Lương bổng và lương tri

Tôi bước ra khỏi lớp, tấm thiệp từ bó hoa to đùng văng xuống đất, tờ 500.000 Đồng lấp ló chực bay ra khỏi phong bì. 

Tôi bước ra khỏi lớp, tấm thiệp từ bó hoa to đùng văng xuống đất, tờ 500.000 Đồng lấp ló chực bay ra khỏi phong bì.

Bó hoa do các bạn sinh viên tặng nhân ngày 20/11. Hai tay nặng trĩu với cặp, với hoa, tôi kẹp lại tờ tiền. Quay vào lớp học, tôi cảm ơn tấm lòng của cả lớp nhưng chỉ nhận bó hoa, còn món quà tôi xin gửi lại. Lớp đó có đến 2/3 sinh viên ở tỉnh lên Hà Nội, nhiều em gia đình khó khăn, tiền bố mẹ chu cấp còn chưa đủ để trang trải cuộc sống. Sau chút ngập ngừng, các em cầm lại phong bì.

Việc có quà hay không chưa bao giờ làm tôi thay đổi tình cảm với học trò. Hơn chục năm dạy học, tôi được tặng quà khi thì cái khăn, thỏi son, cuốn sách, đôi khi kèm cả phong bì. Nhưng tôi cảm nhận niềm hạnh phúc sâu lắng nhất là khi đón nhận những lời chúc chân thành, những tiếng hát về "người thầy" của các em.

Hơn 30 năm trước, khi còn học tiểu học, tôi cũng xin tiền bố mẹ để cả lớp chung nhau mua quà tặng cô giáo. Hồi đó, được đến nhà cô là niềm háo hức lạ thường dù món quà chúng tôi đem đến chỉ là đôi dép, cái kẹp tóc hay nải chuối giá vài chục đồng. Giờ đây, đã là phụ huynh, trong nhiều năm liền tôi thường tất bật mỗi dịp lễ vì lo chuẩn bị quà cho các cô giáo của con. Từ khi con học mầm non, rồi cấp một, cấp hai, khi thì 3, 4 túi quà cho 3, 4 cô, khi thì đi phong bì cho gọn nhẹ. Tôi đã có tâm lý, thấy các phụ huynh khác "đi", mình không thể không "đi". Nhất là khi gặp cô giáo mà thấy mặt cô lạnh te, trong lòng tôi gờn gợn chút lo lắng. Thôi, cứ tặng quà, vừa là động viên vừa là nhờ cậy các cô quan tâm dạy dỗ con mình.

May thay, mấy năm qua tôi như trút được gánh nặng vì trường tiểu học của con thứ hai ra thông báo, các bậc phụ huynh không tặng quà dưới bất kỳ hình thức nào cho thầy cô. Còn trường trung học cơ sở nơi con lớn của tôi theo học, cô chủ nhiệm rất khảng khái tuyên bố trong buổi họp phụ huynh: "Tôi có một đề nghị, các bác không tặng quà cho giáo viên, mong các bác hiểu và thực hiện".

Nhẹ nhõm là vậy, nhưng tôi không khỏi suy nghĩ về cuộc sống của những người làm nghề giáo. Đằng sau dáng vẻ trang nghiêm, đáng kính trên lớp là sự tất bật lo toan cơm áo gạo tiền của họ. Bao năm đứng trên bục giảng, dạy các em con chữ, cách làm người, làm việc, nhưng cuộc sống của đa số họ vẫn chật vật với đồng lương không quá 8 con số.

Điểm qua các trường từ mầm non đến đại học, bất cứ đâu tôi cũng gặp các thầy cô tranh thủ làm thêm. Một số ít dạy thêm, mở công ty hoặc làm cho các doanh nghiệp ngoài, còn rất nhiều người phải "buôn thúng bán mẹt". Anh em, bạn bè, cô giáo của con tôi, người bán bảo hiểm, người bán quần áo, người bán gà, vịt, cá mú, rau quả,... chả thiếu thứ gì.

Mấy đồng môn trong lớp nghiên cứu sinh của tôi từ Bắc, Trung, Nam ra Hà Nội học cũng tranh thủ tiếp thị đặc sản quê hương, nào cam Nghệ An, chè Thái Nguyên, cá Quảng Bình. Mấy thầy dạy đại học ở miền Nam còn kể chuyện đi buôn chuyến ở Campuchia, Trung Quốc. "Mỗi lần ra Hà Nội như này, em phải chuẩn bị mấy tháng trời tranh thủ bán cá, bán rượu. Muốn theo đuổi nghề giảng viên lắm chị ạ, nhưng không biết có tâm huyết mãi với nó được không khi vừa học vừa làm vừa phải lo cho cả gia đình", một cậu tâm sự.

"Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học", câu nói của Jan Amos Komensky có lẽ là một lý do khiến nhiều người đã chọn gắn bó cả đời với nghề giáo. Nhưng chúng ta đã khi nào nhìn lại điều "cao quý" ấy một cách đúng nghĩa? Cao quý về mặt nhân cách, tâm hồn, cống hiến mà không thể lo cho gia đình tươm tất về mặt vật chất, không có tiền để chăm sóc, phụng dưỡng, chữa chạy bệnh tật cho cha già mẹ héo thì khó ai có thể an yên, hạnh phúc ngồi ngắm danh hiệu cao quý để sống và toàn tâm toàn lực cho việc dạy.

Việc nhận phong bì tràn lan những năm qua khiến thanh danh nghề giáo bị mài mòn. Mở lớp dạy thêm thì bị coi là thiếu nhân văn, phi giáo dục. Từ khi Bộ Giáo dục cấm dạy thêm, chị họ tôi, vốn là giáo viên giỏi của trường tiểu học, chẳng biết làm gì để có thêm tiền nuôi hai con học đại học và cha mẹ già. Tôi thấy chị tất tưởi đuổi gà mang bán, nỗi cơ cực dâng đầy trong mắt. Không biết có bao nhiêu thầy cô có thể rũ bỏ hoàn toàn nỗi lo cuộc sống để bước chân vào lớp học mang tên hạnh phúc?

Hiệp hội từ thiện giáo dục toàn cầu Varkey, Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia của Anh trong một báo cáo năm 2018 về mối quan hệ giữa vị thế của giáo viên và hiệu quả học tập của học sinh tại 35 quốc gia cho biết, giáo viên ở Phần Lan, Ý, Bồ Đào Nha, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Singapore đang được trả lương cao hơn so với mức mà mọi người ở đó nghĩ là công bằng với công việc. Còn lại, ở 28 trên 35 quốc gia, lương bị trả thấp hơn so với mức "công bằng" cho giáo viên. Đồng thời, các quốc gia có văn hoá tôn trọng nghề giáo nhất - Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Indonesia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore - cũng có tỷ lệ sinh viên đứng đầu trong các kỳ thi quốc tế cao nhất. Như vậy, vị thế của giáo viên, bao gồm thu nhập và sự tôn trọng, càng cao, hiệu quả học tập của học sinh càng tốt. Tôi tin câu nói "thầy cô hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới" là có thật.

"Kết quả nghiên cứu khiến chúng ta hoảng hốt nhận ra vị thế nghề giáo ở nhiều quốc gia đang ở mức khiêm tốn", chủ tịch Varkey nói. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ấy vậy mà cả xã hội đè lên vai nghề giáo trọng trách nuôi dạy con em họ thành tài, nặng nề hơn là họ phải gánh vác thêm "chất lượng của nền giáo dục", định hình tương lai của đất nước. Mỗi khi có sự vụ nào đó thì xã hội đổ xô vào hạ bệ nền giáo dục, chỉ trích đồng loạt nhà giáo. Cảm giác hụt hẫng, chán nản, thất vọng, thậm chí mất niềm tin liệu có theo các thầy cô vào lớp học?

Cá nhân tôi vẫn nghĩ chẳng cần ai vinh danh, tự mỗi người cảm nhận được ý nghĩa từ những gì mình làm, chỉ cần giúp người khác tiến bộ thì họ xứng đáng được tôn trọng. Hay mỗi thầy cô không bận tâm đến dư luận, nỗ lực làm tốt nhất việc của mình đã là thành công. Bởi nếu cứ chờ đợi được cải thiện thu nhập, thay đổi điều kiện làm việc, sửa đổi các quy định còn bất cập trong dạy và học thì biết đến khi nào?

Đỗ Hải

luong bong va luong tri Điểm mạnh và yếu của thầy 'tây' và thầy 'ta' trong việc giảng dạy tiếng Anh
luong bong va luong tri Vì sao Hà Nội ra 2 văn bản trái ngược về tuyển dụng giáo viên hợp đồng?
luong bong va luong tri Hà Nội rà soát xét đặc cách giáo viên hợp đồng trước ngày 20/11
/ vnexpress.net