Trong 8 vụ tấn công nhằm vào nhiều nhà thờ và khách sạn làm hơn 200 người tử vong, 2 vụ bị nghi là đánh bom liều chết
Hơn 200 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương trong 8 vụ đánh bom liên hoàn nhằm vào nhiều nhà thờ và khách sạn ở Sri Lanka ngày 21-4. Cảnh sát Sri Lanka cho biết ít nhất 35 người nước ngoài đã thiệt mạng, trong đó có công dân Mỹ, Anh và Hà Lan.
Trang Daily Mail dẫn lời một quan chức an ninh cho biết trong số 8 vụ tấn công nêu trên, 2 vụ bị nghi là đánh bom liều chết. Hai vụ nổ đầu tiên xảy ra tại nhà thờ Thánh Anthony ở thủ đô Colombo và nhà thờ Thánh Sebastian ở thị trấn Negombo. Theo Reuters, riêng vụ tấn công tại nhà thờ Thánh Sebastian đã khiến hơn 50 người thiệt mạng.
Không lâu sau khi các vụ nổ nêu trên xảy ra, cảnh sát xác nhận 3 khách sạn sang trọng Shangri-La, Kingsbury, Cinnamon Grand ở thủ đô Colombo và nhà thờ Zion ở thị trấn Batticaloa cũng bị tấn công. Người phát ngôn khách sạn Shangri-La cho biết họ bị đánh bom vào khoảng 9 giờ 5 phút (giờ địa phương). Vụ nổ thứ bảy xảy ra tại một khách sạn ở phía Nam Colombo, trong khi vụ nổ thứ tám xảy ra tại phía Bắc thành phố này song chưa có thông tin về mục tiêu của nó.
Trong một tuyên bố sau vụ việc, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena nói rằng ông bị "sốc" và đã yêu cầu cảnh sát lẫn quân đội nước này điều tra để tìm ra thủ phạm, cũng như mục đích của chúng. Phát ngôn viên quân đội Sri Lanka cho biết binh sĩ đã được triển khai và an ninh đã được thắt chặt tại sân bay quốc tế Colombo.
Thi thể một nạn nhân được đưa ra khỏi nhà thờ Thánh Anthony - một trong những địa điểm bị đánh bom ngày 21-4. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã triệu tập một cuộc họp hội đồng an ninh quốc gia khẩn cấp để thảo luận về các cuộc tấn công mà ông mô tả là "hèn hạ". "Tôi kêu gọi toàn thể nhân dân Sri Lanka tiếp tục đoàn kết và mạnh mẽ xuyên suốt thời khắc bi thương này" - ông Wickremesinghe chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.
Theo Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Mangala Samaraweera, các cuộc tấn công nói trên đã "cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội" và dường như là "một nỗ lực phối hợp hoàn hảo để giết người, gây hỗn loạn". Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Sri Lanka tuyên bố áp dụng giờ giới nghiêm có hiệu lực tức thì từ 18 giờ ngày 21-4 đến 6 giờ ngày 22-4 hoặc cho đến khi tình hình ổn định. Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Sri Lanka Akila Viraj Kariyawasam cho biết sẽ đóng cửa toàn bộ trường học vào ngày 22 và 23-4.
Lãnh đạo nhiều nước cũng đã chỉ trích các cuộc tấn công ở Sri Lanka, đồng thời thể hiện sự ủng hộ đối với quốc gia này. Trong một tuyên bố trên Twitter ngày 21-4, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định người dân Ấn Độ "đoàn kết với người dân Sri Lanka". Còn Thủ tướng Anh Theresa May mô tả việc tấn công những người theo đạo Thiên Chúa trong lúc họ đang ăn mừng lễ Phục sinh là "kinh hoàng".
Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ việc. Trước đó, trong bản cảnh báo gửi đến các sĩ quan hàng đầu 10 ngày trước khi xảy ra tấn công, Giám đốc Cảnh sát quốc gia Sri Lanka Pujuth Jayasundara khẳng định: "Nhóm National Thowheeth Jama’ath (NTJ) đang lên kế hoạch đánh bom liều chết nhằm vào các nhà thờ lớn, cũng như cơ quan đại diện ngoại giao của Ấn Độ tại Colombo". Cũng trong bản cảnh báo này, ông Jayasundara yêu cầu thực hiện các biện pháp phòng vệ.
NTJ là nhóm Hồi giáo cực đoan ở Sri Lanka, từng gây chú ý vào năm ngoái khi có liên quan đến hành vi phá hoại nhiều bức tượng Phật.
Kẻ đánh bom khách sạn Sri Lanka trà trộn vào hàng người đợi buffet
Lúc quả bom phát nổ, nhà hàng của khách sạn Cinnamon Grand đang có rất đông người xếp hàng chờ ăn buffet sáng. |
Tìm thấy bom gần sân bay Sri Lanka sau các vụ tấn công nhà thờ, khách sạn
Sân bay quốc tế chính của Sri Lanka hôm qua phải đóng cửa sau khi một quả bom ống dài hai mét được tìm thấy. |
Nhân chứng nhìn thấy 'bể máu' trong nhà thờ Sri Lanka bị nổ
Những người dân sống gần nhà thờ và một bộ trưởng Sri Lanka chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng tại hiện trường vụ nổ sáng ... |
Cao Lực