Mặc dù NHNN có nhiều chỉ đạo, giải pháp, các NHTM nỗ lực trong việc cung cấp nguồn vốn, lãi suất, thủ tục đơn giản, nhưng đến nay vì nhiều nguyên nhân nên vẫn còn tình trạng nhiều người dân tìm đến tín dụng đen, tạo điều kiện cho tín dụng đen phát triển, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên. Nhiều người dân phải vay tín dụng đen với lãi suất lên tới 282-365%/năm và bán nhà để trả nợ.
Sáng nay, ngày 8.3, tại Gia Lai, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen. Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 12.2018, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 7.211.457 tỷ đồng, tăng 13,93%, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 1,78 triệu tỷ đồng tăng 21,4%.
Toàn hệ thống có 78 TCTD tham gia cho vay phục vụ đời sống với dư nợ vay đạt khoảng 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn 78%.
Tìm đến tín dụng đen vì ngại tiếp xúc với ngân hàng?
Riêng tại khu vực Tây Nguyên: Đến ngày 31.12.2018, huy động vốn của cả vùng đạt 149.214 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, đáp ứng 45,56% nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển của khu vực với dư nợ đạt gần 320 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6%. Trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 194.208 tỷ đồng, tăng 39,35% so với cuối năm 2017, dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt 42.282 tỷ đồng, tăng 4,5%.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, NHCSXH đang triển khai 19 chương trình tín dụng ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và tiêu dùng cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách với dư nợ tại khu vực Tây Nguyên đạt 16.353 tỷ đồng, chiếm 8,7% tổng dư nợ tại NHCSXH, với gần 525 ngàn hộ gia đình đang còn dư nợ.
“Mặc dù có đến 78 ngân hàng, công ty tài chính và hàng nghìn quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đầu tư tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng đối với người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua tình hình tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh và đời sống của người dân”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, nhìn nhận.
Công an tỉnh Đăk Nông đã triệt phá 03 nhóm hoạt động cho vay nặng lãi, khởi tố 03 vụ với 07 đối tượng về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự; bắt, khởi tố 04 vụ với 13 đối tượng có liên quan đến đòi nợ thuê; kiến nghị rút Giấy phép kinh doanh đối với 01 công ty hoạt động đòi nợ thuê. Tổ chức cho 137 lượt cơ sở, cá nhân viết cam đoan, cam kết không hoạt động liên quan đến tín dụng đen.
Theo báo cáo của Công an tỉnh Đăk Nông, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 186 cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ (có 165 cơ sở có Giấy phép đang ký kinh doanh), trong đó có 38 cơ sở với 38 đối tượng có biểu hiện hoạt động liên quan đến tín dụng đen. Qua rà soát của Công an tỉnh, phát hiện trên địa bàn có 04 nhóm với 27 đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động tín dụng đen.
"Các đối tượng chủ yếu dùng tờ rơi tiếp thị với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút người vay như: Vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhận tiền ngay…trên thực tế thì người vay phải trả lãi suất rất cao (từ 282-365%/năm), nhiều trường hợp không có khả năng trả nợ do lãi mẹ đẻ lãi con.
Khi đó, bọn chúng sẽ có nhiều thủ đoạn đòi nợ hết sức manh động, gây sức ép đối với người đi vay và nhân thân của họ như: Đe dọa, khủng bố về tinh thần, sử dụng vũ lực (ở mức độ chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự), đổ chất thải, chất bẩn vào nơi ở, nơi sinh hoạt của người vay, tụ tập đông người tại nơi làm việc, kinh doanh, sản xuất của họ và người thân để gây sức ép, thuê người các đối tượng hình sự, thanh thiếu niên hư hỏng để đe dọa, gây sức ép…", ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, cho biết.
Đối với nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên gánh nặng nợ nần vẫn rất trầm trọng. (Ảnh: Internet)
Nói về nguyên nhân của tình trạng này, ông Hùng cho rằng, thời gian qua, mặc dù các TCTD đã tích cực đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, tuy nhiên người dân vẫn cho rằng thủ tục vay vốn phức tạp, nên đã tìm đến các đối tượng cho vay nhanh chóng, thủ tục đơn giản.
"Thực tế người dân cứ e ngại thủ tục ngân hàng phức tạp, nhưng các ngân hàng đã rất nỗ lực cải thiện, giảm nhiều thủ tục vay vốn, ví như Agribank với thời giạn giải quyết chỉ trong vòng 1 ngày. Việc người dân vẫn tìm đến tín dụng đen cho thấy tổ chức tín dụng đen thường chèo kéo người dân, nhiều người thiếu hiểu biết đã tìm đến, khi vay được rồi thì phải bán nhà đi để trả nợ vì lãi suất quá cao", ông Hùng cho biết.
Ngoài ra, tại các tỉnh, nhất là địa bàn có khu công nghiệp tập trung đông công nhân lao động nở rộ hoạt động của các công ty cung cấp dịch vụ tài chính, hiệu cầm đồ do Sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh, thành phố cấp phép, tuy nhiên công tác quản lý nhà nước đối với loại hình này chưa chặt chẽ, dễ dẫn tới các công ty này biến tướng thành các hoạt động cho vay nặng lãi, trong khi người dân lầm tưởng đây là hoạt động tài chính do NHNN cấp phép.
Theo ông Trần Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông, tỉnh Đăk Nông có địa hình rộng khắp, dân cư thưa thớt, tập trung tại các huyện vùng sâu, vùng xa, đời sống nhân dân ngày càng phát triển, nhu cầu tín dụng tiêu dùng là rất lớn và ngày càng tăng cao. Trong khi đó, người dân lại hạn chế về trình độ nhận thức, tâm lý ngại tiếp xúc với ngân hàng do sợ thủ tục phức tạp nên tìm đến tín dụng đen.
