Lý Phương Thảo dùng thông tin gian dối để đưa 9 công dân Việt Nam sang Campuchia và lừa chuyển cho công ty của người Trung Quốc.
Chiều 4/12, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Lý Phương Thảo (SN 1986, trú quận 10, TP.HCM) về tội “mua bán người”.
Theo cáo trạng, Lý Phương Thảo là phiên dịch viên tiếng Trung, thường xuyên qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia. Từ năm 2019, Thảo xuất cảnh sang Campuchia nhiều lần để làm việc cho các công ty Trung Quốc tại biên giới Campuchia - Việt Nam. Quá trình làm việc tại đây Thảo biết nhiều công ty Trung Quốc tại Campuchia có nhu cầu tuyển lao động là người Việt Nam.
Khoảng đầu tháng 12/2020, thông qua quảng cáo trên mạng Internet, Thảo biết một công ty Trung Quốc (chưa rõ là công ty nào) đang có nhu cầu tuyển người nên chủ động liên hệ với bộ phận nhân sự của công ty này để tìm hiểu thông tin về việc làm.
Lý Phương Thảo tại phiên toà xét xử sơ thẩm
Qua trao đổi Thảo biết, nếu môi giới đưa được người đến làm việc tại công ty này thì sẽ được hưởng lợi từ 300 đến 500 USD/người. Thảo chỉ cần tìm người lao động và đưa đến công ty, còn lại mọi chi phí phát sinh trong quá trình chuyển giao người sẽ do phía công ty trả cho Thảo.
Từ đó, Thảo nảy sinh ý định lợi dụng việc môi giới lao động trái phép để chuyển giao người cho phía công ty Trung Quốc. Ngày 3/12/2020, do biết T.P.K. đang có nhu cầu tìm việc làm nên Thảo chủ động liên hệ Khanh để đặt vấn đề về công việc tại công ty Trung Quốc ở tỉnh Shihanuok (Campuchia).
Mặc dù chưa từng làm việc tại công ty này nhưng Thảo vẫn đưa ra thông tin gian dối và hứa hẹn với Khanh về điều kiện làm việc như: Công việc là nhập dữ liệu và tìm, chăm sóc khách hàng. Lương tháng khoảng 850 USD đến 1.200 USD tùy thời gian làm việc, không bị giữ lương, được tăng lương sau 3 tháng, chi phí xuất cảnh và ăn ở sẽ do công ty lo liệu. Nếu về trước 6 tháng sẽ phải đền bù 300 USD/người. Tết có thể được về thăm nhà.
Sau đó, K. thông báo cho 4 người trong gia đình và bạn bè thì những người này xin đi cùng. Để chuyển giao 5 người cho công ty Trung Quốc tại Campuchia, Thảo yêu cầu nhóm của K. vào TP.HCM và lộ trình từ TP.HCM đến Campuchia sẽ do Thảo lo liệu.
Ngày 7/12/2020, nhóm của K. đi máy bay từ TP. Đà Nẵng vào TP.HCM. Đến ngày 8/12/2020, Thảo thuê ô tô dẫn nhóm của K. đi từ TP.HCM đến Tây Ninh, sau đó xuất cảnh trái phép sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch.
Khi đến lãnh thổ Campuchia, Thảo cùng nhóm của K. lên một ô tô chờ sẵn và đưa đến công ty của người Trung Quốc. Trên đường đi thì ô tô bị cảnh sát Campuchia kiểm tra, nhân viên công ty đưa cho Thảo 500 USD để nộp phạt cho cảnh sát Campuchia.
Khi nhóm của K. đến công ty của người Trung Quốc thì Thảo không đến làm việc mà nhập cảnh trái phép trở lại Việt Nam bằng đường tiểu ngạch. Mục đích của Thảo là để tổ chức và chuyển giao nhóm người tiếp theo cho công ty Trung Quốc.
Khi đến làm việc tại công ty, 5 người trong nhóm của K. bị quản lý tịch thu CMND và yêu cầu ký vào một số giấy tờ bằng tiếng Campuchia hoặc tiếng Trung Quốc (chưa rõ nội dung của các giấy tờ này). Sau đó, nhóm của K. bắt đầu làm việc theo sự phân công của quản lý người Trung Quốc tại công ty. Tuy nhiên, công việc tại công ty không giống như những gì mà Thảo hứa hẹn.
Công việc của nhóm K. làm không phải là nhập dữ liệu và chăm sóc khách hàng qua mạng internet mà là tư vấn, hướng dẫn người chơi nạp tiền chơi game online. Người lao động chỉ nhận được được 500 - 600 USD tiền lương/tháng. Nếu không làm đủ thời gian trên thì phải đền bù lại khoảng 1.000 USD đến 2.000 USD cho công ty.
Người lao động cũng không được về thăm nhà, chỉ khi nào làm được từ 6 đến 8 tháng thì mới được về. Khoảng 1 - 2 tuần sau khi quen việc thì mỗi ngày bình thường phải làm việc từ 11 đến 12 tiếng, có ngày tăng ca phải làm việc tới 2 - 3h sáng mới xong việc.
Lao động sinh hoạt trong khu vực khép kín của công ty, phía tầng dưới của công ty có hàng rào và luôn có bảo vệ không cho phép ra ngoài. Những người làm không hiệu quả hoặc không nghe theo quản lý người Trung Quốc thì bị bán sang công ty khác.
Do bị cưỡng bức lao động và lo sợ việc bị bán sang công ty khác, K. liên tục nhắn tin cho Thảo để phản ánh về chế độ làm việc tại công ty. K. cho Thảo biết những gì Thảo hứa hẹn về chế độ làm việc đều không giống với thực tế và yêu cầu Thảo giải thích.
Tuy nhiên, Thảo tiếp tục đưa ra các thông tin gian dối nhằm động viên K. yên tâm và tiếp tục làm việc theo yêu cầu cho đến khi Thảo sang đến công ty. Để tiếp tục chuyển giao người cho phía công ty Trung Quốc, ngày 20/12/2020, Thảo tổ chức cho 4 người xuất cảnh trái phép sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch.
Quá trình xuất cảnh trái phép của 4 người này tương tự như nhóm của Khanh. Khi đến Campuchia, Thảo chuyển giao 4 người này cho công ty Trung Quốc và đến gặp nhân sự công ty để nhận tiền môi giới lao động trái phép.
Tổng cộng, trong khoảng thời gian từ ngày 08/12/2020 đến 20/12/2020, Thảo chuyển giao 9 người Việt Nam cho công ty Trung Quốc và nhận được số tiền 2.700 USD. Sau khi trừ chi phí nộp phạt cho cảnh sát Campuchia là 500 USD, Thảo thực nhận số tiền 2.200 USD từ công ty Trung Quốc. Thảo tiếp tục ở lại Campuchia đến ngày 25/12/2020 thì về nước…
Tại tòa, Lý Phương Thảo thừa nhận hành vi đưa ra thông tin gian dối để đưa 9 công dân Việt Nam sang Campuchia bán cho công ty của người Trung Quốc bằng phương thức nhắn tin qua điện thoại tạo niềm tin và trực tiếp chuyển giao các công dân Việt Nam cho công ty người Trung Quốc.
Với hành vi nêu trên, HĐXX TAND TP. Đà Nẵng tuyên phạt Lý Phương Thảo mức án 16 năm tù về tội “Mua bán người”.