Lầu Năm Góc cảnh báo tốc độ phát triển của quân đội Trung Quốc

Việc tăng cường quân sự của Trung Quốc có hai mục tiêu chính: ngăn chặn Mỹ và các đối thủ khác sử dụng vũ khí hạt nhân và giải quyết vấn đề Đài Loan.

Lầu Năm Góc đã công bố báo cáo quân sự thường niên về Trung Quốc vào đầu tháng 11 vừa qua. Với tiêu đề “Những phát triển quân sự và an ninh có sự tham gia của Trung Quốc”, tài liệu này là một báo cáo gửi tới Quốc hội và người dân Mỹ về sự phát triển của quân đội Trung Quốc. Điều này cho thấy rõ rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) vẫn đang trong quá trình mở rộng và hiện đại hóa.

Theo các chuyên gia quân sự, việc tăng cường quân sự của Trung Quốc có hai mục tiêu chính, thứ nhất là ngăn chặn Mỹ và các đối thủ khác sử dụng vũ khí hạt nhân và thứ hai là đưa Đài Loan về với chính quyền lục địa.

Xe tấn công đổ bộ của Trung Quốc trong cuộc tập trận đổ bộ, năm 2005.

Xe tấn công đổ bộ của Trung Quốc trong cuộc tập trận đổ bộ, năm 2005.

Năng lực hạt nhân

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc chỉ duy trì kho vũ khí hạt nhân ở quy mô nhỏ, với khoảng 250 đầu đạn hạt nhân. Nước này cũng duy trì một lực lượng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạn chế, một hạm đội tàu ngầm quy mô nhỏ và thậm chí không có các đơn vị máy bay ném bom có ​​khả năng hạt nhân. Năng lực hạt nhân của Trung Quốc nhỏ hơn và hạn chế hơn nhiều so với năng lực hạt nhân của Mỹ và Nga, nhưng vẫn đủ mạnh để Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc tấn công trả đũa tàn khốc nếu bị tấn công.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Trung Quốc hiện đang phát triển kho vũ khí hạt nhân ở mức đáng báo động. Lầu Năm Góc ước tính họ đã tăng gấp đôi số lượng vũ khí hạt nhân trong kho vũ khí của mình, với 500 đầu đạn có thể sử dụng được và dự kiến ​​sẽ đạt 1.000 đầu đạn vào năm 2030. Mặc dù con số này lớn gấp bốn lần số vũ khí hạt nhân Trung Quốc hiện có, nhưng hãy nhớ rằng nó vẫn còn kém xa so với số đầu đạn hạt nhân chiến lược mà Mỹ triển khai ở các căn cứ trên khắp thế giới.

Trong khi đó, trên biển, PLA đã nâng cấp hạm đội tàu ngầm tên lửa của mình bằng tên lửa JL-3, mà theo báo cáo tuyên bố “JL-3 mang lại cho Trung Quốc khả năng nhắm mục tiêu vào lục địa Mỹ từ các vùng nước ven biển”, nghĩa là từ các vùng ven biển Trung Quốc, đặc biệt là Biển Đông. 

Trước đây, các tàu ngầm Trung Quốc cần phải di chuyển đến gần lục địa Mỹ mới có đủ tầm tấn công, khiến chúng có nguy cơ bị lực lượng tác chiến chống tàu ngầm Mỹ phát hiện và tiêu diệt. Báo cáo cũng tuyên bố lớp tàu ngầm tên lửa Type-094 hiện tại sẽ được thay thế vào khoảng giữa hoặc cuối những năm 2020 bằng lớp Type-096 mới, tiên tiến hơn.

Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông trong cuộc tập trận quanh Đài Loan tháng 4 năm 2023.

Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông trong cuộc tập trận quanh Đài Loan tháng 4 năm 2023.

Kịch bản Đài Loan

Trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan, Hải quân Trung Quốc (PLAN) sẽ phải chuẩn bị nhiều tàu để thực hiện hành trình dài hơn 170km đầy nguy hiểm qua eo biển. Trong năm qua, PLAN đã bổ sung thêm 6 tàu khu trục nâng tổng số thành 42 chiếc, trong khi Đài Loan chỉ có 4 tàu loại này. 

