Khủng hoảng "nhấn chìm" Tổng thống Bolivia

Khi người dân Bolivia đi bầu cử ngày 20/10, Tổng thống Evo Morales có lẽ không nghĩ rằng ông sẽ phải rời ghế sau gần 14 năm. 

Đối thủ ngang sức duy nhất của Morales là người theo chủ trương trung lập Carlos Mesa, giữ chức tổng thống Bolivia năm 2003 - 2005. Vài giờ sau khi kết thúc bỏ phiếu, kết quả kiểm sơ bộ 84% số phiếu cho thấy Morales giành được 45% còn Mesa giành được 38%.

khung hoang nhan chim tong thong bolivia
Tổng thống Bolivia Evo Morales tại Tiwanaku tháng 1/2010. Ảnh: AFP.

Người chiến thắng chỉ được quyết định nếu số phiếu giữa hai ứng viên chênh lệch nhau 10%. Nếu không, họ sẽ phải bước vào vòng thứ hai. Morales đã giành chiến thắng ở vòng đầu tiên trong tất cả cuộc bầu cử trước đó.

Trong đêm 20/10, việc công bố kết quả chính thức bị đình trệ một cách khó hiểu. Ngày 21/10, các nhà quan sát quốc tế yêu cầu làm rõ vấn đề còn Mesa cáo buộc Morales gian lận để tránh đối đầu trong vòng hai. Người ủng hộ phe đối lập biểu tình bên ngoài các trung tâm kiểm phiếu chính ở thủ đô La Paz và các thành phố khác.

Cuối ngày 21/10, cơ quan bầu cử công bố kết quả kiểm 95% số phiếu cho thấy Morales đang tiến tới một chiến thắng hoàn toàn, tức là không cần tổ chức vòng hai. Trong khi đó, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), cơ quan 35 thành viên có mục tiêu thắt chặt quan hệ giữa các nước châu Mỹ, bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc và bất ngờ trước sự thay đổi mạnh mẽ và khó giải thích". Mesa cáo buộc Morales gian lận kết quả kiểm phiếu.

Bạo lực bùng phát tại các cuộc biểu tình ở một số thành phố. Các văn phòng bầu cử tại Sucre và Potosi bị phá hoại, trong khi đám đông hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ đụng độ ở La Paz.

Ngày 22/10, các nhóm đối lập kêu gọi đình công toàn quốc từ nửa đêm "cho đến khi nền dân chủ và nguyện vọng của người dân được tôn trọng". Phó chủ tịch của Toà án Bầu cử Tối cao Bolivia (cơ quan giám sát cuộc bầu cử) từ chức và chỉ trích điều ông gọi "quản lý sai việc kiểm phiếu". Người biểu tình và lực lượng an ninh tiếp tục đụng độ ở La Paz.

Morales ví cuộc đình công với một cuộc "đảo chính cánh hữu". Trong khi đó, Mesa kêu gọi người ủng hộ đẩy mạnh biểu tình và khẳng định "vòng bầu cử thứ hai phải diễn ra". Ông tuyên bố không công nhận kết quả được tòa án đưa ra, với cáo buộc rằng số phiếu đã bị thao túng để giúp Morales giành chiến thắng. Ngày 23/10, đụng độ nổ ra giữa những người biểu tình và phe ủng hộ chính phủ ở Santa Cruz, nơi các văn phòng bầu cử bị phóng hỏa.

Ngày 24/10, Morales tuyên bố ông đã chiến thắng hoàn toàn. Vào buổi tối, cơ quan bầu cử đưa ra kết quả chung cuộc: Morales giành được 47,08% phiếu bầu còn Mesa giành được 36,52%.

Trong khi đó, phe đối lập, EU, Mỹ, OAS, Argentina, Brazil và Colombia thúc giục Bolivia tổ chức vòng thứ hai. Đụng độ giữa các nhóm biểu tình tiếp tục diễn ra, nhiều đường phố bị chặn.

Ngày 27/10, Morales nói rằng sẽ không có "đàm phán chính trị" và cáo buộc đối thủ chuẩn bị một "cuộc đảo chính". Khoảng 30 người bị thương trong các cuộc đụng độ tại La Paz, Cochabamba và Santa Cruz. Ngày 29/10, chính phủ mời Mesa tham gia cuộc kiểm toán kết quả bầu cử do OAS thực hiện.

Một lãnh đạo phe đối lập thề sẽ "hất cẳng" Morales và kêu gọi quân đội hỗ trợ vào ngày 3/11. Ba ngày sau, một sinh viên thiệt mạng trong cuộc biểu tình, tổng số người chết trong khủng hoảng chính trị Bolivia là ba người.

Ngày 8/11, cảnh sát tại ít nhất ba thành phố của Bolivia đứng về phía phe đối lập, một số còn diễu hành cùng người biểu tình.

OAS thông báo họ phát hiện nhiều điểm bất thường khi phân tích cuộc bầu cử vào ngày 10/11. Morales kêu gọi tổ chức bầu cử mới nhưng đã quá muộn. Hai bộ trưởng và chủ tịch quốc hội từ chức sau khi nhà của họ bị người ủng hộ phe đối lập tấn công. Các chỉ huy lực lượng vũ trang và cảnh sát kêu gọi Morales rời ghế.

Ngày 10/11, Morales tuyên bố từ chức sau gần 14 năm nắm quyền. Ông tại vị từ năm 2006 trong sự trỗi dậy của "thủy triều hồng" - xu hướng một loạt tổng thống cánh tả đắc cử hoặc củng cố quyền lực tại Mỹ Latin. Tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo này giờ đây đã rời ghế hoặc đối mặt với áp lực kinh tế và chính trị lớn, tiêu biểu là Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Với sự ra đi của Morales, phe cánh tả ở Mỹ Latin mất đi một người thúc đẩy tư tưởng chống Mỹ, vốn đang bùng lên khi Tổng thống ủng hộ toàn cầu hóa của Chile Sebastian Pinera đối mặt làn sóng biểu tình kéo dài. "Về mặt chính trị, ông ấy là người có ảnh hưởng lớn", Eduardo Gamarra, học giả tại Đại học Quốc tế Florida, nói.

Trong bài phát biểu chia tay, Morales cáo buộc phe đối lập đã thực hiện "cuộc đảo chính dân sự" chống lại mình. Morales khẳng định mặc dù ông từ chức, đây không phải là kết thúc.

"Tôi muốn nói với các anh chị em, cuộc chiến không kết thúc ở đây, những người khiêm nhường, nghèo khổ, các thành phần xã hội, những chuyên gia yêu nước, chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiến vì bình đẳng và vì hòa bình", ông nói.

Phương Vũ (Theo AFP/Reuters)

khung hoang nhan chim tong thong bolivia Mexico muốn cho cựu tổng thống Bolivia tị nạn

Ngoại trưởng Mexico cho biết đại sứ quán nước này tại Bolivia sẵn sàng cho phép tổng thống Morales tị nạn sau khi ông tuyên ...

khung hoang nhan chim tong thong bolivia Trực thăng chở Tổng thống Bolivia hạ cánh khẩn

Trực thăng EC-145 chở Tổng thống Evo Morales gặp trục trặc ở đuôi, phải đáp khẩn cấp ngay sau khi cất cánh từ một ngôi ...

khung hoang nhan chim tong thong bolivia Bầu cử Tổng thống Bolivia: ông Morales áp đảo ngay trong vòng 1

Ông Morales đã tuyên bố chiến thắng và cho rằng số phiếu chưa kiểm còn lại sẽ đủ để cho ông giành được nhiệm kỳ ...

/ vnexpress.net