Lời hứa và trách nhiệm trước cử tri

Đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, tranh luận đến cùng những vấn đề cử tri quan tâm; các “tư lệnh” ngành trả lời thẳng vào vấn đề, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm… đó là tinh thần của phiên chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV diễn ra hôm qua (6-11).

Theo chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội dành 2,5 ngày làm việc (từ sáng 6 đến hết sáng 8-11) cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với việc thực hiện lời hứa của 21 “tư lệnh” ngành thuộc 4 lĩnh vực.

Việc Quốc hội dành thời gian 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn cho thấy, việc giám sát lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành đối với cử tri cũng như các tầng lớp nhân dân từ đầu nhiệm kỳ đến nay là rất quan trọng. Đây không chỉ là hoạt động “giám sát sau giám sát”, mà còn là cơ sở để đánh giá, đo lường “chữ tín” về lời hứa và đáp lại niềm tin, thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước.

Điểm mới ở phiên chất vấn lần này là không quy định “cứng” thời gian chất vấn dành cho mỗi nhóm lĩnh vực mà thời gian sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của phiên chất vấn.

Thực tế cho thấy, có những lĩnh vực đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm với nhiều vấn đề còn nóng chưa được giải quyết rốt ráo, nhưng cũng có những lĩnh vực cử tri, nhân dân đã thấy rõ sự quyết tâm, quyết liệt của “tư lệnh” ngành trong thực hiện các cam kết, lời hứa trước Quốc hội và cử tri. Việc không quy định cứng thời gian chất vấn đối với từng lĩnh vực tạo sự chủ động, linh hoạt đối với người điều hành phiên chất vấn; góp phần nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp của Quốc hội, có vai trò rất quan trọng tác động lớn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội. Với phương châm “coi trọng giám sát những vấn đề sau giám sát”, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này là dịp bộ trưởng, trưởng ngành nhìn nhận lại những gì mình đã làm được, chưa làm được theo yêu cầu nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện cam kết, lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri đến đâu.

Trong đó, mấu chốt của chất vấn là chỉ ra được những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém để cùng bàn bạc, giải quyết, giúp các bộ trưởng, trưởng ngành điều hành, quản lý tốt hơn. Cùng với đó là sự lắng nghe, cầu thị và thẳng thắn nhận trách nhiệm, cũng như đưa ra lộ trình thực hiện các giải pháp giải quyết những vấn đề đang đặt ra của các bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân.

Để việc chất vấn hiệu quả thực chất, câu hỏi chất vấn của các đại biểu cũng không kém phần quan trọng. Vì thế, với mỗi đại biểu Quốc hội cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm với cử tri, không “hỏi cho có”, mà ngược lại cần nắm vấn đề, hỏi trúng điều cử tri cần, làm rõ được trách nhiệm chính trị của các bộ trưởng trước các vấn đề nóng cử tri quan tâm. Đó mới là thước đo mức độ xứng đáng của người đại biểu với phiếu bầu cử tri dành cho họ.

Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi phát biểu khai mạc phiên chất vấn rằng, mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa và những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành.

Đồng thời, thông qua hoạt động tái giám sát sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.

https://hanoimoi.vn/loi-hua-va-trach-nhiem-truoc-cu-tri-647200.html

Tuấn Minh / HNM