Khủng hoảng đeo bám ngành hàng không dân dụng thế giới

Cuộc đình công kéo dài một tháng qua của hơn 33.000 người lao động hãng chế tạo máy bay hàng đầu thế giới Boeing được dự báo sẽ kéo dài với những tác động khôn lường với kinh tế Mỹ và ngành hàng không dân dụng toàn cầu, sau khi các cuộc đàm phán tiền lương giữa Boeing và công nhân rơi vào bế tắc.

Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing của Mỹ ngày 9/10 thông báo ngừng đàm phán với Hiệp hội quốc tế thợ máy và nhân viên hàng không (IAM), nghiệp đoàn đại diện cho 33.000 người lao động đang đình công của Boeing, đồng thời rút lại đề nghị tăng lương mà Boeing đưa ra cách đây khoảng một tháng.

CNN cho biết, Boeing và IAM đã tổ chức vòng đàm phán mới nhất với các nhà trung gian trong hai ngày 7 và 8/10 nhưng không đạt kết quả khả quan. Boeing chỉ trích IAM đã "không xem xét nghiêm túc các đề xuất" được đưa ra, đồng thời gọi những yêu cầu của nghiệp đoàn này "vượt quá những gì hãng có thể đồng ý". Trong khi đó, IAM cho rằng, Boeing đã quá cứng nhắc khi không đáp ứng nhu cầu chính đáng của công nhân.

boeing.jpg -0
Bên trong nhà máy của Boeing ở Seattle. Ảnh: NHZ

Việc Boeing và IAM không đi đến thỏa thuận có nghĩa là cuộc đình công của hơn 33.000 công nhân Boeing sẽ tiếp tục kéo dài nhiều ngày nữa, khiến các nhà xưởng quy mô lớn của hãng ở khu vực Seattle (tiểu bang Washington, Mỹ) tiếp tục đình trệ.

Theo New York Times, căng thẳng giữa Boeing và người lao động đã nhen nhóm từ lâu, bởi phần lớn công nhân Boeing không được tăng lương những năm gần đây, một số bị cắt lương, thưởng và lương hưu, trong bối cảnh Boeing báo lỗ liên tiếp từ 2018 do vướng phải các vụ tai nạn nghiêm trọng với dòng 737 MAX, buộc hãng phải ngừng giao hàng và khắc phục lỗi thiết kế.

Tròn một tháng trước, Boeing và IAM đạt thỏa thuận sơ bộ về việc Boeing sẽ tăng 25% lương cho các công nhân trong vòng 4 năm theo hợp đồng lao động có thời hạn tương ứng kèm một khoản thưởng cố định 3.000 USD; thay vì tăng lương 40% như yêu cầu ban đầu của người lao động. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã không vượt qua vòng bỏ phiếu tại IAM. Sau quá trình đàm phán, Boeing ngỏ ý tăng 30% lương, nhưng phần lớn công nhân vẫn không chấp thuận.

"Con tôi muốn giống như bố nó và làm nghề chế tạo máy bay, nhưng tương lai của nó sẽ ra sao nếu họ tiếp tục cắt giảm phúc lợi của chúng tôi?", Ruben Tishchuk, một công nhân làm việc tại Boeing 6 năm, nói với New York Times. "Tôi không thể chịu đựng điều đó. Tôi đang đấu tranh cho tương lai của con và cháu tôi".

Boeing có vai trò quan trọng với nền kinh tế Mỹ, với khoản đóng góp hằng năm lên đến 79 tỷ USD, theo CNN. Hãng hiện có khoảng 150.000 người lao động trên khắp cả nước, trong đó một nửa làm việc tại các cơ sở ở tiểu bang Washington bên bờ Thái Bình Dương. Lần gần nhất công nhân Boeing đình công là năm 2008, kéo dài 52 ngày, khiến hãng mất khoảng 1,2 tỷ USD thu nhập ròng.

Các nhà phân tích lo ngại cuộc đình công lần này sẽ giáng đòn mạnh mẽ hơn vào Boeing, khi hãng đang chật vật khôi phục hoạt động sản xuất dòng máy bay bán chạy nhất 737 MAX tại Seattle.

CNN dẫn số liệu từ các nhà phân tích của hãng Standard & Poor's ước tính hãng thiệt hại khoảng một tỷ USD/tháng trong đợt đình công hiện nay; còn ước tính của TD Cowen cho thấy hãng mất tới 100 triệu USD/ngày. Boeing hiện cũng đang đối mặt khoản nợ 60 tỷ USD chưa biết khi nào trả xong. Nếu các cuộc đình công không sớm kết thúc, tình trạng tài chính của Boeing sẽ tệ hơn do họ buộc phải giao hàng chậm và đối diện với các khoản phạt hợp đồng. Boeing hiện có các đơn đặt hàng trị giá 516 tỷ USD và hãng hi vọng "trả đơn" được 1/4 số đó trong năm 2025.

Bên cạnh đó, Reuters dẫn lời các chuyên gia lo ngại cuộc đình công đầu tiên trong 16 năm ở Boeing có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt máy bay phản lực thương mại trên toàn cầu, vốn đang chật vật trở lại quỹ đạo sau khi hứng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 (nhu cầu bay giảm, hoạt động chế tạo máy bay giảm do chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn).

Theo dữ liệu của hãng tư vấn Cirium được Reuters trích dẫn, năm 2010, độ tuổi sử dụng trung bình của máy bay chở khách thương mại phản lực (loại phổ biến có một lối đi ở giữa khoang hành khách) là 10,2 năm. Vào thời kì COVID-19, độ tuổi của đội bay chở khách toàn cầu giảm xuống 9,1 năm và hiện tăng lên mốc 11,3 năm.

Việc các hãng hàng không thiếu máy bay để vận hành là một nguyên nhân khiến giá vé bay tăng cao thời gian qua, đồng thời buộc các hãng bay tăng thời gian sử dụng những chiếc máy bay cũ. Giới chuyên gia cảnh báo, giá vé tăng sẽ chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn cho các hãng hàng không. "Khi giá vé tăng, lượng khách hàng sẽ giảm", nhà kinh tế hàng không Adam Pilarski, lãnh đạo tổ chức tư vấn AVITAS nhấn mạnh.

Hiện chưa rõ Boeing và IAM có kế hoạch nối lại đàm phán vào thời điểm nào. Bên cạnh cuộc tranh cãi với công nhân, Boeing mới đây vướng thêm "vận đen" khác khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ngày 8/10 cho biết một số hệ thống điều khiển cánh lái đuôi đứng của dòng Boeing 737 có thể khiến bộ phận này "chuyển động hạn chế hoặc mắc kẹt trong quá trình máy bay tiếp cận đường băng để hạ cánh".

FAA đưa ra cảnh báo đến các hãng hàng không sau khi Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ tuần trước cho biết 271 thiết bị điều khiển cánh đuôi đứng có nguy cơ bị kẹt đã được lắp trên máy bay Boeing 737 của hơn 40 hãng hàng không trên thế giới.

 https://cand.com.vn/the-gioi-24h/khung-hoang-deo-bam-nganh-hang-khong-dan-dung-the-gioi-i746720/

Thái Hà / CAND