Trình độ hạn chế, nhiều người dân Tây Nguyên vẫn tìm đến tín dụng đen vì ngại tiếp xúc với ngân hàng
Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian gần đây, dịch bệnh cây trồng đang lan rộng (đặc biệt là cây hồ tiêu), gây thiệt hại lớn cho người dân. Trong khi đó, đa số các vườn, rẫy tiêu là tài sản thế chấp tại các ngân hàng, giá cả sản phẩm nông sản trên địa bàn không ổn định và xu hướng giảm xuống thấp gây khó khăn đến hoạt động cho vay của các ngân hàng
Đáng chú ý, một bộ phận dân cư có nguồn tiền nhàn rỗi lớn, có tâm lý hám lợi nên đã trực tiếp cho vay dưới dạng tín dụng đen hoặc tham gia với vai trò trung gian (huy động vốn của người thân, gia đình, bạn bè cho vay lại dưới hình thức tín dụng đen để hưởng lãi suất cao hơn) gây rủi ro lớn.
Đặc biệt, một số thành phần thanh thiếu niên xuống cấp về đạo đức, lười lao động, bỏ học sớm, ăn chơi, tham gia các tệ nạn xã hội như cờ bạc, cá độ bóng đá, ma túy, điện tử…do đó không thể tiếp cận nguồn tiền hợp pháp nên tìm đến tín dụng đen.
Kiến nghị, đề xuất của các ngân hàng thương mại (NHTM)
Từ thực tế trên, thời gian qua, NHNN liên tiếp chỉ đạo các NHTM tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa…
Triển khai các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen theo chỉ đạo của NHNN tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 08.01.2019. Các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của tất cả các phân khúc khách hàng từ món vay giá trị lớn đến món vay tiêu dùng nhỏ lẻ (tối thiểu 2 triệu đồng) thông qua các hình thức cho vay trả góp tại các siêu thị, cửa hàng điện máy, mở thẻ tín dụng, thấu chi qua tài khoản, cho vay tiền mặt,… với sự tham gia của tất cả các loại hình TCTD (NHTM, CTTC, Quỹ TDND, NHCSXH và TCTC vi mô).
Nhiều TCTD đã đa dạng hóa cách thức tiếp cận khách hàng để mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…), các tổ chức công đoàn, bộ phận nhân sự của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, Agribank đã tích cực triển khai Chương trình tín dụng tiêu dùng quy mô khoảng 5.000 tỷ đồng, món vay tiêu dùng tối đa 30 triệu đồng, thủ tục xét duyệt, giải ngân trong ngày. NHCSXH đã nâng mức cho vay tối đa từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay không phải đảm bảo tiền vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi và kéo dài thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng đối với hộ nghèo…
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, riêng năm 2018 ngân hàng dành 700 nghìn tỷ, chiếm 70% tín dụng ngân hàng cho vay khách hàng cá nhân, thường xuyên cải tiến thủ tục cho vay đối tượng khách hàng này.
Tuy vậy, trong quá trình triển khai, các NHTM cũng gặp khó khăn về nguồn vốn, lãi suất. “Về lãi suất cho vay, tài sản bảo đảm đối với khách hàng có nhu cầu vay vốn phục vụ đời sống, tiêu dùng hợp pháp và các nhu cầu cấp thiết (khám chữa bệnh, hiếu, hỷ…), NHNN cần hướng dẫn rõ hơn về lãi suất cho vay đối với các nhu cầu vay vốn nói trên, điều kiện đối với khách hàng trong trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm cũng như cơ chế xử lý rủi ro đối với các khoản vay đó”, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank, nêu đề xuất.
Để góp phần hạn chế tín dụng đen nhất là tại địa bàn nông thôn, một mình ngành ngân hàng không thể giải quyết được nếu không có sự tham gia đồng bộ của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để đạt được hiệu quả cao nhất nhằm ngăn chặn tín dụng đen. Do đó, NHNN đề xuất, về phía Bộ Công an, cần tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm minh đối tượng tín dụng đen bất hợp pháp các tổ chức đòi nợ thuê tín dụng đen, thông qua lực lượng Công an cơ sở tổ chức tuyên truyền để người dân hiểu rõ tác hại tín dụng đen.
"Bên cạnh đó, ngành công an cần phối hợp với chính quyền các cấp quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức cho vay tài chính, các cơ sở hiệu cầm đồ do Sở Kế hoạch & Đầu tư của địa phương cấp giấy phép; Cần đề xuất sửa đổi Bộ luật hình sự, xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn", ông Hùng cho biết.
Đẩy lùi tín dụng đen: Đã tới lúc phải có thị trường cho vay thực sự
Tín dụng đen không phải chuyện mới, thậm chí rất cũ thế nhưng, mỗi vụ giết người, tra tấn… khiến dư luận rúng động nhất ... |
Tín dụng đen là tổ chức tội ác
Một thượng tá quân đội ở Cần Thơ treo cổ tự tử tại trụ sở cơ quan, vợ cũng tìm đến cái chết như chồng, ... |
Băng nhóm tín dụng đen gần 10 thành viên bị bắt giữ
Một nhóm gần chục người tại Đồng Nai vừa bị bắt giữ cùng với các tang vật để làm rõ hành vi cho vay nặng ... |
Tín dụng đen liên quan các băng nhóm tội phạm gốc Bắc
Hoạt động tín dụng đen gắn liền với tội phạm có tổ chức, một số đường dây có dấu hiệu được cán bộ ngân hàng ... |