- WHO cảnh báo "cơn sóng thần" COVID-19, loạt nước Tây Âu lập kỷ lục ca mắc
- Nước đầu tiên ở Tây Âu đóng cửa toàn quốc vì trở tay không kịp với làn sóng COVID-19
"Bộ tứ Tây Á" đang hoạt động hiệu quả bởi nó quy tụ hai nền kinh tế quan trọng của Trung Đông là Israel và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với một Ấn Độ đầy quyết đoán và một cường quốc bên ngoài có sự hiện diện mạnh mẽ là Mỹ.
Hoạt động hiệu quả
Việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia một hội nghị thượng đỉnh của Nhóm Bộ tứ, nhóm quy tụ các nước Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ để đối trọng với Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã thể hiện tầm quan trọng của khu vực Đông Á và Nam Thái Bình Dương trong chính sách Mỹ hiện tại. Tuy nhiên, có một nhóm 4 quốc gia khác dường như còn đang đạt được nhiều tiến triển lớn hơn. Bộ tứ Tây Á - nhóm quy tụ các nước Ấn Độ, Israel, UAE và Mỹ - được khởi xướng vào tháng 10/2021 với sự quảng bá không mấy rầm rộ so với nhóm quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói trên.
Tuy nhiên, nó đã mang lại được một thỏa thuận thương mại tự do và nhiều thỏa thuận hợp tác đa phương. Khác với Bộ tứ của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vốn né tránh các vấn đề an ninh nặng nề, mối quan hệ đối tác Tây Á nói trên lại theo đuổi những thỏa thuận thực thụ về các mối đe dọa chung.
Ý tưởng về Bộ tứ Tây Á xuất phát từ Israel và UAE và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, người đã đề xuất việc bốn nước tận dụng "khả năng bổ sung" của nhau ở Trung Đông. Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid nhấn mạnh "sức mạnh tổng hợp " về " cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, giao thông, an ninh hàng hải". Theo lời Ngoại trưởng UAE Abdullah Bin Zayed, thay vì tập trung vào thách thức từ một cường quốc đang trỗi dậy, Bộ tứ Tây Á được tập hợp lại với nhau bằng những mối quan hệ đặc biệt và "khác biệt" giữa các quốc gia này.
Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar đã lưu ý rằng mối quan hệ với UAE, Israel và Mỹ là "những mối quan hệ thân thiết nhất" của Ấn Độ và những mối quan hệ chặt chẽ này khiến bốn nước sẵn sàng hợp tác với nhau hơn.
Bộ tứ Tây Á đang hoạt động hiệu quả bởi nó quy tụ hai nền kinh tế quan trọng của Trung Đông là Israel và UAE với một Ấn Độ đầy quyết đoán và một cường quốc bên ngoài có sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực là Mỹ. Nếu Bộ tứ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương muốn thành công, nhóm cũng cần phải tìm ra các năng lực bổ sung giữa các thành viên của mình tương tự như các thành viên của Bộ tứ Tây Á.
Liệu I2U2 có thể trở thành Bộ tứ Tây Á?
Ngày 14/7,Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ-Israel-Mỹ-UAE (I2U2) đầu tiên do Israel tổ chức đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Trong một tuyên bố chung do lãnh đạo 4 nước đưa ra, "nhóm các quốc gia này hướng đến khai thác sự nhộn nhịp của xã hội và tinh thần doanh nghiệp để giải quyết một số thách thức lớn nhất của thế giới, đặc biệt tập trung vào các khoản đầu tư chung và các sáng kiến mới về nước, năng lượng, giao thông, vũ trụ, y tế và an ninh lương thực". Bản tuyên bố nhấn mạnh một loạt dự án năng lượng sạch và an ninh lương thực, trong đó có khoản đầu tư trị giá 2 tỷ USD của UAE để phát triển "các công viên thực phẩm tích hợp trên khắp Ấn Độ" và tạo ra một dự án năng lượng tái tạo hỗn hợp ở bang Gujarat phía Tây Bắc Ấn Độ.
Định dạng I2U2 ra đời nhằm trấn an các đồng minh về việc duy trì cam kết chiến lược của Washington đối với Trung Đông sau cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan - mà một số chuyên gia cho rằng đã giáng một đòn mạnh vào sự tín nhiệm của Mỹ trong mắt các nước chủ chốt trong khu vực - và thúc đẩy các quan hệ đa phương giữa các đối tác của Mỹ.
