- Lan đột biến hết thời, rẻ như rau: Người từng dốc tiền tỷ chơi hoa nói gì?
- Lan đột biến “sốt” trở lại, cảnh báo chiêu tạo sóng “lùa gà”
- Lan đột biến nóng trở lại, giá hàng trăm triệu đồng: Dân buôn đang giăng bẫy?
Sau khoảng 2 năm “bất động” thì hơn một tháng trở lại đây thị trường lan đột biến (lan var) đang rục rịch trở lại. Kịch bản không hề thay đổi, vẫn là những cái giá trên trời, những hình ảnh giao lưu, chuyển nhượng quy mô lớn…
Tuy nhiên, với những người đã trải qua trận “sập” kinh hoàng của lan var và thậm chí dưới góc nhìn của những chuyên gia thì đều đánh giá lan var không thể nóng lại và đây chỉ là chiêu trò mà thôi.
Khi “cơn bão” lan var tàn phá
Dù “cơn bão” lan đột biến quét qua được 2 năm nhưng những người trong cuộc vẫn chưa kịp hoàn hồn. Bởi hậu quả của nó để lại thực sự khủng khiếp mà không phải ai cũng biết. Những người trở thành tỷ phú vì lan có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại đều phải “ngậm trái đắng”, nhiều người lâm vào cảnh “tán gia bại sản”.
Anh Nguyên Hữu Dư (Hà Đông) là một nghệ nhân trồng lan làm cảnh có tiếng nhưng cũng không chạy khỏi “cơn bão” lan var khi ấy. Anh Dư kể lại, làng anh vốn có nghề trồng lan làm cảnh, phục vụ tết, phục vụ người chơi đơn thuần. Tuy nhiên khi người ta đẩy giá lan var lên quá cao, nhiều người khoe mua nhà tậu xe chỉ bằng 1 cây lan đột biến. Sẵn có nghề trong tay, anh Dư cũng chạy theo thị trường, bán cả mảnh đất của bố để lại được 5 tỷ để đầu tư.
“Sau khoảng 1 năm chăm sóc, số cây con tôi nhân ra mà bán với giá lúc đó cũng phải vài chục tỷ. Thế nhưng không những không bán, tôi còn vay mượn đầu tư thêm. Không thể ngờ chỉ trong một thời gian ngắn, giá lan var đã xuống hàng nghìn lần, thậm chí cho cũng không ai lấy. Tôi đành ngậm đắng nuốt cay chịu lỗ 5 tỷ bán đất và tiền vay 2 tỷ của người thân”, anh Dư ngậm ngùi.
Anh Lê Thanh Hải (Thanh Oai, Hà Nội) cũng là một người chịu hậu quả nặng nề từ lan var. Trước khi trở thành nhà đầu tư lan anh Hải từng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, khi trở về quê làm ăn thấy nhiều người đầu tư vào lan nên anh cũng quyết định lấy số tiền 2 tỷ đồng tích cóp được để thử vận may. Anh Hải bỏ ra 4 trăm triệu thuê đất và làm giàn nuôi lan khá hoành tráng.
“Tôi còn khoảng 1,5 tỷ đồng tiền tiết kiệm khi đi xuất khẩu lao động, cũng vay mượn họ hàng người thân được hơn 1 tỷ nữa để đầu tư. Mọi thứ rất suôn sẻ sau hơn 1 năm đầu tư và chăm sóc lan, tôi cũng túc tắc bán được cây và thu về được chút ít vốn bỏ ra. Nghĩ thị trường sẽ còn duy trì ít nhất cũng 5 năm nữa nên tôi quyết định giữ lại cây không bán, tiếp tục vay mượn để vào thêm lan. Không ngờ chỉ một thời gian ngắn giá lan xuống thê thảm cuối cùng là sập hoàn toàn. Giờ tôi chẳng còn gì, thua lỗ gần 3 tỷ đồng mà không có cách nào để trả. Giờ phải đi phụ hồ kiếm sống qua ngày”.
Mặc dù 2 năm nay anh Hải không bán được cây lan nào nhưng hằng ngày vẫn phải chăm sóc tưới tắm cho cả vườn hơn 1.000m2. Dù rất chán nản nhưng anh Hải rơi vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”. Theo tiết lộ của anh Hải, người thân, bạn bè và đồng nghiệp của anh rất ít người làm giàu được từ lan var. Nguyên nhân là vì ham lợi nhuận, khi được giá không chịu bán, để cây chờ lớn, kiếm lời cao hơn. Chính vì thế chuyện vỡ nợ, bỏ nhà đi, gia đình tan nát vì lan không phải là hiếm. “Với những gì xảy ra tôi nghĩ thị trường lan var sẽ không bao giờ nóng lên một lần nữa”, anh Hải nói.
Chiêu cũ khó thành
Lan đột biến “bất động” chừng 2 năm thì mới đây vào khoảng tháng 2/2024, trên nhiều trang Fanpage, Facebook có lượng theo dõi tới vài chục, thậm chí đến vài trăm ngàn người, nhiều tay to bắt đầu “làm nóng” lại thị trường. Cũng vẫn là hình ảnh giao dịch, chuyển nhượng sau đó để tiền mặt lên chậu lan khiến nhiều người lầm tưởng thị trường này đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, nhiều người trồng lan khẳng định đây chỉ là chiêu thổi giá để dụ khách lao vào mua lan như trước đây. Đơn cử như trên Fanpage có hơn 40.000 thành viên, một tài khoản rao bán lan var như sau: “Lên kie số đo như hình, người đẹp Pleiku Gia Lai 5ct (tức năm cánh trắng-pv), giá bán 138 triệu đồng cho mỗi kie làm giống”. Dòng thông tin rao bán lan đột biến nhận được nhiều lượt bình luận, đa phần cho rằng người bán thổi giá, ảo tưởng giá.
