Lan tỏa những điều tốt đẹp trên không gian mạng

Trước đây trong không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội tràn ngập những thông tin xấu, độc tạo cảm giác bất an đối với cư dân mạng trong cuộc sống đời thường.

lan to a nhu ng die u to t de p tren khong gian mang

Chia sẻ

Ông Lê Văn Châu - Phó Bí thư tỉnh đoàn Thanh Hóa, trao Bằng khen cho anh Lê Xuân Huân sáng 4.4. Ảnh: HT

Thế nhưng gần đây đã có sự dịch chuyển lớn: Những điều tốt đẹp, những cử chỉ nhân văn đã được lan tỏa, chia sẻ nhiều hơn. Điều này cũng cho thấy ý thức của người tham gia mạng xã hội ở Việt Nam đã có những thay đổi tích cực.

Từ “phát ngôn thù hận” sang “lan tỏa những điều thiện”

Chỉ cách đây chưa đầy một năm, đa số thông tin trôi nổi trên cộng đồng mạng đều bị nhìn bới góc nhìn thiếu tích cực. Hồi tháng 4.2017, Chương trình nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) đã công bố những con số khiến người dùng mạng xã hội tại Việt Nam phải giật mình.

Đó là trong số 35 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm khoảng 37% dân số) cho thấy 78% số người được hỏi đều khẳng định từng là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội, hoặc có biết những trường hợp tương tự. Cũng theo nghiên cứu của VPIS, các trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng thể hiện tập trung: Nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

Thực tế cho thấy, với không ít người, sự thù ghét với tính cách là nhu cầu tiêu cực của cá nhân thể hiện qua phát ngôn gây thù ghét đã được internet tạo cơ hội để phóng chiếu một cách tùy tiện, nhất là từ khi mạng xã hội phát triển thì điều này có xu hướng ngày càng tệ hại, và không được kiểm soát.

Theo TS Đặng Hoàng Giang - Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng: “Tham gia mạng xã hội có thể khiến bạn trải qua những chấn động tâm lý, sợ hãi, cuộc sống bị phá hủy. Thậm chí, nhiều người tìm tới cái chết để chạy trốn sự nhục nhã và những cơn bão căm ghét. Lý do có nhiều, trong đó có tâm lý bầy đàn, sự vô cảm được khuyến khích bởi công nghệ, sự tàn nhẫn được sổ lồng bởi sự ẩn danh và qua đó cảm giác có lỗi và trách nhiệm cá nhân bị tê liệt”.

Thế nhưng gần đây, mọi chuyện đã có những thay đổi tích cực khi cộng đồng liên tục chia sẻ những điều tốt đẹp.

Đó là câu chuyện về người lái xe tải Đỗ Văn Tiến ở Hải Phòng bất chấp nguy hiểm đánh lái cứu 3 mạng người được cộng đồng otofun chia sẻ hàng nghìn lượt và hàng chục nghìn nút like. Sau vụ tai nạn, anh Tiến bị thương nhẹ với vết thương gãy 2 xương sườn nhưng nhiều khả năng anh Tiến phải nộp tiền sửa 2 chiếc xe con bị anh Tiến đâm phải sau cú đánh lái khoảng 180 triệu đồng.

Sau khi đoạn clip ghi lại khoảnh khắc vụ tai nạn xảy ra, cộng đồng mạng đã dành nhiều lời khen ngợi và cảm phục hành động dũng cảm, nhanh trí của tài xế Đỗ Văn Tiến. Không chỉ vậy, nhiều người cũng lên tiếng kêu gọi ủng hộ, chia sẻ khó khăn trong khi anh Tiến phải đền bù tổn thất với những chiếc xe mình đâm phải. Xin trích một bình luận của cư dân mạng sau khi kêu gọi giúp đỡ anh Tiến: “Cuộc sống này còn quá nhiều những điều tốt đẹp và tôi cảm ơn về điều đó”. Phần hai của câu chuyện này là việc một doanh nhân - anh Nguyễn Hoài Nam - đã tự nguyện góp 240 triệu với lời chia sẻ đăng trên facebook: “Các anh lái xe, hãy luôn cứu người, mọi người sẽ không bỏ rơi các anh”.

