối diện với tình trạng nguy kịch trong khía cạnh an ninh lương thực. Số lượng người chịu đói tại khu vực này đã tăng 79% trong giai đoạn 2014-2020”. Ông Berdegue cũng nhấn mạnh xu hướng này vốn đã bắt đầu từ năm 2014 và bị đại dịch COVID-19 làm trầm trọng thêm.
Một khu vực cũng đang chịu nhiều rủi ro là châu Phi. Theo báo cáo của FAO, trong năm 2020, khoảng 282 triệu người châu Phi đã trải qua nạn đói. Tháng 4-2021, Hội Chữ thập đỏ quốc tế báo động rằng ít nhất 100 triệu người ở châu Phi đang phải đối mặt với nạn đói thảm khốc. Dù chiếm 60% diện tích đất canh tác trên thế giới nhưng từ năm 2016, châu Phi phải nhập khẩu 85% lượng lương thực đáp ứng nhu cầu của lục địa, tương đương giá trị nhập khẩu vào khoảng 35 tỷ USD. Điều đó cho thấy năng lực của ngành nông nghiệp của châu lục còn thấp. Hơn nữa, con số này được dự đoán sẽ tăng lên mức cao là 110 tỷ USD/năm vào năm 2025.
Nông nghiệp vẫn là thành tố quan trọng, đáng tin cậy trong nền kinh tế và ổn định toàn cầu. Giới chuyên gia dự báo, ngành nông nghiệp thế giới phải tăng 60% năng suất mới đủ nuôi sống dân số ước tính đạt 9,3 tỷ người vào năm 2050. Chính vì vậy, an ninh lương thực toàn cầu cũng là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hàng loạt hội nghị quốc tế suốt thời gian qua.
Hiện, những nguồn tài trợ truyền thống, vốn là “phao cứu sinh” cho các nước nghèo đang “quá tải”. Chi phí để ngăn chặn nạn đói toàn cầu từ nay đến năm 2030 ước tính ở mức 45 tỷ USD. Nếu không hành động nhanh chóng, thế giới có thể sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực, gây hậu quả dài hạn đối với hàng trăm triệu người lớn và trẻ em.
Cảnh báo ảnh hưởng kéo dài
Theo nhiều dự báo, tình hình thời gian tới sẽ càng trở nên phức tạp hơn khi mùa đông khiến nhu cầu về lương thực, năng lượng, nhu yếu phẩm của các hộ gia đình tăng cao trong khi chuỗi cung ứng chưa hồi phục hoàn toàn trở lại.
Ngoài các yếu tố như tắc nghẽn chuỗi cung ứng, thiếu lao động và thời tiết xấu, việc Trung Quốc đang tích trữ các mặt hàng chủ chốt cũng là nguyên nhân gây ra cơn sốt giá hiện nay. Năm 2020, giá trị nhập khẩu lương thực của Trung Quốc đạt con số kỷ lục: 98,1 tỷ USD, tăng 22% chỉ trong vòng 1 năm và 360% trong 1 thập kỷ qua. Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2021, lượng lúa mì nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng tới 50% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Bộ Nông nghiệp Mỹ đã đưa ra ước tính Trung Quốc sẽ nắm giữ 69% dự trữ ngô, 60% gạo và 51% lúa mì của thế giới vào giữa năm 2022. Phía Trung Quốc xác nhận số lương thực dự trữ của nhà nước đã đạt mức tối đa trong lịch sử, trong đó dự trữ lúa mì của họ có thể đáp ứng nhu cầu trong 1 năm rưỡi. Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu dự trữ lương thực, đặc biệt khi những gián đoạn mà COVID-19 gây ra vẫn tiếp diễn.
Ông Akio Shibata, Chủ tịch Viện Nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên của Tokyo, cho biết: “Việc tích trữ lương thực dự trữ là một trong những lý do khiến giá lương thực trên thế giới tăng cao và sẽ còn tiếp tục tăng cao”. Bloomberg dẫn lời các chuyên gia cho rằng 'cơn khát' lương thực sẽ làm giảm thêm nguồn cung toàn cầu và tạo điều kiện cho giá lương thực tăng liên tục trong thời gian tới.
Các nước nghèo nhất sẽ là những nạn nhân đầu tiên phải gánh chịu hậu quả. Brazil, Mỹ, Canada, EU và Nhật Bản cũng được coi là những “nạn nhân” tiềm năng của khủng hoảng lương thực, theo chuyên gia kinh tế Nga Leonid Khazanov, do đặc thù của nền kinh tế của họ và cơ cấu sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm, phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tại Nga, ông Khazanov đánh giá tình hình đã ổn định hơn trước, tuy nhiên trong năm 2022, giá lương thực có thể tăng thêm 15-20%. Phó Thủ tướng thứ nhất của Liên bang Nga Andrei Belousov trước đó cho biết nước này đang trải qua làn sóng lạm phát thứ hai và dự kiến sẽ có đợt thứ ba, "đặc biệt" đáng chú ý nửa cuối năm 2022.
Đáng chú ý, trong khi xu hướng mất an ninh lương thực gia tăng, tình trạng lãng phí thực phẩm vẫn không được cải thiện. Theo ước tính của FAO ở cấp độ toàn cầu, nhân loại đang lãng phí từ 14-17% lượng lương thực từ sản xuất. Nhưng, một số chuyên gia còn cho rằng những khảo sát này vẫn chưa đánh giá đúng quy mô lãng phí lương thực của người tiêu dùng và số thực phẩm bị lãng phí thậm chí có thể còn cao gấp đôi con số trên.
Bích Hạnh (Tổng hợp)
Trung Quốc siết quy định nhập lương thực: Mỹ, Anh, Nhật lo ngại |
Ông Biden ký sắc lệnh tăng lương cho người lao động, hỗ trợ thực phẩm cho dân |