Cách đây 40 năm, năm 1984 có thể nói là thời điểm trọng đại với ngành Dầu khí Việt Nam. 20h ngày 30/4/1984, đúng 9 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhain Mirchink phát hiện thấy tầng dầu. Và chỉ 26 ngày sau, 21h ngày 26/5/1984, tầng dầu này được xác định là tầng dầu công nghiệp. Ngọn lửa dầu lần đầu tiên bùng cháy trên biển ngoài khơi Vũng Tàu, báo tin vui cho cả nước.
Sau khi Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro được thành lập ở Vũng Tàu, hoạt động xây dựng căn cứ trên bờ được đẩy mạnh. Sau 5 năm xây dựng cơ sở vật chất ban đầu trên những bãi sú vẹt Vũng Tàu, Vietsovpetro đã tìm lại được vị trí của cấu tạo Bạch Hổ. Sau 3 năm chuẩn bị, ngày 25/12/1983, tàu Mikhain Mirchin được đưa từ Biển Đông Sibêri sang, đã khoan giếng thăm dò BH-5 đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ.
Tàu Mikhain Mirchin thử vỉa tại giếng BH-5, mỏ Bạch Hổ. (Ảnh tư liệu)
Tiến sĩ Đặng Của (nguyên Liên đoàn phó Liên đoàn 36, nguyên Giám đốc Công ty Petrovietnam 2, nguyên Phó Tổng Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro), người chỉ huy cao nhất về khoan của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro thời đó kể lại, quãng thời gian 150 ngày đêm sau đó, Mikhain Mirchin đã phải chịu những thử thách lớn của một vùng biển nhiệt đới mà họ chưa từng gặp.
Những đợt sóng cao 8m, những luồng gió mạnh 25 mét/giây liên tục ào ào xô đến như muốn quật đổ cái tháp khoan bằng thép cao bằng một tòa nhà chín tầng sừng sững mọc lên giữa biển. Hệ thống neo thủy lực cực mạnh giằng co với sóng gió để giữ cho tàu khoan cố định, bảo đảm mọi hoạt động bình thường của con tàu. Cả một hệ thống cơ khí phức tạp điều khiển mũi khoan kim cương xuyên vào lòng đất. Lỗ khoan tiến tới đâu thì những ống thép tiến theo tới đó để giữ cho thành giếng khỏi sụt lở. Và một dòng dung dịch chứa nước, sét, hóa chất được điều khiển luân chuyển tuần hoàn giữa miệng giếng và đáy giếng để vận chuyển đất đá bị mũi khoan nghiền nát lên mặt đất đồng thời giữ cho mũi khoan được mát trong quá trình khoan.
Gần hai tháng hoạt động liên tục như thế với biết bao khắc khoải, lo âu về những sự cố có thể xảy ra. Cuối cùng một lỗ thẳng đứng sâu trên 3000m đã chạm vào tầng đá được dự báo chứa dầu. Lại đến lúc phải lo đối phó với hiện tượng dầu khí phun bằng một hệ thống van an toàn vì áp suất của vỉa chứa sản phẩm rất lớn, chỉ cần một sơ suất thì một vụ nổ cực mạnh sẽ đẩy tất cả thiết bị, máy móc, tàu khoan lên cao, nát vụn trong chốc lát. Từ đây các kỹ sư khoan phải tập trung trí tuệ, sức lực, điểu khiển mũi khoan nghiến từng tấc đá đúng với quy trình kỹ thuật cho đến khi cắt hết tầng chứa dầu. Sau đó là đo các tham số vật lý trong giếng để biết chính xác nơi nào có dầu khí. Tiếp theo là dùng đạn chuyên dụng bắn vào thành giếng, mở đường cho dòng dầu khí tự phun lên mặt đất nhờ sự chênh lệch áp suất giữa khí quyển và tầng chứa sản phẩm.
Trong những ngày sóng to, gió lớn, bản thân Tổng Cục trưởng Nguyễn Hòa và Tổng Cục phó Phan Tử Quang, đã ra tận tàu khoan trực tiếp đôn đốc và động viên anh em cán bộ, công nhân. Tàu khoan và các giàn khoan ra được thềm lục địa là kết quả của sự kế tiếp những công việc thầm lặng mấy năm trước không chỉ riêng đội ngũ kỹ thuật, ở phía sau là một đội ngũ những người làm công việc gián tiếp – đội quân thầm lặng của đội quân thầm lặng, đã đóng góp hết sức mình vì sự nghiệp dầu khí. Tất cả đã góp bàn tay lao động và khối óc sáng tạo của mình để rút ngắn thời gian, mong sớm được đón nhận tin vui đầu tiên từ thềm lục địa.
