Khoa học công nghệ đưa Petrovietnam vững bước vào kỷ nguyên mới

Lịch sử thế giới cho thấy, mỗi quốc gia đến thời điểm trỗi dậy mạnh mẽ không chỉ cần sự tích lũy nội lực, sự hợp tác bền chặt với bạn bè trên thế giới mà cần có những doanh nghiệp tiên phong, dẫn dắt các trụ cột kinh tế phát triển nhanh, liên tục đột phá và bền vững. Quy luật nêu trên cũng là kỳ vọng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước dành cho Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam). Và để thực hiện được, chìa khóa chỉ có một: Khoa học công nghệ.

Chủ tịch HĐTV Petrovietnam giới thiệu hệ thống khoa học công nghệ Petrovietnam với lãnh đạo Đảng và Chính phủ

Xây dựng cơ chế đột phá.

Gần 50 năm qua, khoa học công nghệ Petrovietnam đã đi từ không đến có, người Petrovietnam từ vị trí học việc đến làm chủ mọi vị trí chính yếu, làm chủ các công nghệ từ thăm dò khai thác đến chế biến, chế tạo các sản phẩm trong cả một chuỗi giá trị của Tập đoàn. Có lẽ chính vì vậy mà nhiều cán bộ, kỹ sư Petrovietnam không chỉ luôn nỗ lực tự nghiên cứu, sáng tạo mà còn luôn tự tin vào tinh thần không ngừng học hỏi vươn lên.

Với mục tiêu thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ Petrovietnam lên tầm cao mới, tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo công tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số Petrovietnam (Ban Chỉ đạo), Chủ tịch HĐTV Petrovietnam, Trưởng ban Chỉ đạo Lê Mạnh Hùng đã nhấn mạnh, việc nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ là nhu cầu tự thân của Tập đoàn trong gần 50 năm qua. Trong bối cảnh đất nước đang trong giai đoạn vươn mình, mỗi thành viên của Petrovietnam không ai được phép đứng ngoài cuộc. Trong đó, nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm mới, có giá trị cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Tập đoàn là yêu cầu tất yếu.

Nhắc đến các thành tựu khoa học công nghệ của Petrovietnam chắc chắn không thể không nói đến 4 công trình nghiên cứu đạt giải thưởng Hồ Chí Minh và 6 công trình đạt giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ, cũng như nhiều sáng kiến, sáng chế, giải pháp cải tiến công nghệ trải dài trong hệ sinh thái Petrovietnam từ thăm dò, khai thác dầu khí - dịch vụ dầu khí - chế biến dầu khí - công nghiệp điện và đến nay là năng lượng xanh.

Những thành tựu của các nhà khoa học Petrovietnam là niềm tự hào lớn. Tuy nhiên, để có sự đột phá mới, chắc chắn phải có cái nhìn mới về nghiên cứu khoa học. Trước hết, cần phải rạch ròi giữa “nghiên cứu khoa học” và “phát triển công nghệ”. Trong đó, phát triển công nghệ là sự hấp thụ công nghệ, phát triển lên một tầm cao mới, tốt hơn, phù hợp hơn với điều kiện đất nước, con người, phục vụ tốt hơn cho sản xuất kinh doanh. Còn sứ mệnh thực sự của nghiên cứu khoa học là tìm ra cái mới, sản phẩm mới cho doanh nghiệp, đem lại sự đột phá trong sản xuất kinh doanh... đóng góp vào sự phát triển của xã hội.

Sở dĩ cần phải tách biệt hai lĩnh vực trên bởi đối với doanh nghiệp, nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nên việc hấp thụ công nghệ mới, phát triển công nghệ sẽ gắn chặt với sản xuất, xuất phát từ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Petrovietnam - với sự tham gia của lãnh đạo cao nhất Tập đoàn và các đơn vị thành viên - sẽ tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Khoa học Công nghệ thực hiện hiệu quả chiến lược khoa học công nghệ của Petrovietnam.

Ở đây, cần phải nói thêm rằng, trong gần 50 năm qua, Petrovietnam không chỉ khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí của đất nước, giữ vai trò trụ cột bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia mà còn tạo ra nhiều sản phẩm chế biến, hóa dầu..., đóng góp quan trọng trong sản xuất công, nông nghiệp. Đơn cử như hai nhà máy đạm là Phú Mỹ và Cà Mau đang đáp ứng trên 70% nhu cầu phân bón của cả nước, bảo đảm bình ổn thị trường, góp phần thúc đẩy việc tăng giá trị nông sản cũng như vị thế nông nghiệp nước nhà. Nhiều sản phẩm mới như phân bón tan chậm (sử dụng công nghệ nano), nhiều mặt hàng phân bón phù hợp với từng khu vực thổ nhưỡng tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng như những vùng cao nguyên, phân bón cải tạo đất trong thời gian ngắn…

