Cách Trung Quốc xử lý các vấn đề ở Afghanistan, Myanmar và Triều Tiên có thể sẽ khác với phương Tây, góp phần tạo nên hình ảnh “cường quốc toàn cầu” của nước này.
Triều Tiên, rồi đến Myanmar và sau là Afghanistan - ba cuộc khủng hoảng liên tiếp của các quốc gia láng giềng Trung Quốc tưởng như không có nhiều điểm chung. Nhưng giải quyết vấn đề liên quan tới các quốc gia này thế nào sẽ góp phần tạo nên "hình ảnh" cường quốc toàn cầu của Trung Quốc.
Các nhà quan sát phương Tây trong nhiều năm đã muốn trả lời câu hỏi: Một cường quốc đang lên sẽ gia tăng ảnh hưởng thế nào trên trường quốc tế, thông qua các liên hệ với châu Phi hay mối quan hệ với Mỹ. Cách tiếp cận của Trung Quốc với những hàng xóm nói trên vẽ ra một bức tranh rõ ràng hơn cho câu trả lời.
“Afghanistan, Myanmar, Triều Tiên đều là phép thử đối với Trung Quốc ở vị trí một siêu cường đang lên, về việc liệu Bắc Kinh, ở thời điểm Washington rút lui, có thể lấp khoảng trống một cách khéo léo hay không”, Thant Myint-U, nhà sử học Myanmar cho biết.
“Chúng ta đã thấy cách tiếp cận của phương Tây với các quốc gia này, tập trung quanh bầu cử, dân chủ, nhân quyền, nhưng chúng ta không thực sự biết liệu Trung Quốc sẽ làm gì. Nước này trong những thập kỷ gần đây khá ngập ngừng trong việc thể hiện hình tượng của mình”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters) |
Lo ngại chính của Trung Quốc
Cho đến nay Trung Quốc vẫn chọn những cách tiếp cận thông thường và cẩn trọng. Về Afghanistan, nước này kêu gọi cộng đồng quốc tế “tích cực hướng dẫn” Taliban. Về Myanmar, Trung Quốc đề nghị hỗ trợ phát triển kinh tế sau khi ngăn chặn hội đồng bảo an Liên hợp quốc chỉ trích chính biến tại nước này hồi tháng 3. Đối với Triều Tiên, Trung-Triều cam kết thắt chặt mối quan hệ hợp tác vào tháng 7, nhân dịp kỷ niệm 60 năm hai bên ký "Hiệp ước hữu nghị, Hợp tác và Hỗ trợ lẫn nhau".
Ảnh hưởng của Trung Quốc ở 3 nơi rất khác nhau.
“Ở Myanmar, lợi ích hàng đầu của Trung Quốc là đảm bảo một mức độ ổn định và đảm bảo không có cường quốc nào khác ‘thân’ hơn với những người ở vị trí lãnh đạo. Tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh - muốn Myanmar trở thành cầu nối đến Ấn Độ Dương, chỉ đứng thứ hai so với ưu tiên quản lý xung đột dọc biên giới Tây Nam, ông Thant Myint-U nói.
Cuộc khủng hoảng ở Myanmar. (Ảnh minh họa) |
Chuyên gia Yun Sun đứng đầu chương trình Trung Quốc tại trung tâm nghiên cứu Stimson cũng đồng tình với ý kiến này. Bà nói mối lo ngại chính của Trung Quốc là an ninh biên giới, sau đó là nguy cơ khủng hoảng tị nạn. Ví dụ, năm 2009, xung đột chết người ở Kokang, Myanmar đã khiến khoảng 30.000 người tị nạn tràn vào Trung Quốc. “Vì vậy Bắc Kinh sẽ theo sát vấn đề trong những tháng tới nếu tình hình ở những nước này trở nên xấu đi”.
Trong trường hợp Afghanistan, Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng về việc sẽ tham gia với Taliban ở mức độ nào, theo các chuyên gia. “Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Taliban, ít nhất không phải trong tương lai gần”, Zhu Yongbiao, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Afghanistan Đại học Lanzhou, nhận định.
Nhưng các nhà phê bình dự đoán Trung Quốc, dù sớm hay muộn, vì đã là một thế lực nổi bật trên trường quốc tế, cũng sẽ vướng vào tình thế khó xử ngoại giao với Afghanistan. “Trung Quốc đã là người có ảnh hưởng và các bên sẽ mong chờ họ hành động như vậy. Dù muốn hay không, sức nặng chính trị và kinh tế của họ sẽ tự nhiên gây tác động", chuyên gia Raffaello Pantuucci, trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, nói.
Một thành viên Taliban tại chốt kiểm soát ở Kabul, Afghanistan. (Ảnh: Reuters) |
"Trò chơi Vươnq quyền"
Đến nay không có dấu hiệu nào cho thấy cách tiếp cận của Bắc Kinh sẽ giống Washington. Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham mới đây nói binh sĩ Mỹ trong tương lai sẽ quay lại Afghanistan, “bởi vì mối đe dọa quá lớn”.
Nhưng theo chuyên gia, nếu điều này xảy ra, Mỹ có thể sẽ rơi vào sách lược của Trung Quốc. Chuyên gia Enze Han từ Đại học Hong Kong nói: "Bắc Kinh có thể muốn thấy Washington sa lầy ở Afghanistan một lần nữa. Kể cả trong viễn cảnh xấu nhất cũng ít có khả năng Trung Quốc dính líu đến Afghanistan như cách của Mỹ”.
Trong trường hợp Myanmar, Trung Quốc có thể nghĩ không làm được gì nhiều để ngăn chặn khủng hoảng, bao gồm cả COVID-19 và chính trị. "Nên một khi chuyện xảy ra, họ sẽ coi đó là nơi biến khủng hoảng thành cơ hội”, theo Han.
Học thuyết đối ngoại thực dụng của Trung Quốc rõ ràng sẽ không thay đổi một sớm một chiều, và các nhà phân tích phương Tây có thể quan sát thêm để rút ra được kết luận riêng về việc nước này sẽ cư xử như thế nào với tư cách là một siêu cường.
Nhưng trong mắt Bắc Kinh, đó có thể là một chiến lược. “Giống như trong Trò chơi Vương quyền: Các chính quyền đến và đi, nhưng hàng xóm Trung Quốc vẫn ở đó. Nếu phương Tây muốn ảnh hưởng đến các nước này, họ sẽ phải thông qua Bắc Kinh. Tất cả đều là những lá bài Trung Quốc có thể sử dụng trong tình hình nhiều biến đổi với phương Tây", theo Sun.
PHƯƠNG ANH (Nguồn: The Guardian)
Trung Quốc viện trợ khẩn cấp hơn 30 triệu USD cho Afghanistan |
Công Phượng trở lại tuyển Việt Nam đấu Trung Quốc, Oman |
HLV Trung Quốc: "Trận gặp Việt Nam quan trọng như chung kết" |