Kỳ vọng chấm dứt dịch truyền nhiễm nguy hiểm trong năm 2023

Y tế thế giới sắp bước sang năm mới 2023 với hy vọng vượt qua những thách thức nghiêm trọng “dịch chồng dịch” trong năm 2022 này để có thể chấm dứt các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã phải ban bố tình trạng tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu để ứng phó, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ.

Là quốc gia thi hành chính sách không Covid nhưng Trung Quốc hiện đang dần nới lỏng các chính sách phòng chống đại dịch này

“Dịch chồng dịch” trên thế giới

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21-12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nêu những lý do để kỳ vọng vào năm 2023 sau một năm thế giới trải qua nhiều thách thức về y tế.

Trong năm 2022, đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành khắp thế giới dù đã sang năm thứ ba, nhiều nước trên thế giới còn phải gánh chịu các đợt bùng phát bệnh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như đậu mùa khỉ, dịch tả và dịch Ebola. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc WHO, đại dịch Covid-19 đang trên đà suy yếu, cũng như dịch bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu và tại Uganda đã không ghi nhận ca mắc mới bệnh Ebola nào trong hơn 3 tuần qua. Do vậy, người đứng đầu WHO bày tỏ hy vọng tổ chức này có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với các dịch bệnh trên vào những thời điểm khác nhau trong năm 2023.

Có thể nói, thế giới đang sắp khép lại năm 2022, năm mà nhân loại phải đối mặt với mối đe dọa “dịch chồng dịch” hiếm thấy khi đồng thời xuất hiện nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cùng một lúc. Trong đó nguy hiểm nhất là đại dịch Covid-19 đã hoành hành suốt gần 3 năm qua và bệnh đậu mùa khỉ.

Năm 2022 được xem là năm của “cơn sóng thần” Omicron và các biến thể phụ. Xuất hiện cuối năm 2021, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh Covid-19 nhanh chóng trở thành biến thể chủ đạo trên khắp thế giới. Khả năng lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron khiến nước Mỹ, ngay trong những ngày đầu Năm mới 2022, đã phải hứng chịu một “kỷ lục buồn” với hơn 1 triệu ca mắc mới trong ngày 3-1, số ca mắc theo ngày cao chưa từng có không chỉ ở Mỹ mà cả thế giới. Cùng với sự xuất hiện các dòng phụ của biến thể Omicron, trong đó có “Omicron tàng hình” BA.2, những làn sóng lây nhiễm mới đã tấn công các nước châu Âu, châu Á, châu Phi.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mới đây cảnh báo, hiện nay có hơn 500 dòng phụ của biến thể Omicron đang lưu hành. Tất cả các dòng phụ này có thể dễ dàng vượt qua hệ miễn dịch, dù chúng có xu hướng ít gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn so với các dòng phụ trước đó. Biến thể phụ của Omicron cho thấy virus SARS-CoV-2 không ngừng thay đổi. Bằng chứng là Omicron đã tạo ra biến thể phụ BA.2.12.1 được đánh giá có khả năng lây lan cao hơn khoảng 25% so với biến thể phụ BA.2. Hiện nhiều nước như Pháp, Ðức, Italia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... đang đối diện nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại khi số ca mắc mới tăng mạnh những ngày qua.

Cùng với đại dịch Covid-19, thế giới cũng phải đối phó với sự lan rộng của bệnh đậu mùa khỉ, đặc biệt mối đe dọa của dịch bệnh ở mức cao đối với Mỹ và châu Âu.

Làm gì để chấm dứt đại dịch?

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tỏ ra lạc quan vào thời điểm sắp bước sang năm mới 2023 khi nêu rõ đại dịch Covid-19 đang trên đà suy yếu, cũng như dịch bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu và tại Uganda đã không ghi nhận ca mắc mới bệnh Ebola nào trong hơn 3 tuần qua. Do vậy, ông bày tỏ hy vọng WHO có thể tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp đối với các dịch bệnh trên vào những thời điểm khác nhau trong năm 2023.

