- Vụ án cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương: “Không thể bào chữa rằng, ký mà không biết”
- Tổng Bí thư: Xử lý dứt điểm các vụ án liên quan Việt Á, Cục Lãnh sự, FLC,...
Theo quy định mới nhất vừa có hiệu lực, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp vào việc giải quyết vụ án sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Nếu có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Theo Hiến pháp và một số luật liên quan, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhằm cụ thể hóa các quy định trên, Điều 20 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ đầu tháng 9-2022 đã nêu rõ mức xử phạt với hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc.
Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với người lợi dụng quan hệ lệ thuộc để thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 30-40 triệu đồng đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trên.
Bên cạnh đó, Điều 44 Pháp lệnh 02 cũng nêu rõ về chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính có quy định.
Cụ thể, khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi quy định tại khoản 3 Điều 20 của Pháp lệnh này có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.
Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài nội dung trên, Pháp lệnh 02 còn quy định chế tài xử phạt đối với các hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng như phạt tiền từ 1-7 triệu đồng đối với cá nhân phát tán tài liệu hoặc phát tán thông tin tài khoản đăng nhập vào hệ thống xét xử trực tuyến; Hủy hoại hệ thống đường truyền và thiết bị mạng, hệ thống âm thanh, thiết bị camera ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp, thiết bị lưu trữ dữ liệu, máy chiếu vật thể dùng để trình chiếu tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa, phiên họp…