Lợi nhuận 'khủng', 'bóng cười' bất chấp chế tài để tồn tại trong 'bar bay'

Có một thực tế đang diễn ra hết sức phức tạp tại các quán bar trên địa bàn phố cổ Hà Nội, đó là việc cơ quan chức năng liên tiếp xử lý, nhưng việc kinh doanh “bóng cười” vẫn diễn ra. Thậm chí có quán bar vừa xử lý hôm trước thì ngay hôm sau đã lại tiếp tục mang “bóng cười” ra phục vụ các “dân chơi”.

Liên tiếp đột kích quán bar quét “bóng cười”

0h ngày 8-4-2022, hàng loạt các quán bar, vũ trường… được mở lại sau thời gian đóng cửa tạm dừng hoạt động kinh doanh để phòng chống đại dịch Covid-19. Nắm và dự báo tình hình về việc các quán bar, vũ trường, cà phê nhạc mạnh… trên địa bàn có thể kinh doanh “bóng cười” để nhanh chóng thu lợi nhuận, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội triển khai các tổ công tác liên ngành kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước.

Tuy nhiên, bất chấp quy định và cả những tác hại của “bóng cười”, vì lợi nhuận khủng nên không ít cơ sở vẫn lén lút kinh doanh. Mới đây, từ ngày 28 đến 31-7, lực lượng liên ngành quận Hoàn Kiếm đã đồng loạt kiểm tra 43 lượt cơ sở kinh doanh quán bar, vũ trường trên địa bàn.

Lợi nhuận 'khủng', 'bóng cười' bất chấp chế tài để tồn tại trong 'bar bay' ảnh 1

Lực lượng chức năng liên tiếp thu giữ các bình "khí cười" tại các quán bar

Qua đó thu giữ 40 bình khí N2O và 550 vỏ bóng cao su. Cụ thể: Ngày 28-7, thu giữ 2 bình khí N2O tại quán bar số 9 và 18 Tạ Hiện; ngày 29-7, thu giữ 4 bình tại quán bar 48 Liên Trì và 38 Quang Trung; ngày 30-7, thu giữ 3 bình tại số 61 Mã Mây và số 2 Lê Phụng Hiểu; ngày 31-7, thu giữ 31 bình tại các quán bar số 50 Hàng Bài, 25 Ngô Văn Sở, 23 Ngô Văn Sở, 22 Tống Duy Tân, 38 Quang Trung, 18 Lý Thường Kiệt và 35 Hàng Buồm.

Trước đó, đêm 22 rạng sáng 23-7, đơn vị này cũng bất ngờ đồng loạt đột kích vào 22 quán bar trên địa bàn quận, phát hiện 8 quán bar ở các địa chỉ gồm: số 2 phố Tạ Hiện, 3 - 46 Mã Mây, 11 và 13 Hàng Chĩnh, 80 Mã Mây, 6 Tống Duy Tân, 63 Hàm Long, 11 Hàng Tre, 51 Nguyễn Tư Giản, vi phạm kinh doanh “bóng cười”, thu giữ hơn 40 bình “khí cười”, đồng thời lập biên bản để có căn cứ xử lý.

Lợi nhuận 'khủng', 'bóng cười' bất chấp chế tài để tồn tại trong 'bar bay' ảnh 2

Lực lượng liên ngành quận Hoàn Kiếm đồng loạt kiểm tra liên tục các cơ sở kinh doanh bar, vũ trường... để xử lý vi phạm liên quan đến "bóng cười"

“Chúng tôi chỉ đạo mạnh tay, quyết liệt, triệt để triển khai các biện pháp, giải pháp trong việc xử lý các cơ sở kinh doanh “shisha”, “bóng cười”. Không chỉ buổi tối mà ngay cả ban ngày, lực lượng liên ngành cũng kiểm tra đột xuất, bất ngờ và kiên quyết xử lý nghiêm. Công an quận xác định, một mặt xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến kinh doanh dịch vụ có điều kiện, mặt khác sẽ là biện pháp răn đe, đẩy đuổi các đối tượng manh nha hành vi mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại các quán bar, vũ trường…” - Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm cho biết.

Dù rất mạnh tay và quyết liệt, song chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, việc kinh doanh “bóng cười” lại diễn ra sôi động. Điều đáng quan ngại là số “dân chơi” có sở thích dùng loại khí đặc biệt này để “bay” lại rơi vào giới trẻ. Không phải chưa từng có những hệ lụy liên quan đến “bóng cười”, thế nhưng, đây vẫn được xem là trải nghiệm của những nam nữ thanh niên mỗi lần lên bar.

Vào khoảng tháng 8-2018, tại Anh, cô gái 24 tuổi tên Olivia Golding đã phải nhập viện cấp cứu với những tổn thương nặng nề sau khi hít liên tiếp 15 quả “bóng cười”. Olivia không còn cảm giác từ bắp chân lên đến vai, tay cũng mất kiểm soát và không thể cầm nắm.

