Khủng hoảng năng lượng “châm ngòi” cho bất ổn ở châu Âu

Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng và chưa thấy hướng ra đang có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng khác trầm trọng không kém ở châu Âu khi bắt đầu xuất hiện những bất ổn chính trị khiến các quốc gia ở cựu lục địa đều cảm thấy bất an.

Hơn 100 nghìn người mít tinh tuần hành ở Thủ đô Praha của Cộng hòa Czech để phản đối giá năng lượng tăng cao

Giá nhiên liệu tăng, đời sống đi xuống

Việc khí đốt, mặt hàng nhiêu liệu mang tính sống còn với nền kinh tế và người dân châu Âu, không chỉ khan hiếm mà giá ngày càng gia tăng, đang tác động sâu rộng tới không chỉ lĩnh vực kinh tế mà còn cả lĩnh vực xã hội, chính trị ở châu lục này. Trong động thái lo ngại mới nhất, cả châu Âu dõi theo với sự quan tâm sâu sắc cuộc mít-tinh, tuần hành với sự tham gia của hơn 100.000 người dân CH Czech tại Quảng trường Wenceslas ở Thủ đô Praha ngày 3-9 vừa qua để phản đối giá năng lượng tăng cao và yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Petr Fiala từ chức.

Đây là cuộc biểu tình phản đối chính phủ có quy mô lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Petr Fiala nắm quyền lãnh đạo và cũng là cuộc biểu tình lớn nhất tại châu Âu từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng để phản đối giá năng lượng tăng cao cùng lạm phát phi mã. Đại diện đoàn người tham gia tuần hành, gồm các chính trị gia, nhà khoa học và nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội ở CH Czech, đã đổ lỗi cho Chính phủ về cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng. Họ yêu cầu các thành viên Nội các phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra và nhấn mạnh cần tổ chức bầu cử quốc hội sớm ở nước này. Đáng chú ý, đại diện những người tuần hành kêu gọi đàm phán ngay lập tức với Nga để ký kết các hợp đồng cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga sang CH Czech.

Trước CH Czech, cuộc khủng hoảng năng lượng với giá khí đốt tăng cao kỷ lục đã dẫn tới những bất ổn trên chính trường nhiều quốc gia châu Âu. Thủ tướng Italy Mario Draghi ngày 21-7 vừa đệ đơn từ chức sau khi không nhận được sự ủng hộ của Phong trào 5 Sao (M5S) - đảng chủ chốt trong liên minh cầm quyền, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do giá năng lượng tăng và lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Cuộc mít-tinh, tuần hành với sự tham gia của hơn 100.000 người ở CH Czech gây chấn động không chỉ tại nước này mà nhiều quốc gia châu Âu khác. CH Czech hiện là quốc gia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU). Trước cuộc tuần hành vài ngày, Chính phủ nước này đã thông báo kế hoạch triệu tập một cuộc họp khẩn Hội đồng Bộ trưởng Năng lượng của EU để thảo luận và tìm kiếm cách tiếp cận thống nhất đối với cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, cuộc khủng hoảng đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Theo báo cáo về Chỉ số bất ổn xã hội do Công ty tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) công bố ngày 2-9 vừa qua cho thấy, hơn 50% trong số gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã chứng kiến sự gia tăng về nguy cơ bất ổn xã hội trong khoảng thời gian từ quý II đến quý III năm 2022. Đặc biệt, các quốc gia châu Âu như Thụy Sĩ và Hà Lan nằm trong số những nước có nguy cơ gia tăng bất ổn xã hội cao nhất trong giai đoạn tới.

Mùa hè qua, công nhân ở nhiều nước châu Âu đã đình công, yêu cầu mức lương cao hơn để giúp họ đối phó với lạm phát tăng cao và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tồi tệ. Hàng loạt các cuộc đình công ở Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ đã khiến các lĩnh vực giao thông công cộng, đường sắt, y tế và hàng không gần như tê liệt ngay vào thời điểm mùa nghỉ hè bận rộn.

