Không muốn làm thì cứ đưa ra… bàn (!)

Bàn ở đây là bàn tính, bàn thảo, bàn bạc. Một vị giáo sư khả kính nửa đùa nửa thật: Ở nước ta hễ cái gì khó làm, hoặc muốn trì hoãn thì cứ đưa ra bàn. “Cụ” có cái lý của mình vì đã từng chứng kiến nhiều việc to có, nhỏ có, tưởng nắm chắc mười mươi phần thắng, đùng một cái, khi thảo luận để thực hiện bỗng nảy sinh vô số những tiếng nói trái chiều, người bàn tiến, kẻ bàn lùi. Tiến hay lùi còn biết đường mà thêm bớt, đẽo gọt, ngán nhất là những ý kiến nửa cá nửa thịt, không ra tán thành, chẳng ra phản đối.

Nóng nhất như chuyện chống đại dịch Covid-19. Đến nay cơ bản Việt Nam đã đẩy lùi thứ giặc vô hình nhưng vô cùng hiểm ác này. Tuy thế nhưng chủ quan là dính đòn trở lại. Phó Thủ thướng Vũ Đức Đam dùng hình ảnh: Cả thế giới vẫn đang phải lo chống đại dịch, còn căng thẳng lắm! Nước ta bây giờ như cái ao trũng ấy. Chung quanh bờ ao nước ngập tứ bề. Sơ sểnh một tý là vỡ bờ, là nước tràn vào, lúc ấy là vỡ trận. Thế nhưng vào lúc này mới lắm thứ ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất là, virus chạy xa rồi, đừng có “phòng” kĩ quá, phải xắn quần mà chạy không thì năm nay kinh tế tăng trưởng âm (!)

Luồng ý kiến thứ hai lại thận trọng quá mức. Rằng sai một li đi một dặm. Tính mạng con người mới là quý. Cứ giãn cách, cứ cách li dài ra, rộng ra thêm, cho yên tâm. Vậy là công ty, xí nghiệp cứ cho người lao động nghỉ không lương chờ lệnh mới. Vậy là nhà trường bắt trẻ con lớp mầm lớp nụ khi vào lớp vừa đeo khẩu trang vừa đeo mũ có tấm nhựa chắn giọt bắn. Thật khổ cho các cháu cứ phải khư khư cái “cạm chuột” trên đầu suốt mấy giờ đồng hồ. Chỉ đến khi Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cho ý kiến thì những cái “cạm chuột” mới được hạ xuống.

Ở làng ở phố chuyện “tiến-lùi” còn dích dắc hơn nhiều. Xưa có câu chuyện ngụ ngôn về một bác nông dân đẽo cày giữa đường. Ai đi qua thấy trên trán bác mồ hôi mẹ đẻ mồ hôi con, tay cưa tay đục, cũng thò cổ vào cho mấy lời phải trái. Cuối cùng thì thân gỗ quý hóa thành đống củi vụn. Ông bạn làm Trưởng thôn ở một xã đồng chiêm phàn nàn với chúng tôi: Vừa rồi định làm cái cổng làng. Cũng cạy cục nhờ một anh kiến trúc sư vốn là con cháu trong nhà vẽ cho. Bản thiết kế vừa thể hiện được tính cách, hồn cốt của làng, vừa có nét hiện đại, chi phí lại tiết kiệm. Thế nhưng khi họp với các vị cán bộ chủ chốt, các vị cao niên thì rối như canh hẹ. Người thì bảo cái cổng này chỉ phù hợp với thời trước, thời cây đa, bến nước, sân đình. Nay đường bê-tông ra tận bờ ruộng, nhà nhà mái bằng, rồi hai ba tầng ngất ngưởng, cho nên cái cổng “cổ kính” ấy lạc lõng lắm. Mà nay mai có cái xe “công” (công-ten-nơ) chở hàng vào thì sao lọt cổng. Người khác phản pháo: Cổ là cổ thế nào? Nếu cái cổng cũng phải theo cái đường, cái nhà thì còn gì là bản sắc văn hóa làng quê.

Đấy mới là chuyện cái cổng. Còn biết bao nhiêu chuyện khác ở làng: xây nhà văn hóa xã; tổ chức lễ cưới, lễ tang; khôi phục đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi; cấm chó thả rông... Bàn tái bàn hồi lại trở về… như cũ.

Đưa ra bàn bạc từ việc to cho chí việc nhỏ là việc cần, rất cần. Đó là một cách thực thi dân chủ, để tìm ra cách làm tốt nhất. Nhưng việc bàn thảo chỉ đưa lại kết quả tốt khi nội dung được chuẩn bị kỹ. Đối với những việc khó, tốt nhất nên tham khảo ý kiến các chuyên gia, những người có kinh nghiệm. Có điều chẳng lạ, “trăm cái cuốc đều cuốc giật vào lòng”, vì lợi ích của riêng mình, của “nhóm” mình mà người ta nại ra đủ lý do để bàn lùi.

Chuẩn bị xong là thành công một nửa. Lâu nay nhiều người thường hiểu là chuẩn bị làm thôi. Còn việc chuẩn bị đề ra chủ trương, chính sách có khi lại bàn bạc không kỹ lưỡng, thiếu tầm nhìn xa, cái nhìn toàn diện. Mà không chỉ ở ta mới có chuyện này. Tôi có đọc một tài liệu nói về chất lượng các cuộc họp, hội thảo, theo ông David M. Cote, nguyên giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ toàn cầu Honeywell (Mỹ): “Bổn phận của người chủ trì cuộc họp là sau khi lắng nghe ý kiến mọi người, phải có khả năng phân tích, tổng hợp và đưa ra quyết định đúng đắn, vì khi đó bạn đã có cơ sở để cân nhắc giữa các quyết định, dù có khi đó không phải là ý tưởng của bạn lúc đầu.”

Mới hay chất lượng các cuộc họp là vấn đề không bao giờ cũ. Họp cốt để rộng đường bàn bạc. Bàn cho ra nhẽ để tránh những sai phạm đáng tiếc. Đó chính là một trong những yếu tố góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo. Năng lực của một tổ chức, của người chủ trì là ở những gì có thể nhìn thấy, nghe thấy, chứ không phải những chuyện “trên trời”./.

Trần Quang

Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống

khong muon lam thi cu dua ra ban Nhân viên mắc COVID-19, Tổng thống Trump phải xét nghiệm hàng ngày

Người phục vụ riêng của ông Trump mắc COVID-19 , khiến Tổng thống Mỹ phải xét nghiệm hàng ngày.

khong muon lam thi cu dua ra ban Thủ tướng cho phép tổ chức hoạt động thể thao, V-League 2020 trở lại ngày 5/6

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho phép thể thao và các hoạt động tập trung đông người, trong đó có bóng đá, được ...

khong muon lam thi cu dua ra ban Việt Nam thành công bước đầu trong sản xuất vắc xin ngừa Covid-19

Sau 10 ngày tiêm thử nghiệm trên chuột, kết quả cho thấy Việt Nam đã tiến thêm một bước trong chế tạo vắc xin ngừa ...