Quân đội Myanmar có thể đã phạm "tội ác chống lại nhân loại" trong nỗ lực duy trì quyền lực, gồm giết người, chuyên gia Liên Hợp Quốc nhận định.
Myanmar "đang bị kiểm soát bởi một chế độ bất hợp pháp và có thể đã phạm tội ác chống loại nhân loại", Thomas Andrews, chuyên gia hàng đầu của Liên Hợp Quốc về các quyền ở Myanmar, phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền tại Geneva hôm 11/3. Ông cho rằng ít nhất 70 người đã "bị giết" từ sau đảo chính.
Theo Andrews, những tội ác chống lại nhân loại mà quân đội Myanmar đã phạm phải có thể bao gồm giết người, cưỡng bức mất tích, bắt bớ và tra tấn được lãnh đạo cấp cao cho phép, gồm Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing.
Dù nhấn mạnh những hành vi phạm tội như vậy chỉ có thể được xác định trước tòa án, chuyên gia này nói rằng có bằng chứng rõ ràng cho thấy hành vi phạm tội của quân nhân "phổ biến" và là một phần của "chiến dịch phối hợp".
Người biểu tình di chuyển một đường ống lớn để dựng rào chắn tại thành phố Yangon hôm 11/3. Ảnh: AFP. |
Áp lực ngoại giao đang dồn lên các tướng lĩnh Myanmar. Liên Hợp Quốc hôm 10/3 lên án quân đội Myanmar đàn áp người biểu tình, bắt hơn 2.000 người, trong khi Trung Quốc cũng kêu gọi "giảm leo thang" và tiến hành đối thoại giữa các bên.
Quân đội Myanmar hôm qua tổ chức cuộc họp báo hiếm hoi, cáo buộc Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi nhận hối lộ 600.000 USD tiền mặt và hơn 11 kg vàng. Quân đội cho biết ủy ban chống tham nhũng đang điều tra cáo buộc này.
Tờ báo nhà nước Mirror hôm qua thông báo Quân Arakan (AA), lực lượng chiến đấu giành quyền tự trị cho người dân tộc Rakhine ở phía bắc bang Rakhine, không còn bị coi là tổ chức khủng bố. AA đối đầu quân đội nhiều năm, khiến hàng trăm người thiệt mạng và khoảng 200.000 thường dân phải rời bỏ nhà cửa.
Herve Lemahieu, chuyên gia về Myanmar thuộc Viện Lowy của Australia, nhận định quân đội có thể muốn tập trung đối phó biểu tình. "Quân đội có nhiều kẻ thù, họ không muốn hoạt động cùng lúc trên quá nhiều mặt trận và mặt trận cấp bách nhất lúc này là chống người biểu tình ở các trung tâm đô thị lớn", ông nói.
Quận Sanchaung ở thành phố Yangon lại có một đêm không ngủ khi lực lượng an ninh đột kích các căn hộ để tìm kiếm vũ khí cảnh sát bị mất. Một khu vực khác của Yangon là Bắc Okkalapa cũng đang quay cuồng sau 300 vụ bắt người hôm 10/3, theo nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị.
Thêm 9 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hôm 11/3, gồm 6 người ở thị trấn Myaing, miền trung Myanmar. "6 người đàn ông bị bắn chết, trong khi 8 người bị thương, gồm một người đang nguy kịch", nhân viên cứu hộ nói với AFP. Một nhân chứng cho biết 5 người trong số họ bị bắn vào đầu.
Báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc quân đội sử dụng "vũ khí chiến trường" với người biểu tình không có vũ khí và "giết người có tính trước". Theo nhóm này, lực lượng an ninh sử dụng súng là "hoàn toàn không phù hợp", gồm súng bắn tỉa và súng trường bán tự động.
Quân đội Myanmar hiện chưa bình luận về các thông tin trên.
Huyền Lê (Theo AFP)
Quân đội Myanmar cáo buộc bà Aung San Suu Kyi nhận hối lộ 600.000 USD
Người phát ngôn quân đội Myanmar cáo buộc Cố vấn Nhà nước Suu Kyi nhận vàng và các khoản tiền trái luật trị giá 600.000 ... |
Mỹ giáng đòn trừng phạt con của Thống tướng Min Aung Hlaing
Hôm 10/3, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 con của nhà lãnh đạo quân đội Myanmar Min Aung Hlaing ... |