Hơn 100.000 người đón chào Tổng thống Trump tại sân vận động cricket lớn nhất thế giới hôm 24/2, hứa hẹn về một thỏa thuận và những lô vũ khí tốt nhất, lớn nhất trong chuyến công du kéo dài 2 ngày của nhà lãnh đạo Mỹ.
Chiều 24/2, người Ấn Độ đội những tấm bìa cứng hóa trang thành Tổng thống Trump khi ông đặt chân tới sân vận động Motera ở Ahmedabad, thành phố lớn nhất ở bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Narendra Modi.
"Ông đã rất trân trọng đất nước chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhớ mãi, từ nay trở đi, Ấn Độ sẽ luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim chúng tôi. Sau khi chúng tôi tiếp tục xây dựng hợp tác quốc phòng, Mỹ muốn cung cấp cho Ấn Độ một số thiết bị quân sự tốt nhất, đáng sợ nhất trên hành tinh", ông Trump nói giữa những tràng pháo tay rền vang như sấm.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết 2 nước hôm 25/2 sẽ ký thỏa thuận cung cấp các phi đội trực thăng quân sự trị giá 3 tỷ USD đưa Mỹ trở thành đối tác quốc phòng hàng đầu của Ấn Độ.
Tổng thống Trump bắt tay Thủ tướng Modi. (Ảnh: Reuters) |
Trong bài phát biểu tại đất khách, ông Trump không quên nêu ra các thành tựu đạt được của mình tại Nhà Trắng trước khi nhấn mạnh chuyến công du này của ông nhằm mở rộng quan hệ hợp tác về sức mạnh và tiềm năng đáng kinh ngạc giữa hai nước.
Tổng thốngTrump cho biết ông và Thủ tướng Modi sẽ có các cuộc thảo luận về quan hệ đối tác mạnh mẽ và công bằng để xây dựng một thế giới an toàn hơn và thịnh vượng hơn.
Về phần mình, ông Modi cho rằng quan hệ Ấn- Mỹ đã không còn là mối quan hệ đối tác thuần túy mà sâu rộng và thân thiết hơn rất nhiều. Nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng nhấn mạnh cả hai quốc gia cùng chia sẻ rất nhiều giá trị và ý tưởng.
"Chuyến thăm của Tổng thống Trump mở ra một chương mới trong mối quan hệ của chúng tôi, một chương ghi lại sự tiến bộ và thịnh vượng của người dân Mỹ và Ấn Độ", Modi ông nói.
Trước chuyến công du của Tổng thống Trump, cả Mỹ và Ấn Độ đều chưa giải quyết triệt để tranh chấp thương mại giữa 2 bên, với những bất đồng về nông nghiệp, thiết bị y tế, thương mại kỹ thuật số và đề xuất thuế quan mới. Ông Trump từng nhiều lần chỉ trích New Delhi về các khoản thuế cao mà Ấn Độ áp lên hàng hóa Mỹ.
Hồi tháng 6/2019, Mỹ chấm dứt chương trình ưu đãi thương mại đối với Ấn Độ trong khuôn khổ chương trình Ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Động thái này được đưa ra chưa đầy nửa tháng sau khi ông Modi tuyên thệ nhậm chức sau chiến thắng nhiệm kỳ thứ 2.
Washington và New Delhi cũng có những bất đồng liên quan tới thương vụ Ấn Độ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga tháng 10/2018, hành động từng khiến Mỹ hết sức giận dữ. Ngoài ra, Ấn Độ Mỹ và Mỹ cũng chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề dầu thô Iran. Mỹ từng đe dọa áp đặt trừng phạt Ấn Độ nếu nước này mua dầu từ Iran, tuy nhiên New Delhi cho tới nay vẫn chưa đưa ra quyết định về vấn đề này.
Bất chấp những rào cản đó, Tổng thống Trump khẳng định 2 nước sẽ tạo ra thỏa thuận lớn nhất từng được thực hiện, dù thừa nhận ông Modi là một nhà đàm phán hết sức cứng rắn.
"Chúng tôi đang trong giai đoạn đầu thảo luận về một thỏa thuận thương mại đáng kinh ngạc để giảm bớt rào cản đầu tư giữa 2 nước. Tôi lạc quan tin rằng, Thủ tướng Modi và tôi có thể đạt được một thỏa thuận tuyệt vời, tốt đẹp cho cả 2 nước", Trump cho hay.
Mặc dù vậy, các chuyên gia tin rằng một thỏa thuận thương mại trên diện rộng là một điều khó khả thi. Thay vào đó, 2 bên có thể tiến tới ký kết các thỏa thuận nhỏ hơn bao gồm liên quan tới xe Harley-Davidson và các sản phẩm sữa của Mỹ.
"Nhưng ngay cả một thỏa thuận thương mại với quy mô hạn chế cũng sẽ một tín hiệu quan trọng với ngành công nghiệp ở cả hai quốc gia, cho thấy Mỹ và Ấn Độ nghiêm túc trong mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương và họ có thể vượt qua những khác biệt", Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Ấn Độ (USIBC), bà Nisha Biswal nhận định.
2 bên cũng dự kiến sẽ ký một số thỏa thuận quốc phòng và thảo luận về việc cung cấp 6 lò phản ứng hạt nhân. Đây được cho là tín hiệu làm tan băng tạm thời sau khi New Delhi chọc giận Mỹ vì thỏa thuận mua S-400 của Nga.
2 ngày lưu lại tại Ấn Độ đánh dấu chuyến công du tới Ấn Độ đầu tiên của Tổng thống Trump kể từ khi ông lên nắm quyền. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Trump xung đột với câu thần chú "Make in India" của Thủ tướng Modi.
Các quan chức Mỹ mô tả chuyến đi lần này của Tổng thống Trump là một cách để chống lại Trung Quốc như một siêu cường. Nó cho thấy Washington đang tiếp tục xích lại gần New Delhi không chỉ nhằm mục đích kìm hãm Bắc Kinh phát triển, mà còn để ngăn bất kỳ sự hợp tác Trung-Ấn nào có thể ảnh hưởng vị thế của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Bản thân Ấn Độ cũng muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ để đối trọng lại Trung Quốc, đồng thời tạo những tiền đề để giải quyết các thức thức trong tiểu lục địa Ấn Độ, nổi bật là những tranh chấp với Pakistan.
Chuyên đi của Tổng thống Trump cũng được xem là một cú mở điểm của ông trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Mục tiêu của nhà lãnh đạo Mỹ là tô đậm hình ảnh một Tổng thống được hoan nghênh trên toàn thế giới. Ở Ấn Độ, mục tiêu này ban đầu được hoàn thành khi hàng trăm nghìn người chào đón ông.
Bản thân ông Trump cũng đang tìm cách thu hút các lá phiếu trong số 4,5 triệu người cử tri Mỹ gốc Ấn. Nhóm cử tri này không quá nhiều nhưng là một lực lượng chính trị đang lên ở Mỹ và họ có xu hướng chọn đảng Dân chủ. Năm 2016, chỉ có 16% người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho cựu ứng viên đảng Cộng hòa.
"Biển người" Ấn Độ chào đón ông Trump
Hàng chục nghìn người Ấn Độ hôm nay (24/2) đã tập trung trong một sân vận động ở phía tây nước này để chào đón ... |