Gần hơn, là câu chuyện chàng trai Lê Xuân Huân ở thôn 6, xã Xuân Giang, huyện Thọ Xuân - Thanh Hóa trên đường về hôm 2.4 đã không ngại nguy hiểm nhảy xuống cứu cô gái nhảy cầu tự tử. Clip của “người anh hùng” được chia sẻ và lan tỏa chóng mặt trên các trang fanpage, đặc biệt là trang Beat.vn - cộng đồng mạng có tới 2 triệu thành viên.

Và cũng lại là mạng xã hội chia sẻ câu chuyện về một phụ xe tuyến Hà Nội -Vinh đã đăng lên mạng xã hội nhờ tìm chủ nhân của chiếc ví mà trong đó có khoản tiền lên tới 8.000USD. Cũng nhờ sự lan tỏa lòng tốt, điều thiện chủ nhân của chiếc ví đã nhận lại đầy đủ. Trước đó, là câu chuyện cậu học sinh lớp 6 nhặt được ví tiền nhờ mẹ đăng lên facebook tìm người trả lại…

Gây dựng không gian ảo với những điều tốt đẹp

Trao đổi với Lao Động chiều ngày 4.4, anh Nguyễn Mạnh Thắng admin của group otofun.net - một trong những diễn đàn lớn hiện nay, có gần 300.000 thành viên và cũng là admin của website cùng tên - đã chia sẻ: “Đúng là đã có những dịch chuyển lớn trong ý thức người tham gia mạng xã hội trong khoảng thời gian gần đây.

Trước đây, ngay cả diễn đàn của chúng tôi những phát ngôn thù ghét, những hình ảnh xấu luôn áp đảo nhưng giờ đây thì các thành viên đã chia sẻ nhiều hành động đẹp, nhân văn hơn. Tôi cho rằng, cái xấu thuộc về trách nhiệm cá nhân. Chẳng hạn việc một vài chiến sĩ CSGT tiêu cực không có nghĩa là cả lực lượng đều là người xấu. Có rất nhiều điều tốt đẹp được phát hiện và chia sẻ.

Với vai trò là quản trị, chúng tôi cũng khuyến khích cộng đồng đăng tải những điều tốt, hình ảnh hay và cố gắng hạn chế những bài viết có thể gây thù oán hoặc có cái nhìn thiếu tiêu cực với cuộc sống. Người tham gia mạng xã hội cũng có trách nhiệm để gây dựng một không gian ảo với những điều tốt đẹp mà ở đó, người ta sẵn sàng chia sẻ, lan tỏa hơn. Chúng tôi cho rằng, không gian ảo hay xã hội thực chỉ có thể phát triển và bền vững dựa trên những điều nhân văn, tốt đẹp và chúng tôi vẫn hằng ngày cố gắng lan tỏa điều đó”.

Hành động đẹp đôi khi chỉ là những tác phong nhỏ hằng ngày, ví dụ như thái độ “Nhường và Tôn trọng các quy tắc khi tham gia giao thông” đang là một phong trào mà diễn đàn Otofun.net đang lan tỏa để cộng đồng xây dựng những giá trị cốt lõi tạo nên văn hóa giao thông”.

PGS-TS Trịnh Văn Tùng - Trưởng khoa Khoa Xã hội học - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội - cho rằng: “Tôi chưa bao giờ bị thuyết phục bởi lập luận “xã hội ngày nay không còn người tốt, việc tốt”, mà xã hội vẫn đang và sẽ có rất nhiều người tốt, việc tốt. Những người cho rằng “không còn người tốt việc tốt” đa phần đều bị ảnh hưởng bởi truyền thông quá mạnh trước những sự kiện xấu. Cần hướng đến việc lan tỏa “người tốt, việc tốt” mạnh hơn nữa để người dân thấy rằng, đó không phải là việc lạ lùng, bởi trên thực tế thì một ngày có vô số việc tốt được thực hiện nhưng chưa được người dân biết đến.

Còn TS Xã hội học Phạm Thị Thúy thì chia sẻ với Lao Động: “Tôi thích câu châm ngôn: “Thà thắp lên một ngọn nến còn hơn là nguyền rủa bóng đêm” và “Hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngả về sau bạn”. Trong tư duy của tôi luôn hướng về những điều tốt đẹp. Thế nên, xã hội, truyền thông, cộng đồng mạng cũng cần nói đến những điều tốt đẹp thường xuyên hơn để điều tốt lan truyền, tạo nên niềm tin cho con người.