Hay loại lan đột biến “mắt ngủ” được một thành viên rao bán 268 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Quyền – một chủ vườn lan ở Thanh Oai cho biết, loại lan này lúc đỉnh cao người ta bán khoảng gần 1 tỷ đồng/mắt ngủ. “Mỗi một đốt của cây là đều có 1 mắt ngủ, từ đó người chăm cây sẽ nhân lên thành cây con gọi là kie. Nếu bỏ ra 1 tỷ mua 1 mắt ngủ, khi chăm sóc lên một cây mới khoảng 2-3cm người ta có thể bán đến cả chục tỷ. Làm gì mọi người chả ham, lao vào mua và đầu tư. Hiện nay xuất hiện những nhóm đầu cơ, thổi giá nâng giá ảo để dụ dỗ người mua. Tôi nghĩ nhiều người vừa bị một vố đau rồi nên sẽ không ai ngu muội như ngày trước nữa đâu”, anh Quyền chia sẻ.
Một trong số ít những người được coi là ông trùm lan var, C.T thời gian này cũng rất tích cực “làm nóng” thị trường. Ngoài việc đăng những bài viết khoe những kie quý hiếm, C.T còn đăng những hình ảnh giao dịch lan hay những buổi gặp mặt, giao lưu, chuyển nhượng quy mô lớn giữa những người chơi lan var.
Tương tự, trên trang Facebook cá nhân của một “ông trùm” khác là T. X cũng liên tục đăng tải hình ảnh giao dịch, rao bán lan var. Cụ thể, vào ngày 23/2/2024, người này đăng bán cây lan có tên “Ngọc Sơn Cước” với có giá 28 triệu đồng. Sau trạng thái này đã có rất nhiều người vào bình luận. Tuy nhiên những bình luận hỏi mua, chốt cây thì không có, chủ yếu như: “lan var lại sốt à idol?”; “Thị trường nóng lên là idol ?…”.
Vào thời kỳ đỉnh cao, mỗi bài đăng của các “ông trùm” lan var này thường có ít nhất từ vài trăm, nhiều đến vài nghìn comment nhưng đến thời điểm hiện tại, comment dưới mỗi bài viết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này phản ánh phần nào thực tế là hiện đã không còn mấy ai quan tâm đến thị trường lan “var” nữa.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội Ngành nghề nông nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho biết có thể những người rao bán lan đột biến “giá trên trời” đang thăm dò thị trường, kỳ vọng giá sốt trở lại như mấy năm trước. Hoặc một nhóm “đầu cơ” đưa thông tin chào bán trên để tạo sóng, gây hiệu ứng tâm lý tò mò, thu hút người quan tâm hòng làm “nóng” hiện tượng sốt giá lan đột biến trở lại.
Theo kịch bản đầu cơ rất cũ thì “Nhóm sẽ có vài người rao bán lan với giá cao, vài người khác “đóng vai” người mua vào khen hoặc thương lượng giá. Sau đó để tạo niềm tin, họ sẽ ngụy tạo giao dịch là thành công, đăng tin, chụp ảnh, chụp tiền để dụ những tay chơi lan “gà mờ”, thiếu hiểu biết”, ông Phụng chia sẻ. Thông tin thêm, ông Phụng cho biết lan đột biến hiện được nhân giống rất nhiều, trồng đại trà và không có người mua nên tự rớt giá thảm. Vì thế, các nhóm “thổi giá” lan đột biến sẽ khó “lùa gà” như trước.
Ngoài ra, ông Phụng cho biết, Hội đã có công văn gửi tới Hội Sinh vật cảnh các địa phương, khuyến cáo về tình trạng mua bán lan đột biến, cảnh báo những người chơi và kinh doanh lan cần tỉnh táo, học hỏi, thu thập thêm kiến thức, thông tin về lan đột biến, tránh bị “sập bẫy” những kẻ thổi giá, trục lợi.
Chung nhận định, ông Lê Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Bình Dương, khẳng định đây là chiêu thổi giá rất cũ, lặp lại hiện tượng “sốt ảo” lan đột biến những năm 2020-2021. “Lan đột biến không phải là loài lan quý hiếm, khó trồng và vẻ đẹp thẩm mỹ không được đánh giá cao. Bằng chứng là các khách sạn 5 sao không chọn lan đột biến để trang trí ở các sảnh hội nghị mà chỉ chưng lan hồ điệp, lan mokara, địa lan… Vì thế, việc đưa thông tin về giao dịch mua bán hay rao bán một giò lan đột biến giá hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng là hành động thổi giá”, ông Ngọc chia sẻ.
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, với công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật có thể nhân giống hoa lan đột biến bằng phương pháp nuôi cấy mô hàng loạt với giá thành rất rẻ. Một kie lan đột biến nếu nhân giống bằng phương pháp này sẽ cho ra hàng ngàn, thậm chí 100.000 cây lan giống chỉ trong thời gian ngắn. Nguồn cung giống tăng lên sẽ làm giảm giá trị của loài hoa đó. Ngoài ra, trong quá trình trồng và chăm sóc, cây có thể nhiễm bệnh, chết hoặc ra hoa không như ý. Do đó, người không am hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan, chỉ nhìn vào lợi nhuận mà quyết định đầu tư thì rủi ro rất cao.