Ngọn lửa dầu khí được đốt lên trên tàu khoan M. Mirchink (Đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 10/6/1984)
Kể lại khoảnh khắc lịch sử năm 1984, TS. Đặng Của đã cho chúng tôi xem bức thư báo cáo gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Hòa năm xưa, mà ông vẫn còn lưu giữ lại như một kỷ vật.
“Ngày 29/4/1984, hồi 19h15 có cơn mưa lớn và gió mạnh đột ngột lên đến 28 nốt. Do đột ngột, hệ thống neo động học báo ngừng khoan và phải kéo lên…
Ngày 27/4, khoan mở rộng thành đoạn khoan lấy mẫu…
Ngày 28/4, sau khi thả bộ ống mẫu đến đáy và bắt đầu khoan hồi 11h40’, khoan trong khoảng chiều sâu 2796,30 - 2811,20 - lấy được 12,9m mẫu đạt 86,6%…
Ngày 30 tháng 4 năm 1984, kéo mẫu lên hồi 20h00’…” các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhain Mirchin đã phát hiện thấy tầng dầu, đúng 9 năm sau ngày giải phóng miền Nam.
Và thời khắc 21h ngày 26/5/1984 cũng đến. Tầng dầu này chính thức được xác định là tầng dầu công nghiệp. Ngọn đuốc đầu tiên đã bùng cháy ngoài khơi biển Vũng Tàu, báo tin vui cho cả nước.
“Tôi cầm mẫu dầu mà tôi run, rất run, mừng quá. Cuộc đời đi tìm dầu đây rồi, dầu cứ rỉ chảy, mừng quá, run người… Dầu bùng lên sáng cả Biển Đông, tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam có dầu”, ông Đặng Của rưng rưng xúc động như chợt quay về đúng ngay thời khắc lịch sử ấy.
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh cùng với cán bộ lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và ngành Dầu khí vui mừng chào đón dòng dầu đầu tiên trên tàu khoan Mikhain Mirchin (năm 1984).
Việt Nam có dầu! Đất nước có dầu! Tin vui đó truyền đi rất nhanh, tạo ra không khí vui mừng phấn khởi không chỉ cho những người làm dầu khí, cho nhân dân Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, mà còn đối với nhân dân cả nước.
Ngày 3/6/1984, lễ mừng tìm thấy dầu tại thềm lục địa được tổ chức long trọng tại thành phố Vũng Tàu, tưng bừng như một ngày hội lớn với sự có mặt của đại diện Chính phủ Việt Nam, các ban, ngành Trung ương và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, đông đảo chuyên gia, công nhân dầu khí Việt Nam - Liên Xô tại Vũng Tàu.
Ngọn lửa đốt lên tại buổi lễ, từ dòng dầu đầu tiên là ngọn lửa rực sáng niềm tin ở triển vọng tương lai, báo hiệu sự mở đầu cho những kết quả tiếp theo của sự nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Nam Việt Nam.
Liên tục sau đó mỏ Rồng được phát hiện vào ngày 21/6/1985 và mỏ Đại Hùng được phát hiện vào ngày 18/7/1988, tiếp tục mở ra những giai đoạn mới cho sự phát triển của ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam.
Thấm thoắt đã 40 năm.
40 năm sau ngày phát hiện tầng dầu công nghiệp đầu tiên tại mỏ Bạch Hổ, Liên doanh Vietsovpetro tiếp tục đón mừng một sự kiện quan trọng trong lịch sử phát triển của mình: khai thác thành công tấn dầu thứ 250 triệu (vào lúc 18h18' ngày 15/5/2024). Đây là thành quả to lớn, công lao đóng góp của nhiều thế hệ người lao động Vietsovpetro trong suốt gần 43 năm xây dựng và phát triển.
Thực hiện mong ước của Bác Hồ, bằng ý chí, nghị lực và trí tuệ, những người tìm lửa đã viết nên những trang sử hào hùng của ngành Dầu khí Việt Nam, xây dựng ngành Dầu khí trở thành công nghiệp mũi nhọn hàng đầu của đất nước, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
https://pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/0b120773-8ac0-4a1c-8d2d-b5396a787c4d