 

Trung Quốc cũng đã bổ sung thêm 2 khinh hạm vào biên chế, nâng tổng số khinh hạm lên 47 chiếc - nhiều hơn gấp đôi so với Đài Loan. Số lượng tàu ngầm tấn công trên thực tế đã giảm 12 chiếc do các tàu ngầm cũ đã ngừng hoạt động, nhưng Trung Quốc vẫn vận hành 53 chiếc so với 4 chiếc của Đài Loan. Và tất nhiên, Trung Quốc có hai tàu sân bay là Liêu Ninh và Sơn Đông, trong khi Đài Loan không có.

Lực lượng Không quân của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAAF) cũng có những bước phát triển mạnh và áp đảo so với Đài Loan. Lực lượng này hiện có 750 máy bay chiến đấu, 300 máy bay ném bom. Trên toàn quốc, Trung Quốc có tới 1.900 máy bay chiến đấu và 500 máy bay ném bom/máy bay tấn công. Trong khi đó, Đài Loan chỉ vận hành 300 máy bay chiến đấu.

Một tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được phóng lên trong cuộc tập trận của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông, tháng 4 năm 2023.

Một tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được phóng lên trong cuộc tập trận của Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông, tháng 4 năm 2023.

Lực lượng mặt đất của Trung Quốc có 420.000 quân đóng dọc theo eo biển, trong khi Đài Loan chỉ có 89.000. Lực lượng bộ binh của Trung Quốc được biên chế thành 44 lữ đoàn chiến đấu bao gồm các lữ đoàn phối hợp, lữ đoàn tấn công trên không (trực thăng), không quân và thủy quân lục chiến. Ngoài ra Trung Quốc có thêm 28 lữ đoàn pháo binh và hàng không hỗ trợ chiến đấu, trong khi Đài Loan chỉ có 3 lữ đoàn.

Mặc dù sự chênh lệch này có thể khiến nhiều người bất ngờ, nhưng các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng, nếu hải quân Đài Loan có thể gây thiệt hại lớn cho số tàu vận tải của PLAN, thì cuộc tấn công của Trung Quốc sẽ thất bại.

Bước tiến lớn về tên lửa

Trong những năm 1980, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào tên lửa tầm trung và tầm xa, cả những hệ thống phóng vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Tên lửa được xem là giải pháp thay thế rẻ hơn cho máy bay ném bom mà Trung Quốc không đủ khả năng mua và không có công nghệ chế tạo. Trung Quốc cũng không tham gia ký kết Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung, vốn do Mỹ và Nga đưa ra để hạn chế số lượng tên lửa tầm trung của nhau.

Tên lửa tầm trung DF-26 trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh, 2015.

Tên lửa tầm trung DF-26 trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh, 2015.

Trung Quốc tiếp tục dựa vào một kho tên lửa đất đối đất lớn và các chuyên gia tin rằng trong trường hợp xảy ra xung đột với Đài Loan, Trung Quốc sẽ sử dụng chúng không chỉ để chống lại hòn đảo này mà còn chống lại cả lực lượng Mỹ trong khu vực. 

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, chỉ trong một năm Trung Quốc đã tăng gấp đôi lượng tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 lên 500 chiếc. Tên lửa này có thể vươn tới tận lãnh thổ Guam của Mỹ, nơi có Căn cứ Không quân Andersen và Căn cứ Hải quân Apra. 

Nước này cũng đã tăng gấp đôi số lượng tên lửa tầm trung DF-21 lên 1.000 chiếc. Việc mở rộng kho vũ khí cũng có thể là bài học mà Trung Quốc đã rút ra được từ xung đột Nga-Ukraine, trong đó Nga thiếu tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo ngay từ đầu cuộc xung đột.

Giống như tất cả các quốc gia, Trung Quốc đang chuẩn bị cho tình huống xung đột có thể xảy ra. Việc xây dựng quân đội của Trung Quốc vẫn đang tiếp tục, ngay cả khi nền kinh tế của nước này đang chậm lại. Các chuyên gia quân sự phương Tây cảnh báo rằng, mỗi năm trôi qua Trung Quốc đang trở thành một đối thủ tiềm tàng và ngày càng nguy hiểm.

https://vtc.vn/lau-nam-goc-canh-bao-toc-do-phat-trien-cua-quan-doi-trung-quoc-ar834221.html

Lê Hưng / VTC News