Muốn có niềm tin, mỗi người nên làm những việc tốt từ nhỏ đến lớn để từ từ có sự thay đổi. Trong cuộc sống hằng ngày, làm được điều gì tốt hãy làm ngay. Đó cũng chính là cách lan tỏa niềm vui. Niềm vui là vô giá, nếu xã hội mà lan tỏa nhiều niềm vui thì sẽ tiếp thêm sức mạnh nội tâm cho mỗi con người, khiến họ không chỉ có niềm tin mà còn thôi thúc họ hành động, làm điều tốt”.

Cứu người gặp nạn là một lẽ tự nhiên

lan to a nhu ng die u to t de p tren khong gian mang
lan to a nhu ng die u to t de p tren khong gian mang
Ông Lê Văn Châu - Phó Bí thư tỉnh đoàn Thanh Hóa, trao Bằng khen cho anh Lê Xuân Huân sáng 4.4 và khoảnh khắc cứu người hôm 2.4 (ảnh dưới). Ảnh: HT

Sáng 4.4, tại Trung tâm Viễn thông huyện Thiệu Hóa đã long trọng tổ chức Lễ trao bằng khen của tỉnh đoàn Thanh Hóa và giấy khen của UBND huyện Thiệu Hóa cho anh Lê Xuân Huân (33 tuổi, quê ở Xuân Giang, Thọ Xuân, Thanh Hóa - hiện là cán bộ kỹ thuật viễn thông huyện Thiệu Hóa) vì hành động dũng cảm cứu người hôm 2.4 và được cộng đồng mạng khen ngợi.

Tại buổi lễ, khi được hỏi về hành động dũng cảm của mình, anh Huân cười hiền: “Thực sự lúc đó em chẳng nghĩ được gì nhiều. Thấy có người gặp nguy hiểm, nên em nhảy xuống cứu thôi. Kiểu giống như bản năng vậy. Với những người cả tuổi thơ gắn với sông nước như em thì chuyện này là rất bình thường” - anh Huân cho biết.

Đây không phải là lần đầu anh Lê Xuân Huân cứu người đuối nước. Trước đó từ thời học THPT, anh cũng từng làm việc này. “Thực sự, việc thấy người gặp nạn mà giúp đỡ là chuyện rất bình thường. Trước kia em cũng đã làm nhưng địa hình thuận tiện, chưa có chỗ nào cao như cầu Vạn Hà” - anh Huân cười nói. X.H

Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Duy: “Mỗi người nên làm và lan truyền những điều tích cực”

Về mặt tâm lý, những thông tin tiêu cực thường có khả năng thu hút sự chú ý của con người nhiều hơn, thu hút được lượt xem nhiều hơn. Vì nó đánh động đến nhu cầu an toàn của một người. Đó là lý do đọc báo hay nghe nhìn các phương tiện truyền thông thường có những thông tin tiêu cực. Mải mê với những thông tin tiêu cực nên người ta quên đi những thông tin tích cực. Bản thân mỗi người nếu suy nghĩ, nói và làm những điều tích cực và các phương tiện truyền thông. Mạng xã hội cùng lan truyền những điều tích cực thì con người sẽ có niềm tin tích cực vào cuộc sống; cuộc sống sẽ có ý nghĩa và hạnh phúc hơn.

lan to a nhu ng die u to t de p tren khong gian mang Chàng trai nhảy cầu cứu cô gái tự tử: Động lực chiến thắng cái xấu, cái ác

Sáng nay (4.4), Tỉnh đoàn Thanh Hoá trao Bằng khen cho anh Lê Xuân Huân - người đã dũng cảm nhảy xuống sông từ độ ...

lan to a nhu ng die u to t de p tren khong gian mang Tình người ấm áp qua chuyện hành khách góp tiền giúp chàng phụ xe

Những câu chuyện về tình người giữa cuộc sống xô bồ luôn mang lại nguồn năng lượng tích cực. Lòng tốt, sự tử tế, vị ...

lan to a nhu ng die u to t de p tren khong gian mang Người Việt mời nhau “ăn cỗ”: Vì sao tập tục biến thành hủ tục?

Lời mời “ăn cỗ” của người Việt vốn là một phong tục truyền thống tốt đẹp, thể hiện thành ý tốt, nhưng dần dần đã ...

/ https://laodong.vn