Theo quy định mới nhất vừa có hiệu lực, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp vào việc giải quyết vụ án sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Nếu có dấu hiệu tội phạm, người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

Theo Hiến pháp và một số luật liên quan, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm dưới bất kỳ hình thức nào nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhằm cụ thể hóa các quy định trên, Điều 20 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ đầu tháng 9-2022 đã nêu rõ mức xử phạt với hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc.

Cụ thể, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật.

Ngày đăng: 11:10 | 07/09/2022

H.L / anninhthudo.vn