Đối với những nước nhỏ thì công cụ tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và yêu sách của họ chính là luật pháp quốc tế nhưng Trung Quốc đã phớt lờ điều đó.
Ngày 3/7, tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) được các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc, các tàu dân quân biển đã ngang nhiên vào thăm dò trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Nhóm tàu này sau đó rời đi hôm 7/8 nhưng đã quay trở lại tiếp tục có các hành vi sai trái, ngang ngược trong vùng biển của Việt Nam từ ngày 13/8 cho đến nay.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8). (Ảnh: Weibo). |
Trong bối cảnh ấy, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật của Việt Nam.
Trung Quốc gia tăng “quấy nhiễu” láng giềng
Những gì xảy ra gần Bãi Tư Chính – khu vực nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam thời gian qua được cho là sự vụ tiêu biểu nhất cho căng thẳng những năm gần đây ở Biển Đông và là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tiếp tục không tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) trong khi vẫn tìm cách hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở vùng biển này.
Hội luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) cho rằng, các hành động khiêu khích của Trung Quốc gần Bãi Tư Chính đã ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực. IADL yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngừng các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan và tập trung vào việc xây dựng lòng tin để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định.
Bên cạnh Việt Nam, có nhiều thông tin cho thấy Malaysia và Philippines cũng đang bị các tàu Trung Quốc quấy nhiễu. Lâu nay, giới phân tích đã chỉ ra một trong những ý đồ của Trung Quốc là muốn cưỡng ép các bên khác đồng ý thỏa thuận song phương chấp nhận khai thác chung tại cả những vùng không tranh chấp nhưng bị Bắc Kinh tự ý đưa vào yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ.
Trong khoảng thời gian từ ngày 10-27/5/2019, tàu hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc đã tiến hành tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở Biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà công ty Sarawak Shell có trụ ở ở Kuala Lumpur, Malaysia đã được cấp phép thăm dò. Malaysia khẳng định cụm bãi cạn Luconia nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và từ năm 2013 thường xuyên duy trì sự hiện diện quanh bãi cạn này.
Đối với trường hợp của Philippines, dữ liệu theo dõi hàng hải do chuyên gia Ryan Martinson, giáo sư Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, công bố hồi đầu tháng 8/2019 cho thấy hai tàu khảo sát Trung Quốc là Dong Fang 3 và Zhang Jian xuất hiện ở khu vực chỉ cách bờ biển phía đông Philippines khoảng 80 hải lý. Ngoài tàu khảo sát, các tàu chiến Trung Quốc cũng nhiều lần âm thầm đi qua eo biển Sibutu thuộc lãnh hải Philippines mà không thông báo trước. Các tàu chiến Trung Quốc được cho là tắt hệ thống nhận dạng tự động để tránh bị Manila phát hiện.
Trung Quốc đặt ra thách thức cho cả khu vực
Trong khi cộng đồng quốc tế mong mỏi ASEAN và Trung Quốc có thể nhanh chóng đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu lực, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý thông qua các cuộc đàm phán một cách minh bạch, thì Trung Quốc có ý đồ muốn đòi hỏi COC phải bao gồm các nội dung: các điều khoản trong UNCLOS sẽ không áp dụng đối với văn kiện này; tất cả cuộc tập trận với các nước ngoài khu vực chỉ được tổ chức với sự đồng ý của tất cả bên liên quan trong COC; không hoạt động liên quan đến khai thác tài nguyên nào được thực hiện với các nước ngoài khu vực.
Theo đánh giá của giới quan sát, Trung Quốc đang muốn ép buộc Malaysia, Philippines, Việt Nam và các bên có quyền lợi và yêu sách khác ở Biển Đông chỉ liên doanh với các công ty dầu khí của Trung Quốc. Cách hành xử này rõ ràng là không công bằng, và dĩ nhiên, ASEAN không thể nào chấp nhận các yêu cầu đó, bởi như thế sẽ gần như vô hiệu hóa hoàn toàn phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế năm 2016 và hạn chế sự hiện diện của các đối tác đối trọng như Mỹ và châu Âu.
Trong khi không ngừng cản phá hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên phù hợp với luật pháp quốc tế của các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc cũng không từ bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của họ ở Biển Đông bằng cách gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực, ở các tiền đồn trên các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế để bồi đắp ở Biển Đông.
Đối với những nước nhỏ thì công cụ tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và yêu sách của họ chính luật pháp quốc tế nhưng thực tế cho thấy, Trung Quốc đã phớt lờ điều đó, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế.
Nhìn chung, cả Malaysia, Philippines hay Việt Nam đều không xa lạ gì với mưu đồ của Trung Quốc ở Biển Đông để hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý. Tuy nhiên, vụ việc mới nhất gần Bãi Tư Chính vẫn là một lời nhắc nhở với cả thế giới về tham vọng của Trung Quốc khi sẵn sàng bỏ qua luật pháp quốc tế để mở rộng ảnh hưởng trong khu vực. Tất cả những điều này sẽ dẫn đến hậu quả là làm suy yếu an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế hòa bình trong khu vực./.
(Tổng hợp)