Lợi thế tạm thời Mỹ trao cho Huawei

Mỹ gia hạn cấm vận Huawei giúp hãng có lợi thế khi ra mắt điện thoại mới nhưng đây không phải là dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại. 

loi the tam thoi my trao cho huawei
Logo của Huawei tại sân bay ở Thâm Quyến, Trung Quốc hồi tháng 7. Ảnh: Reuters.

Mỹ ngày 19/8 gia hạn giấy phép cho Huawei, cho phép họ tiếp tục mua thiết bị của các công ty Mỹ thêm 90 ngày nhằm phục vụ các khách hàng hiện có, cho đến ngày 19/11. Tuy nhiên, thêm 46 chi nhánh của công ty này bị đưa vào danh sách đen của Washington.

Washington hồi tháng 5 ra lệnh cấm Huawei mua linh kiện của Mỹ nhưng đã trì hoãn thi hành ba tháng. Bộ Thương mại Mỹ cho biết quyết định tiếp tục nới lỏng lần này nhằm "cung cấp cho người tiêu dùng trên toàn nước Mỹ thời gian cần thiết để thôi sử dụng thiết bị Huawei". Công ty vẫn bị cấm mua các bộ phận và linh kiện Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới nếu không có giấy phép đặc biệt của chính quyền Trump.

Các nhà phân tích cho rằng Mỹ đã trao cho Huawei một lợi thế lớn. Trong vòng 90 ngày sắp tới, Huawei sẽ ra mắt một mẫu điện thoại ở phân khúc cao cấp và nhờ sự nới lỏng của Washington, chiếc điện thoại này vẫn có thể sử dụng hệ điều hành Android của Google. Richard Yu, lãnh đạo mảng kinh doanh của Huawei, hồi đầu tháng cho biết công ty đã chuẩn bị ra mắt điện thoại với hệ điều hành riêng do hãng tự phát triển, nhưng đó là "kế hoạch B".

Huawei sẽ nhấn mạnh rằng mẫu điện thoại này vẫn nhận được các bản cập nhật bảo mật và phần mềm mà các điện thoại Android khác có, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng. Tập đoàn Trung Quốc cũng sẽ có thêm thời gian để hoàn thiện hệ điều hành riêng của mình.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng Huawei sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi vẫn bị kẹt trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vì họ bị hạn chế mua phần cứng, phần mềm và dịch vụ từ doanh nghiệp Mỹ.

"Chúng tôi tin rằng Huawei sẽ không thể quay trở lại hoạt động bình thường cho đến khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện", Jean Baptiste Su, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Atherton Research tại San Jose, California, nói.

Su cho rằng Huawei sẽ phải ra mắt điện thoại thông minh, thiết bị mạng với hệ điều hành riêng và tìm được nhà cung cấp lâu dài để thay thế các công ty Mỹ, bao gồm Microsoft, Intel, Nvidia và Broadcom, nếu cuộc chiến thương mại không được giải quyết.

Kết quả tài chính của công ty hiện chưa bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm thương mại, doanh thu nửa đầu năm của họ tăng 23,2% nhờ nhu cầu về điện thoại thông minh và thiết bị mạng di động 5G.

Như vậy, trong 90 ngày tới, Huawei có thời gian để cân nhắc nên duy trì chính sách gần đây hay nên làm gì tiếp theo. "Việc gia hạn thời gian nới lỏng lệnh cấm với Huawei giúp họ giảm một số rủi ro", Charlie Dai, nhà phân tích chính của công ty nghiên cứu thị trường Forrester Research, cho biết.

Công ty đang nhắm mục tiêu là tăng đáng kể thị phần điện thoại thông minh và thiết bị mạng viễn thông trong nước để giúp bù đắp tổn thất tiềm năng ở nước ngoài vì các biện pháp thương mại của Mỹ. Trong một cuộc họp báo vào tháng trước, chủ tịch Huawei Liang Hua cảnh báo về những cơn gió ngược chiều Huawei có thể phải đối mặt trong nửa cuối năm nay. Ông cũng cho biết công ty đang tập trung vào việc "khắc phục các lỗ hổng" trong mảng kinh doanh tiêu dùng.

Huawei tự coi mình là một chiếc máy bay chiến đấu bị nã đạn nhưng vẫn tiếp tục bay. Liang cho biết cấm vận thương mại của Mỹ đã buộc công ty từ bỏ một số sản phẩm không thiết yếu, nhưng không ảnh hưởng đến việc triển khai mạng di động 5G cho các nhà mạng.

Huawei đã giành được 50 hợp đồng cung cấp mạng 5G trên toàn cầu, 28 trong số đó là ở ở châu Âu. Trong khi đó, doanh nghiệp Phần Lan Nokia và Ericsson của Thụy Điển có lần lượt 43 và 22 hợp đồn tính đến cuối tháng 6. Đối thủ "đồng hương" của Huawei là tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE Corp có 25 thỏa thuận thương mại.

Các nhà phân tích cảnh báo không nên xem việc Mỹ nới lỏng cấm vận 90 ngày là động thái cho thấy lập trường của Mỹ đối với Huawei đang dịu đi. "Lệnh gia hạn nên được coi là vấn đề kỹ thuật chứ không phải là tín hiệu cho thấy Mỹ đang tiến gần đến việc cho phép Huawei có thêm nhiều giao dịch ở Mỹ hoặc là sự giảm nhiệt trong xung đột thương mại Mỹ - Trung", Stephen Ezell, phó chủ tịch chính sách cải cách toàn cầu tại Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin, đánh giá.

Thực tế, Mỹ nới lỏng cấm vận nhằm giúp các nhà mạng của Mỹ, đặc biệt là ở vùng nông thôn, có thời gian tìm phương án thay thế để dừng sử dụng linh kiện của Huawei. "Điều này có khả năng phản ánh mục tiêu rộng lớn hơn của chính quyền Trump là tách rời các hệ sinh thái công nghệ và chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc", Ezell nhận định.

Phương Vũ (Theo SCMP/ Forbes)

loi the tam thoi my trao cho huawei Huawei lên tiếng việc Mỹ gia hạn giấy phép tạm thời
loi the tam thoi my trao cho huawei Chủ tịch Huawei thừa nhận công ty đang ở ‘khoảnh khắc sống- chết’
loi the tam thoi my trao cho huawei Nhà sáng lập cảnh báo Huawei đang ở thời điểm sống còn
loi the tam thoi my trao cho huawei Mỹ thông báo tiếp tục hoãn trừng phạt Huawei thêm 90 ngày
loi the tam thoi my trao cho huawei Trump tuyên bố không muốn làm ăn với Huawei
/ vnexpress.net