Theo người đứng đầu WHO, số ca tử vong do Covid-19 được báo cáo hàng tuần trên toàn thế giới đã giảm gần 90% kể từ mức đỉnh của cuối tháng 1-2022, thời điểm biến thể Omicron hoành hành. Nguyên nhân quan trọng hàng đầu, theo WHO, ước tính ít nhất 90% dân số toàn cầu hiện nay đã có mức độ miễn dịch nhất định với virus SARS-CoV-2 nhờ tiêm vaccine hoặc đã mắc bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc WHO cảnh báo, giai đoạn khẩn cấp của đại dịch hiện vẫn chưa kết thúc khi sự mất cảnh giác trong công tác giám sát, xét nghiệm, giải trình tự gene và tiêm chủng đang tiếp tục tạo điều kiện cho những biến thể mới đáng lo ngại xuất hiện, thậm chí vượt qua cả Omicron. Đồng thời, những diễn biến các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong năm 2022 cho thấy Covid-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt. Trong 2 năm qua, thế giới đã phải đối mặt với nguy cơ “dịch chồng dịch” nên WHO đang nỗ lực thúc đẩy một hiệp ước quốc tế mới liên quan cách thức ứng phó với các đại dịch trong tương lai, mang tên “Hiệp ước đại dịch” dựa trên những nguyên tắc về đoàn kết, minh bạch, trách nhiệm giải trình và công bằng, làm cơ sở pháp lý để các quốc gia cùng chung tay phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người dân trên thế giới.

Phải trải qua những mất mát, tổn thất to lớn do đại dịch Covid-19, thế giới đã ý thức việc đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, đang tiến hành nhiều việc làm để tránh lặp lại những sai lầm trước đây. Các tổ chức lớn trên thế giới đều đang chú trọng công tác chuẩn bị để sẵn sàng cho trường hợp y tế khẩn cấp tiếp theo. Đại diện của 194 nước thành viên thuộc WHO mới đây đã nhất trí thảo luận về dự thảo thỏa thuận toàn cầu nhằm đối phó tốt hơn với đại dịch vào tháng 2-2023.

Trong khi đó, ban điều hành Quỹ đại dịch - do Ngân hàng Thế giới (WB) khởi xướng và được Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) triển khai tháng trước - cho biết đang chuẩn bị cho lần gây quỹ đầu tiên với mức cam kết 1,6 tỷ USD. Liên minh Đổi mới Sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) cũng lên một kế hoạch 5 năm, trị giá 3,5 tỷ USD với tên gọi “Nhiệm vụ 100 ngày”. CEPI đặt mục tiêu phát triển 1 loại vaccine mới chống lại “căn bệnh X” (tức một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tiềm) tiềm ẩn trong 100 ngày kể từ khi WHO xác định mối nguy đại dịch. Kế hoạch này bao gồm việc kết nối các viện khác nhau tập trung vào việc chuẩn bị cho đại dịch như BARDA của Mỹ, HERA của Liên minh châu Âu (EU), SCARDA của Nhật Bản...

Nhằm góp phần vào những nỗ lực nhằm sớm chấm dứt các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là 2 dịch bệnh mà WHO đã ban hành tình trạng khẩn cấp toàn cầu, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã xác định 5 ưu tiên cho cơ quan y tế các nước trong năm 2023. Đó là tập trung vào nâng cao sức khỏe và phòng ngừa dịch bệnh bằng cách chuyển từ chăm sóc bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe; tăng cường bao phủ y tế toàn dân, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu; tăng cường chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, khoa học và công nghệ; và tiếp tục cải tổ WHO. Người đứng đầu tổ chức y tế lớn nhất thế giới cũng nhấn mạnh, cam kết chính trị của các nhà lãnh đạo đất nước là rất quan trọng vì tất cả 5 ưu tiên này cần được thực hiện ở cấp quốc gia.

https://www.anninhthudo.vn/ky-vong-cham-dut-dich-truyen-nhiem-nguy-hiem-trong-nam-2023-post526759.antd

Hoàng Tuấn / ANTĐ