Sau khi Báo Lao Động đăng tải loạt bài Giăng bẫy lừa, dụ người trẻ khởi nghiệp bằng "thần dược" , bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế đã có những chia sẻ thẳng thắn về vi phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
Báo Lao Động vừa có loạt bài phản ánh việc nhóm người có tên Cộng đồng khởi nghiệp FAA chuyên chiêu dụ rồi dạy người trẻ cách lừa dối khách hàng qua điện thoại.
Cụ thể, nhóm người này đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người bệnh để tư vấn và bán ra bộ sản phẩm "Xương khớp ông Bồng" (chủ vị là thực phẩm chức năng Bồng Cốt Đan) với giá rất cao.
Xin bà cho biết đôi nét về sản phẩm Bồng Cốt Đan?
- Cục An toàn Thực phẩm đã theo dõi loạt phóng sự của Báo Lao Động liên quan đến sản phẩm thực phẩm chức năng, bảo vệ sức khỏe, cụ thể là sản phẩm Bồng Cốt Đan. Sản phẩm đã được cấp giấy xác nhận công bố từ năm 2016.
Qua kiểm tra, chúng tôi thấy rằng đã có việc thổi phồng vượt quá công dụng đã xác nhận cho sản phẩm. Với việc quảng cáo thực phẩm như vậy, sử dụng bệnh nhân đã dùng sản phẩm tốt, chữa khỏi bệnh… là vi phạm rất nghiêm trọng về các quy định về an toàn thực phẩm và quy định về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Những nhân viên không có bằng dược sĩ, bác sĩ… đóng giả, mạo danh để quảng cáo có vi phạm quy định hay không, thưa bà?
- Pháp luật quy định các bác sĩ không được đứng ra quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Việc giả mạo bác sĩ lại là vấn đề khác.
Bà Trần Việt Nga – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định việc thổi phồng quảng cáo về thực phẩm chức năng Bồng Cốt Đan vi phạm rất nghiêm trọng về các quy định về an toàn thực phẩm và quy định về quảng cáo đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Ảnh: TK |
Quảng cáo thực phẩm nói chung hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng không có quy định phải là bác sĩ hay dược sĩ mới được tư vấn. Quan trọng là phải quảng cáo đúng với bản chất, công dụng của sản phẩm.
Việc các công ty thuê người giả mạo bác sĩ, dược sĩ để hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng như một loại thuốc chữa bệnh như vậy là vi phạm rất nghiêm trọng. Chúng tôi cũng đã có nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sử dụng hình thức quảng cáo và bán sản phẩm như vậy. Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt và đề nghị đóng cửa rất nhiều doanh nghiệp.
Việc quảng cáo thực phẩm chức năng như một loại thuốc để bắt bệnh, kê đơn, uống thành liệu trình còn vi phạm như thế nào?
- Trong quy định ghi nhãn đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các sản phẩm luôn phải có câu “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” nên nếu để nói sản phẩm có thể sử dụng 1 liệu trình hay 2-3 liệu trình… sẽ khỏi bệnh là vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, quảng cáo.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có công dụng hỗ trợ, ví dụ hỗ trợ tăng sức khoẻ, tăng sức đề kháng… chứ không có tác dụng chữa bệnh.
Tại sao người dân lại có thể tin và mua những loại thực phẩm được quảng cáo như một loại thuốc, thưa Phó Cục trưởng?
- Đây là điều rất đáng buồn. Mặc dù các cơ quan quản lý, cơ quan truyền thông đã cảnh báo rất nhiều nhưng do thói quen của người tiêu dùng. Việc tiếp nhận thông tin và truyền tải qua kênh trực tiếp có vẻ rất phù hợp, ví dụ như gọi điện đến tư vấn trực tiếp chẳng hạn.
Các đối tượng có kinh nghiệm, nắm bắt đúng tâm lý của người bệnh, hứa hẹn có giải pháp chữa được khỏi ngay thì người bệnh rất dễ mua sản phẩm. Người tiêu dùng cần hết sức sáng suốt khi chọn mua một sản phẩm bảo vệ sức khoẻ nào. Đặc biệt, nếu bị bệnh phải đến các cơ sở khám chữa bệnh uy tín để khám chữa.
Việc lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, kinh doanh mặt hàng thực phẩm diễn ra tràn lan như vậy, Bộ Y tế và Cục An toàn thực phẩm đã có giải pháp như thế nào?
- Phải thừa nhận thời gian gần đây, việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên Facebook, Youtube xuất hiện khá nhiều.
Bản thân cơ quan quản lý cũng đã nhìn thấy những vi phạm điển hình. Có những sản phẩm thậm chí chưa được phép lưu hành tại Việt Nam nhưng đã được các tổ chức, cá nhân quảng cáo rầm rộ.
Một trong những quảng cáo sai sự thật của bộ sản phẩm Xương khớp ông Bồng với chủ vị là Bồng Cốt Đan. |
Có những sản phẩm như Bồng Cốt Đan, được phép lưu hành nhưng quảng cáo quá sự thật, công dụng và bản chất của thực phẩm.
Hình thức vi phạm thứ 3 là giả mạo bác sĩ hay đưa thông tin bệnh nhân chữa khỏi để làm quảng cáo.
Sau khi phát hiện, chúng tôi đã tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để làm việc với Facebook, yêu cầu hỗ trợ, xóa bỏ những quảng cáo không phù hợp. Trong 2 năm qua, Cục đã phối hợp và xử lý được rất nhiều trường hợp.
Tuy nhiên, do phải thông qua khâu trung gian là Bộ Thông tin và Truyền thông nên việc xử lý còn chậm. Do đó, hiện nay, Cục An toàn thực phẩm cũng đã chủ động mời Facebook sang làm việc riêng để phối hợp thực hiện nhanh chóng hơn.
Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tiến hành tập huấn cho toàn bộ cán bộ trong hệ thống để nhận diện các quảng cáo của tổ chức, cá nhân vi phạm, truy xuất được các chủ thể vi phạm để xử lý ngay.
Xin cảm ơn bà!
Quảng cáo thực phẩm chức năng có tác dụng như thuốc là lừa dối |
Một cộng đồng khởi nghiệp lọc lừa, không từ thủ đoạn nào |
Giăng bẫy lừa, dụ người trẻ khởi nghiệp bằng "thần dược" |