- Châu Âu chống chọi với mùa đông thế nào khi thiếu khí đốt Nga?
- Châu Âu đạt mục tiêu tích trữ khí đốt trước mùa đông 2022: ''Vạch đích'' được mong đợi
- Nga “khóa van khí đốt”, tăng sức ép năng lượng lên châu Âu
Gazprom sẽ tạm dừng việc khôi phục dòng khí đốt vận chuyển đến châu Âu, gây thêm khó khăn cho khu vực trong việc đảm bảo nguồn cung nhiên liệu mùa đông.
Hôm 2/9, tập đoàn năng lượng Gazprom Nga thông báo ngừng cung cấp vô thời hạn khí đốt tự nhiên cho EU qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1), do trục trặc kỹ thuật.
Ban đầu, đường ống dự kiến sẽ khởi động lại vào ngày 3/9 sau khi tuabin chính được sửa chữa.
(Ảnh minh họa)
Gazprom nói được cơ quan quản lý Nga cảnh báo về sự cố tuabin và không thể khởi động lại việc giao khí đốt trên đường ống một cách an toàn. Công ty cho biết thêm rằng họ đã thông báo cho nhà sản xuất tuabin Siemens của Đức về sự cố.
Tuy nhiên, theo Siemens Energy, lỗi tuabin gặp phải không thực sự đáng kể: "Những rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng đến hoạt động của tuabin và có thể được khắc phục tại chỗ. Đây là một vấn đề thường thấy trong quá trình bảo trì", đại diện công ty nói.
Moskva cho rằng các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt với Nga, vì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đã cản trở hoạt động và quy trình bảo trì thường kỳ của Nord Stream 1. Trong khi đó, Brussels cho rằng Nga chỉ đang sử dụng khí đốt như một vũ khí kinh tế để trả đũa.
"Đây là một phần cuộc chiến tâm lý của Nga chống lại chúng tôi", Michael Roth, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Quốc hội Đức, viết trên Twitter.
Kể từ tháng 7, đường ống Nord Stream 1 giảm công suất do một số tuabin ngừng hoạt động. Một số tuabin được gửi đến Montreal, Canada để sửa chữa và kẹt lại ở đó do các lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga. Theo yêu cầu của Đức, Ottawa thông báo miễn trừ lệnh trừng phạt cho các tuabin nhưng Gazprom từ chối nhận lại vì cho rằng thủ tục có những bất thường.
Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2 mới được xây dựng không hoạt động.
Trước đó, người đứng đầu Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU nên áp đặt giá trần đối với khí đốt của Nga, để ngăn chặn những gì bà nói là "nỗ lực thao túng thị trường" của nước này. Nga đã bác bỏ các cáo buộc về việc sử dụng khí đốt làm vũ khí kinh tế hoặc thao túng thị trường khí đốt.
Giá khí đốt bán buôn tăng vọt 400% kể từ tháng 8/2021, làm ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và các hộ gia đình châu Âu khi nhu cầu phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 gia tăng và khủng hoảng Ukraine kéo dài.
Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev từng cho biết Moskva sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu nếu Brussels áp đặt mức giá trần.
https://vtc.vn/nga-dung-cung-cap-khi-dot-den-chau-au-vo-thoi-han-ar698341.html