Lợi nhuận 'khủng', 'bóng cười' bất chấp chế tài để tồn tại trong 'bar bay' ảnh 3
Olivia Golding, 24 tuổi, bị tổn thương thần kinh sau khi hít 15 quả "bóng cười"

“Các bác sĩ đang cố gắng chữa trị cho tôi. Tôi cảnh báo mọi người rằng 20 giây “phê pha” mà một quả “bóng cười” mang lại có thể khiến bạn phải nằm viện chữa trị nhiều tuần”, Golding chia sẻ trên trang cá nhân. Cô gái này sau đó đã di chuyển bằng xe lăn và điều trị cùng các bệnh nhân tổn thương thần kinh.

Cũng vào tháng 8-2019, bệnh nhân N. T. A (18 tuổi, ở xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) nhập viện trong tình trạng tê tay chân, mất thăng bằng, đi lại khó khăn.Theo lời kể của bệnh nhân, bản thân sử dụng “bóng cười” trong suốt hơn 1 năm. Hầu như ngày nào bệnh nhân cũng hít vài quả.

Trong suốt khoảng 6 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy có dấu hiệu tê bì tay chân, đau tức vùng ngực, chuột rút, mất thăng bằng, đi lại khó khăn nên được người nhà đưa vào bệnh viện để thăm khám. Tại đây, thiếu nữ này được chẩn đoán rối loạn cảm giác do sử dụng khí N2O (“khí cười).

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp gặp các vấn đề do “bóng cười” gây ra. Hệ lụy là thế, lực lượng chức năng cũng vào cuộc xử lý nghiêm, vậy tại sao “bõng cười” vẫn trở thành vấn đề nhức nhối khiến nhà quản lý đau đầu?

Lợi nhuận 'khủng' và chế tài chưa đủ sức răn đe 

Qua điều tra của lực lượng công an, một bình “khí cười” chứa 20kg khí có giá nhập vào khoảng 4,5 triệu đồng. Với giá bán 120.000 đồng/ quả, một bình có thể lãi từ 20 - 25 triệu đồng. Một tối có thể bán nhiều bình và lợi nhuận lên tới hàng trăm triệu đồng. Trung bình một hóa đơn của khách đến bar đã khoảng 40 - 50 triệu đồng. Lợi nhuận 'khủng', thu lời nhanh là lý do mà các quán bar bất chấp mọi hệ lụy để kinh doanh.

“Theo quy định, “bóng cười” hiện chưa được xếp vào danh mục chất cấm, vì vậy nếu vi phạm kinh doanh khí không rõ nguồn gốc xuất xứ, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt từ 23 - 25 triệu đồng đối với hộ kinh doanh, và từ 53 - 55 triệu đồng đối với doanh nghiệp.

Trong khi đó, lợi nhuận thu từ “bóng cười” có thể lên tới 100 - 200 triệu đồng mỗi tối. Chỉ cần nhìn vào các con số là có thể hiểu được vì sao mà các cơ sở này dù liên tiếp bị xử phạt vẫn cứ ngang nhiên tái phạm” - Thiếu tá Phạm Mạnh Hà, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an quận Hoàn Kiếm thông tin.

Lợi nhuận 'khủng', 'bóng cười' bất chấp chế tài để tồn tại trong 'bar bay' ảnh 4

Vì lợi nhuận và nhu cầu khách hàng, bất chấp các quy định, nhiều cơ sở vẫn kinh doanh "bóng cười"

Không chỉ kiểm tra, xử phạt hành chính rồi… để đó, Công an quận Hoàn Kiếm cũng đề xuất tước giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở tái phạm nhiều lần. Tuy nhiên, đây cũng không phải giải pháp triệt để.

“Nếu cơ quan quản lý tước giấy phép kinh doanh thì ngay lập tức họ lại cho người khác đứng tên. Do vậy, một là đưa “bóng cười” vào danh mục chất cấm, hai là phải có điều kiện cụ thể trong kinh doanh mặt hàng này. Còn hiện tại, chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn khi xử lý” - Thiếu tá Phạm Mạnh Hà nói thêm.

Còn theo Đại úy Nguyễn Khắc Huy, cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hoàn Kiếm - người trực tiếp tham gia các tổ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến “bóng cười”, sở dĩ các quán bar dù bị xử phạt vẫn tiếp tục tái diễn hành vi vi phạm không chỉ là vì lợi nhuận, mà một phần khác là do nhu cầu của khách hàng.

“Không có “bóng cười” thì khách không đến. Nhiều chủ cơ sở cũng thẳng thắn thừa nhận với chúng tôi rằng, đã từng từ chối phục vụ “bóng cười” vì cũng không muốn bị xử phạt và thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, từ chối đồng nghĩa với việc mất khách dù cơ sở có trang thiết bị quy mô, nhạc hay đến mấy” - Đại úy Nguyễn Khắc Huy cho biết.

Có cầu ắt phải có cung. Chỉ khi nào chính khách hàng ý thức được tác hại, nguy cơ của “bóng cười”, thì lúc đó mới không còn tình trạng vi phạm như hiện tại dù có hay không những chế tài mạnh, đủ sức răn đe. Hy vọng với những hệ lụy mà báo chí đưa tin, những người đã và đang có sở thích hít “bóng cười” sẽ thức tỉnh để bảo vệ sức khỏe của chính mình.

https://www.anninhthudo.vn/loi-nhuan-khung-bong-cuoi-bat-chap-che-tai-de-ton-tai-trong-bar-bay-post512900.antd

Thùy An / ANTĐ