Hội nghị này cũng góp một phần không nhỏ vào việc thừa nhận những lợi ích kinh tế và địa chính trị ngày càng lớn của Ấn Độ ở Tây Á. Sự tham gia bất ngờ của Ấn Độ gắn với một trong những mục tiêu bao trùm của Hội nghị Thượng đỉnh: kìm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Trung Đông và nhiều khu vực khác tại châu Á. Hiểu theo nghĩa này, I2U2 một phần giống với Nhóm Bộ tứ nhằm chống lại Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Mặc dù vậy, I2U2 không thể trở thành Bộ tứ Tây Á ở một khía cạnh quan trọng: nó không dựa trên sự thừa nhận chung về mối đe dọa do một hoặc nhiều nước gây ra. Trên thực tế, nhận thức về mối đe dọa của 4 thành viên rất khác nhau. Trong khi Washington tập trung đầu tư để giúp Ukraine chống lại Nga, các thành viên còn lại của I2U2 đều duy trì thái độ trung lập trong cuộc chiến này. I2U2 cũng không phải là một định dạng hiệu quả để tập hợp các nỗ lực chống Trung Quốc vì cả Israel và UAE đều có quan hệ nồng ấm với Bắc Kinh. Thông điệp mang tính biểu tượng về sự thống nhất của I2U2 càng không được phản ánh do những khác biệt về chính sách cụ thể giữa các thành viên, đặc biệt là những khác biệt giữa chính quyền ông Joe Biden và Jerusalem.
Với việc thỏa thuận hạt nhân Iran đang trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc", người đứng đầu Nhà Trắng và Thủ tướng Israel Yair Lapid đã tỏ ra rất khác biệt trong thông điệp về năng lực hạt nhân của Tehran. Trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Yair Lapid nói: "Nếu họ [Iran] tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của mình, thế giới tự do sẽ sử dụng vũ lực".
Về phần mình, Tổng thống Joe Biden đã không nhắc lại những bình luận đó hoặc đưa ra bất kỳ cam kết nào về việc sử dụng lực lượng quân sự chống lại Tehran, mà thay vào đó nhấn mạnh sự cần thiết trong việc tiếp tục đối thoại. Ông nói: "Tôi tiếp tục tin rằng ngoại giao là cách tốt nhất để đạt được kết quả này", ám chỉ việc ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông nói thêm: "Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Israel để chống lại các mối đe dọa khác từ Iran trên khắp khu vực".
Định dạng I2U2 dường như chịu tác động từ các mối quan tâm về phát triển kinh tế thay vì những khát vọng chung về địa chính trị và hệ tư tưởng. Thủ tướng Yasir Lapid khẳng định: "Tôi muốn nhấn mạnh: Đây không phải là một nhóm từ thiện... Chúng tôi muốn thay đổi để thế giới tốt đẹp hơn, nhưng chúng tôi cũng đang tạo ra những lợi thế tương đối cho các quốc gia của chúng tôi, cho các doanh nghiệp và lĩnh vực khoa học của chúng tôi. Trong cả 2 dự án mà tôi đã đề cập, danh sách các công ty địa phương, các công nghệ liên quan đều đã được chia sẻ. Mục tiêu của chúng tôi là khiến thị trường tư nhân trở thành một đối tác toàn diện trong sáng kiến này".
Ngày 15/6, Tổng thống Biden đã đến Saudi Arabia để gặp Thái tử Mohammed bin Salman. Trong khuôn khổ cuộc gặp, ông yêu cầu Saudi Arabia tăng sản lượng dầu trong bối cảnh người dân Mỹ đang phải đối mặt với giá khí đốt kỷ lục. Saudi Arabia và Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã liên tục từ chối các yêu cầu tăng sản lượng trước đó của Mỹ. Bên lề hội nghị G7 hồi cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với người đồng cấp Joe Biden rằng, Saudi Arabia và UAE - 2 quốc gia lớn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu - đều giữ vững lập trường.
https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/lieu-i2u2-co-the-tro-thanh-bo-tu-tay-a--i662394/