Tối, đi làm về, tôi nhận tin nhắn của bố. Ở nhà đang mưa.
CẬP NHẬT: Bão giật cấp 15, cách Đèo Ngang khoảng 120km |
Bão số 10 mạnh thêm, áp sát Nghệ An - Quảng Trị |
Chiều nay, nhà tôi cùng hàng vạn gia đình khác dọc dải đất miền Trung ráo riết chạy bão Doksuri. Lúa ngoài đồng sắp chín, đã phải gặt về nhà. Hơn một lần, nhà tôi từng phải gặt lúa non chạy bão. Bởi nếu để lại, chỉ cần một trận gió bão càn qua là đổ rạp hết, rồi ngâm trong bùn đất thì coi như mất mùa.
“Nghe đài báo bão to lắm”. Bố tôi lo ruộng ớt mới trồng, ao cá bị ngập. Quê tôi nằm trong dải đất Bắc Trung Bộ, không trong tâm, nhưng cũng chẳng thể nào thoát được hoàn lưu mưa khi bão quét qua.
Miền Trung đang đối mặt với cơn bão lớn nhất trong vòng ba năm. Cơn bão được dự báo mạnh cấp 12 có thể gây hại từ phía nam đồng bằng Bắc Bộ đến tận Trung Trung Bộ và một phần Tây Nguyên.
Nỗi lo ấy cứ tăng theo những bản tin thời tiết cập nhật hàng giờ. Các cuộc điện thoại liên tục gọi về nhà, động viên người thân đi tránh bão, trữ đồ ăn, dặn sạc đầy pin điện thoại để giữ liên lạc vì có thể mất điện. Trên mạng là những dòng cập nhật tình hình mưa gió từng khu vực, hỏi thăm nhau chuyện cửa nhà.
“Chiều nay tin bão phương xa, lòng con chua xót. Con chưa về, chưa về, lòng thắt cơn đau” - câu hát mà nhạc sĩ Võ Thiện Thanh phổ từ thơ Phan Minh Tấn, có lẽ nói đúng nhất về tâm trạng người miền Trung ở phố thị, mỗi khi nghe tin nhà hứng bão.
Những đứa trẻ lớn lên ở miền Trung, mỗi mùa bão, có lẽ từng hơn một lần ngồi trong nhà, nghe gió rít qua khe cửa như người nghiến răng. Rồi thót tim khi thấy bụi rơi lạo xạo, mái nhà rung sau từng hồi gió giật. Sau bão, là nhà tốc mái, ngập tới nóc, nước trắng đồng. Vườn cây, ao cá, mùa màng làm lụng cả năm lại “đội nón” ra đi. Có năm nước lớn, người ta phải trèo lên cả mái nhà, lật từng viên ngói, giơ tay để nhận mì tôm cứu trợ.
Ở dải đất này, có những khi, lô cốt, hầm hào thời chiến được dọn sạch làm nơi tránh trú lúc bão vào.
Cơn bão đi qua, những đứa con ở thành thị, sẽ vay mượn, ứng lương gửi về để nhà xoay sở sau cơn bão dữ. Sinh viên sẽ đối mặt với nỗi lo ăn mì, chậm học phí, khất tiền phòng. Năm nào cũng vậy, mùa bão cũng là lúc nhập trường, đầu năm học mới. Có người, vì bão đã lỗi hẹn với giảng đường.
Hai tháng trước, tôi đến bệnh viện thăm Sơn Ca. Chàng sinh viên trường quân đội, quê Hà Tĩnh bị chấn thương cột sống nặng. Em rơi từ mái nhà xuống, khi đang cố chằng buộc lại tấm fiblo xi măng cho mẹ, trước khi bão Talas ập tới. Lúc Sơn Ca gặp nạn, mẹ em đang ở ngoài đồng tháo nước, còn bố nằm liệt ở góc nhà bởi chấn thương sau tai nạn giao thông. Lúc kể chuyện, mẹ Sơn Ca ôm lấy chúng tôi rồi bắt đầu khóc. Niềm hy vọng duy nhất của cuộc đời bà, dường như đã vụt tan, trong cơn bão.
Cơn bão đi qua, rồi người ta nhặt nhạnh những gì còn sót lại, nuôi lại con trâu, dựng lại mái nhà, xoay tiền cho những đứa trẻ như tôi đi học xa, để lại đối mặt với những cơn bão mới. Chẳng biết, sức sống ấy đến từ đâu.
Mỗi khi bão về, trong lòng những đứa con xa quê cũng nổi bão.
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/long-xa-que-noi-bao-3641616.html