Không để lãng phí công sản

Việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 giúp giảm đáng kể đơn vị hành chính, tinh giản cán bộ.

Song quá trình này cũng có một số vấn đề đặt ra cần sớm giải quyết, điển hình là việc dôi dư trụ sở sau sắp xếp.

photo-1693837369714

Hội trường xã Quảng Phúc, Quảng Xương, Thanh Hóa đầu tư khoảng 3 tỷ đồng bỏ hoang gây lãng phí.

Riêng tại Thanh Hóa có gần 800 công trình dư thừa đang bỏ không. Đến nay, địa phương này vẫn đang loay hoay giải quyết.

Hay như ở Thừa Thiên - Huế, đường Lê Lợi, vốn là con đường đẹp nhất ven bờ nam sông Hương, trước đây là nơi làm việc của nhiều đơn vị sở, ngành. Sau khi chuyển đến nơi làm việc mới, những trụ sở cũ đều cửa đóng then cài, ngổn ngang rác thải. Không được trông coi, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, hoang phế, mất mỹ quan.

Còn nhiều, rất nhiều nơi khác cũng diễn ra tình trạng tương tự, khiến tài nguyên đất, tiền ngân sách bị lãng phí.

Được biết, khó khăn lớn nhất là xử lý tài sản đất đai. Trong đó, phương án bán đấu giá mất nhiều thời gian vì phải theo quy trình, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc sắp xếp, xử lý tài sản sau sáp nhập đã được Chính phủ giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn thực hiện, nên các địa phương có thể chủ động thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc triển khai trên thực tế không đơn giản. Chẳng hạn như việc xử lý tài sản công là nhà đất dôi dư. Do các tài sản này không xử lý được theo hình thức chia lô, bán nền riêng lẻ mà phải đấu giá cả mặt bằng, nên tài sản trên đất cơ bản sẽ phải phá bỏ sau khi nhà đầu tư trúng đấu giá. Như vậy, nhà đầu tư vẫn phải trả chi phí cho phần giá trị tài sản công trúng đấu giá mà không sử dụng được.

Một số địa phương còn ngần ngại trong việc thanh lý, bán đấu giá trụ sở vì chưa tính toán được nhu cầu sử dụng công sở trên địa bàn; lo ngại rằng nếu thanh lý rồi thì khi có yêu cầu mới về trụ sở lại không đủ khả năng, nguồn lực để mua lại hay bố trí được địa điểm mới có điều kiện tương đương.

Bên cạnh đó, việc xác định giá đất cụ thể trước khi xác định giá khởi điểm bán đấu giá cũng khá khó khăn, phức tạp do công năng, giá trị sử dụng, vị trí của các trụ sở, tài sản bán đấu giá không phù hợp với mục đích kinh doanh, thương mại, dịch vụ, làm nhà ở của các đối tượng có nhu cầu.

Câu chuyện dư thừa và lãng phí trụ sở, tài sản công sau sáp nhập cần sớm được giải quyết, bởi đây là sự lãng phí đầu tư công lớn.

Việc cần làm là phải tận dụng tối đa những trụ sở dôi dư. Nếu có thể làm trường học, nhà văn hóa… thì cần phải được tận dụng, tránh bỏ hoang như hiện nay. Với những trường hợp có thể đấu giá hay cho thuê cũng cần thực hiện ngay. Bởi các công trình nếu không được sử dụng thì rất nhanh xuống cấp.

Bên cạnh đó, muốn chuyển đổi công năng hay đấu giá bán tài sản, việc đầu tiên là phải tham khảo ý kiến người dân về mục đích chuyển đổi. Nếu khảo sát thực tế kỹ lưỡng và có cách thức tiến hành bài bản, công khai, minh bạch, đúng pháp luật, không để thất thoát, chắc chắn sẽ không vấn đề gì.

Điều quan trọng nhất ở đây là quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương. Dù khó khăn, vướng mắc nhưng không việc gì là không thể giải quyết.

Bởi tất cả các văn bản, quy định pháp luật đều là do chúng ta đặt ra. Địa phương gặp khó, hay những việc vượt thẩm quyền có thể báo cáo, chắc chắn không gặp trở ngại gì. Còn nếu cứ lo ngại việc này hay việc khác, câu chuyện sẽ không thể sớm giải quyết, sự lãng phí vẫn kéo dài.

 https://www.baogiaothong.vn/khong-de-lang-phi-cong-san-192230904212428842.htm

PV / Giao thông