Chuyên gia phân tích Torbjorn Soltvedt của Verisk Maplecroft cho biết, cả Đức và Na Uy đều là những nước có nền kinh tế phát triển đang chứng kiến sự gián đoạn trong cuộc sống hằng ngày gây ra bởi các hoạt động phản kháng của người lao động, một xu hướng đã được thấy ở Anh. Sắp tới, một số quốc gia ở châu Âu có thể chứng kiến tình trạng trên và diễn biến nghiêm trọng hơn khi cả châu lục đối mặt với một mùa đông lạnh giá do thiếu khí đốt và giá cả mặt hàng nhiên liệu thiết yếu sống còn này tăng vọt.

Đối mặt với một mùa đông thảm họa 

Sau khi EU cùng các đồng minh phương Tây do Mỹ đứng đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga do cuộc xung đột quân sự tại Ukraine từ cuối tháng 2-2022, giá năng lượng, nhất là khí đốt, liên tục leo thang đã khiến chi phí của doanh nghiệp và người dân tại châu Âu không ngừng gia tăng theo. Rất nhiều công ty châu Âu đã phải cắt giảm sản xuất, thậm chí là đóng cửa nhà máy vì càng hoạt động sẽ càng thua lỗ.

Nhà phân tích cấp cao Fabian Ronningen tại Công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy (Na Uy) mới đây đã phải dùng tới từ “đáng sợ” để mô tả cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu hiện nay. Nhìn nhận này được đưa ra ngay sau khi có thông tin gây xôn xao thị trường năng lượng châu Âu là giá điện giao năm 2023 được công bố tại một số nước như Pháp và Đức có thể lên tới 1.000 euro mỗi MWh, tức cao gấp khoảng 10 lần cách đây 1 năm.

Tại Anh, Cơ quan quản lý năng lượng của chính phủ - Ofgem cho biết, từ ngày 1-10 tới sẽ tăng giá trần điện và khí đốt lên từ 80-100%, khiến mỗi hộ gia đình trung bình tại Anh sẽ phải chi gần 4.200 USD mỗi năm tiền năng lượng. Trong khi ở Đức, cũng từ ngày 1-10 tới, mỗi hộ gia đình sẽ phải đóng thêm 2,4 cent cho mỗi KWh sử dụng khí đốt, tương đương với việc phải chi thêm khoảng 500 euro mỗi năm.

Các con số trên đã cho thấy rõ nhất cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu hiện đang bước vào một giai đoạn đáng sợ, khi giá của tất cả các loại năng lượng - từ khí đốt, điện cho đến xăng dầu - đều tăng rất cao và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế và nhất là cuộc sống của người dân. Chưa kể, giá năng lượng tăng cao là yếu tố quan trọng nhất đẩy lạm phát tại nhiều quốc gia châu Âu lên mức cao nhất trong 3-4 thập kỷ qua, trong đó dự kiến lạm phát vào tháng 10-2022 tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) dao động quanh mức 10%. Khủng hoảng năng lượng hiện nay là mối đe dọa sống còn trong mùa đông tới.

Nhằm phòng ngừa khủng hoảng năng lượng biến chứng nguy hiểm, châu Âu đã triển khai hàng loạt biện pháp như việc tổ chức lại mô hình cùng mua chung khí đốt giống như khi cùng mua chung vaccine Covid-19, hoặc dự tính áp đặt biện pháp tiết kiệm năng lượng bắt buộc với tất cả các nước thành viên EU, tìm kiếm các hợp đồng năng lượng từ nhiều nước khác… Tuy nhiên, đến thời điểm này tất cả các biện pháp trên đều chưa hiệu quả, khiến nỗi lo sợ về một mùa đông thảm họa vẫn đang lan ra hầu hết các nước châu Âu.

https://www.anninhthudo.vn/khung-hoang-nang-luong-cham-ngoi-cho-bat-on-o-chau-au-post516056.antd

Hoàng Hà / ANTĐ