Loa phường, ai thật sự cần?

Việc khôi phục loa phường giúp chính quyền địa phương thuận lợi trong việc tuyên truyền thông tin hay mang lại lợi ích cho người dân?

Mấy ngày qua, dư luận không khỏi xôn xao trước thông tin UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Loa phường, ai thật sự cần? 1

Thông tin UBND TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Ảnh: Tạ Hải

Ý kiến ủng hộ việc khôi phục loa phường cũng có, song phần lớn bày tỏ không đồng tình. Trong đó, rất nhiều người sống ở Hà Nội cho rằng, cơ bản họ không có nhu cầu nghe loa phường và loa phường chỉ khiến cuộc sống của họ thêm phiền hà.

Nhiều người cũng dẫn chứng ở các nước tiên tiến, tiếng ồn là một loại “rác” đô thị và gây ô nhiễm tiếng ồn là phạm pháp, thậm chí có thể bị xử tù. Hay ở Nhật, một đất nước phát triển vượt bậc về hạ tầng thông tin, cũng có “loa phường”.

Tuy nhiên, hệ thống loa này chỉ được lắp ở các vùng có nguy cơ thảm họa cao và chỉ phát tín hiệu âm thanh vào 17h hàng ngày trong khoảng 15 giây, như một hồi chuông để kiểm tra xem có chiếc loa nào hỏng để thay…

Nhiều, rất nhiều các ý kiến khác nữa được đưa ra thể hiện sự khó chịu, thiếu thiện cảm đối với loa phường.

Không thể phủ nhận tác dụng của hệ thống loa phường trong việc tuyên truyền và cung cấp thông tin cho người dân.

Tuy nhiên, lợi ích mà nó mang lại có thật sự được người dân mong muốn, đón nhận hay không lại là câu chuyện khác.

Có thể trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, vai trò của loa phường là cần thiết. Nhưng có phải lúc nào thiên tai, dịch bệnh cũng xảy ra đâu?

Vào năm 2017, ông Nguyễn Đức Chung khi đó còn là Chủ tịch TP Hà Nội đã yêu cầu cơ quan chức năng đánh giá nghiêm túc, chọn vài điểm lấy ý kiến nhân dân.

Nơi nào còn tác dụng tốt, như ở ngoại thành thì có thể giữ, những nơi dân trí đã cao có thể bỏ, bởi “loa phường đã hoàn thành sứ mệnh của nó”.

Vậy nhưng 5 năm sau, việc Hà Nội lại đặt mục tiêu khôi phục loa phường, thì dư luận không tranh cãi mới là chuyện lạ!

Bởi giờ đây, công nghệ, mạng xã hội đã có bước tiến xa so với 5 năm trước. Với chỉ một chiếc smartphone trong tay và sóng 4G, bất kỳ người dân nào cũng có thể cập nhật toàn bộ các thông tin, sự kiện trên thế giới, đừng nói chỉ trong phạm vi một thành phố.

Chưa kể, Cổng thông tin điện tử của Hà Nội và các quận, huyện, phường, xã được xây dựng để làm gì mà còn cần đến loa phường?

Ở đây, cần phải rõ ràng câu chuyện: Khôi phục loa phường giúp chính quyền địa phương thuận lợi trong việc tuyên truyền thông tin hay mang lại lợi ích cho người dân?

Nếu để phục vụ người dân, vì người dân, nên chăng lấy ý kiến người dân trong từng phường rồi mới lắp? Bởi nếu thực sự thấy có ích, sẽ không ai từ chối loa phường.

Một vấn đề khác chưa thấy Hà Nội đề cập là câu chuyện kinh phí. Để tất cả xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư thì số tiền bỏ ra là bao nhiêu?

Các chi phí để duy trì hệ thống, sửa chữa, đào tạo, bồi dưỡng phát thanh viên mỗi năm là bao nhiêu? So với lợi ích mang lại thì số tiền bỏ ra có xứng đáng hay không?

Cũng cần so sánh thêm, TP.HCM - một đô thị năng động, hiện đại nhất cả nước, hay Đà Nẵng - thành phố đáng sống nhất cả nước đâu có loa phường? Mà sao Hà Nội vẫn cứ phải có? Để làm gì?

TS. Phạm Quang Long

Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam

https://www.baogiaothong.vn/loa-phuong-ai-that-su-can-d560899.html