- Vì sao đồng ruble Nga phục hồi như vũ bão bất chấp trừng phạt?
- Nga: Nếu muốn khí đốt, hãy đi tìm đồng ruble!
- "Chắc chắn chúng tôi không cấp khí đốt nếu khách hàng không thanh toán bằng đồng ruble"
- Nếu châu Âu không thanh toán khí đốt Nga bằng đồng ruble thì sao?
Đồng ruble của Nga đã chạm mức cao nhất trong hơn hai năm so với đồng euro trong giao dịch thương mại ngày 27/4.
Ngày 27/4, đồng ruble đã tăng 1,8% lên giao dịch ở mức 75,43 ruble đổi 1 euro, Reuters đưa tin. Đây là mốc cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020. Đồng nội tệ Nga cũng tăng hơn 1,1% so với đồng USD, ở mức 72,75 ruble đổi 1 USD.
Việc đồng ruble Nga chạm mức cao nhất là nhờ các biện pháp kiểm soát vốn hiện có, cũng như các khoản thanh toán thuế của doanh nghiệp Nga hỗ trợ sắp tới, sau khi Moscow nâng cao vị thế trong tranh chấp khí đốt với châu Âu.
Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan vì từ chối yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble.
Vào tháng 3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẽ không chấp nhận thanh toán bằng các loại tiền khác ngoài đồng ruble, để trả đũa các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Moscow vì chiến sự ở Ukraine.
Công ty Veles Capital cho biết việc ngừng cung cấp khí đốt cho một số quốc gia châu Âu có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng địa chính trị và làm xấu đi mối quan hệ với châu Âu, tác động tiêu cực đến tâm lý.
Tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã lần đầu tiên trong 5 năm giảm xuống dưới 1 USD đổi 1,06 USD trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về an toàn năng lượng và tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc và châu Âu bị chững lại.
Cụ thể, tỷ giá đồng euro đã giảm xuống còn 1 euro đổi được 1,0589 USD sau khi Gazprom tuyên bố sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Chỉ riêng trong tháng Tư này, đồng euro đã giảm giá hơn 4% và đang có nguy cơ giảm xuống mức thấp nhất theo tháng trong 7 năm trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc do COVID-19 đã khiến các nhà đầu tư bỏ qua đồng euro và chuyển sang kênh USD an toàn hơn.
Các nhà phân tích của Promsvyazbank cho biết thuế thu nhập doanh nghiệp Nga phải trả vào ngày 28/4 có thể hỗ trợ cho đồng ruble trong tuần này.
Một yếu tố khác cũng chi phối tâm lý thị trường là quyết định về lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga tại cuộc họp vào 29/4. Cuộc thăm dò của Reuters dự báo Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cắt giảm 200 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản xuống 15%, giữa lúc họ đang cố gắng kích thích cho vay nhiều hơn khi nền kinh tế đối mặt với lạm phát cao.
Lãi suất thấp hơn hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc cho vay rẻ hơn, nhưng cũng có thể thúc đẩy lạm phát và khiến đồng ruble dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài.
Hôm 18/4, Interfax dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nỗ lực của phương Tây nhằm thực hiện đòn đánh kinh tế chớp nhoáng vào Nga đã thất bại, trong khi phía phát động đòn trừng phạt cũng phải chịu tác động tiêu cực.
Ông chỉ ra rằng tình hình đang dần ổn định, tỷ giá đồng ruble đang trở lại mức như nửa đầu tháng 2 và thặng dư thanh toán đạt mức 58 tỷ USD, mức cao kỷ lục.
Tuy nhiên, theo một tài liệu thu thập được, Reuters dự kiến tổng sản phẩm quốc nội Nga sẽ giảm 12,4% trong kịch bản xấu nhất, cho thấy áp lực trừng phạt từ phương Tây đang gây thiệt hại.