Vụ cháy ở chung cư Carina Plaza tại quận 8, TP HCM ngày 23-3 vừa qua với thiệt hại nhân mạng lớn đã để lại trong lòng người những nỗi buồn thẳm sâu, dư âm đắng đót và nỗi xót xa tột cùng.
Sau vụ cháy, người dân TP HCM sống ở các chung cư, nhà cao tầng rủ nhau đi mua mặt nạ chống độc, thang dây cứu hộ để phòng thân. Các ban quản trị chung cư cũng được cư dân yêu cầu xem xét lại hệ thống PCCC. Cơ quan quản lý chính quyền các đô thị lớn cũng ráo riết kiểm tra, siết chặt quản lý nhằm bảo đảm an toàn cho cư dân các chung cư sau thảm họa Carina Plaza.
Với người dân, nâng cao ý thức và tham khảo, học thêm các kỹ năng, cách xử lý tình huống khi xảy ra sự cố nguy hiểm ở nhà cao tầng cũng như tự trang bị vật dụng an toàn PCCC là điều cần thiết và đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, điều quan trọng là nơi cung cấp các sản phẩm này phải được kiểm định, đánh giá đạt yêu cầu chất lượng, an toàn; người cung cấp phải có lương tâm, không bán loại hàng kém chất lượng vì đây là sản phẩm liên quan đến an nguy tính mạng con người. Không thể nào chấp nhận loại sản phẩm cứu người mà chất lượng kém để gây ra tác dụng ngược lại với chức năng cứu người.
Sau thảm họa, các cơ quan quản lý nhà nước đã cấp bách thực thi các biện pháp bảo đảm an toàn để ngăn chặn thảm họa tương tự. Tại TP HCM có 1.037 chung cư đang được sử dụng, trong đó hơn một nửa được xây dựng trước năm 2000, không bảo đảm về kỹ thuật và PCCC, có nguy cơ cháy nổ cao. Theo số liệu từ Cảnh sát PCCC, từ năm 2012 đến 2015, TP HCM đã xảy ra 26 vụ cháy nhà chung cư. Tại TP Hà Nội có 1.075 công trình cao tầng, trong đó chung cư cao tầng có gần 800. Theo Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, đến cuối tháng 5-2017, toàn TP có 79 nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC. Số liệu mới nhất, theo UBND TP Hà Nội, hiện còn 17 chung cư cao tầng đưa vào sử dụng nhưng vẫn vi phạm quy định về PCCC, "không có khả năng khắc phục" theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC hiện hành.
Rõ ràng, nguy cơ hỏa hoạn vẫn chực chờ nếu năng lực quản lý không theo kịp và ý thức cá nhân kém, thờ ơ với việc tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Trong khi đó, chúng ta có thói quen chạy theo giải quyết hậu quả, nhiều người có thói quen theo hiệu ứng đám đông rồi theo "bản năng quên" hoặc sống liều lĩnh, có lối nghĩ dễ dãi kiểu "trời kêu ai nấy dạ". Sau "phong trào" thì mọi việc lắng xuống, đi vào lãng quên, đánh trống bỏ dùi. Đến khi các sự cố xảy ra, lại cùng xúm vào rồi bỏ bê, đến lúc buông, không còn trách nhiệm.
Lần này, người dân cả nước mong mỏi xử lý mạnh tay và kiên quyết hơn. Không du di cho bất cứ ai, lý do nào. Xin hãy đặt tính mạng con người lên trên hết để hành xử. Đồng thời, các cơ quan quản lý, cơ quan hữu trách lưu ý giám sát chặt chẽ nguồn điện, bảo đảm an toàn điện; kiểm soát kỹ việc hàn xì, đây là nguyên nhân gây hỏa hoạn lớn ở Trung tâm Thương mại quốc tế ITC ở TP HCM năm 2002 và karaoke số 68 Trần Thái Tông, TP Hà Nội cuối năm 2016. Khi con người bớt bất cẩn thì thảm họa mới được hạn chế từ đầu.
Cháy chung cư Văn Khê: Thấp thỏm vì chuông báo cháy tê liệt
Vụ cháy ở tầng 21 chung cư Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội) khiến nhiều người lo lắng bởi cũng như ở chung cư ... |
Những lỗ hổng chết người ở chung cư Carina dẫn đến thảm họa
Trụ cứu hỏa không có một giọt nước, hệ thống báo cháy và hướng dẫn thoát hiểm bị vô hiệu nhưng cơ quan PCCC quận ... |
Vụ cháy chung cư Carina Plaza: Chủ đầu tư cần xin lỗi người dân
Trong lần “xuất hiện” đầu tiên sau vụ cháy kinh hoàng làm 14 người chết, 91 người phải nhập viện, chủ đầu tư khu chung ... |
THẾ LINH