Tại phiên họp nêu trên, Trưởng ban Chỉ đạo Lê Mạnh Hùng đã chỉ rõ 3 cơ chế đột phá về khoa học công nghệ của Tập đoàn gồm: Thu nhập xứng đáng; Xử lý rủi ro khi công trình nghiên cứu khoa học không đạt kết quả như mong đợi và phân phối lợi ích từ công trình nghiên cứu khoa học; Định hướng nghiên cứu tập trung vào các lĩnh vực cụ thể: Công nghệ năng lượng mới (lượng tử, pin hạt nhân, động cơ vĩnh cửu), công nghệ vật liệu siêu carbon (tổng hợp nhiên liệu hydrocarbon), công nghệ khai thác khoáng sản đáy biển (đất hiếm) và công nghệ chuyển đổi số (big data, AI, IOT). 

Giàn khai thác Trung tâm số 3 mỏ Bạch Hổ, nơi khai thác dầu trong tầng đá móng nhiều nhất cho đến nay cũng chính là cụm giàn ứng dụng công nghệ khai thác dầu không ngừng của các nhà khoa học dầu khí.

Mặt khác, lãnh đạo Petrovietnam cũng đã thống nhất các định hướng nghiên cứu nhằm phát triển Tập đoàn theo Kết luận 76-KL/TW của Bộ Chính trị; chú trọng đãi ngộ đối với các nhà khoa học, trong đó tính toán đến cả chiêu mộ nhà khoa học ngoài Tập đoàn phù hợp với chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Petrovietnam.

Tái cấu trúc và đổi mới.

Năm 2025, Petrovietnam kỷ niệm 50 năm thành lập. Trong suốt quá trình phát triển và trưởng thành của Tập đoàn, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) là tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ, giữ vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái của Petrovietnam nói riêng và ngành năng lượng nói chung. Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã nhiều lần khẳng định các công trình và kết quả nghiên cứu khoa học của Viện đã được đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị lớn cho sự phát triển của Tập đoàn.

Xuất phát từ yêu cầu phát triển của đất nước cũng như của Tập đoàn, việc đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số là yêu cầu bắt buộc. Gần đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Petrovietnam cũng ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 951-NQ/ĐU của Đảng ủy Tập đoàn về “đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo động lực mới, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh để Tập đoàn bứt phá, tăng trưởng với tốc độ 2 con số”… Đây là những Nghị quyết, văn bản quan trọng thể hiện sự quan tâm, tính cấp thiết của việc đổi mới sáng tạo và vai trò quan trọng của khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong kỷ nguyên “vươn mình” của đất nước.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, theo nhu cầu và xuất phát từ sự phát triển bền vững và lâu dài của Tập đoàn, việc tổ chức lại mô hình quản trị các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn là điều bắt buộc, có sự thay đổi nhằm đồng bộ với nhu cầu phát triển của Tập đoàn và đáp ứng mục tiêu tăng trưởng của đất nước. Do đó, trong thời gian tới, Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu suất làm việc nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển đề ra.

Đồng thời, Tập đoàn sẽ rà soát đánh giá đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, để sắp xếp phù hợp với nhiệm vụ, chức năng và sứ mệnh của các đơn vị. Điều này giúp Tập đoàn có sự điều chỉnh và sắp xếp đồng bộ với nhiệm vụ, chức năng và sứ mệnh của các đơn vị sau khi tổ chức lại, phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển của Tập đoàn.

Theo đó, VPI sẽ là nơi nghiên cứu, đề xuất và triển khai các công nghệ chiến lược của Petrovietnam trong thời gian tới. Đồng thời, chuẩn bị các nội dung, thành tựu về khoa học công nghệ để báo cáo, trao đổi với bạn bè quốc tế nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tập đoàn. Một nhiệm vụ quan trọng khác được Chủ tịch HĐTV Tập đoàn lưu ý với VPI là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, “giải phóng” người làm khoa học khỏi các thủ tục hành chính.

Đặc biệt, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới Tập đoàn và các đơn vị phải tập trung đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn, tiếp thu tri thức của nhân loại và của đất nước, biến tri thức ấy thành nguồn lực, doanh thu, lợi nhuận và sản phẩm cụ thể của Tập đoàn.

Gần 50 năm xây dựng và trưởng thành, đội ngũ các nhà khoa học Petrovietnam có 4 công trình nghiên cứu khoa học đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, 6 công trình đạt Giải thưởng Nhà nước và hàng trăm sáng kiến, sáng chế mỗi năm. Trong đó, có nhiều công trình làm lợi cho đất nước hàng trăm triệu USD, gây tiếng vang trong khu vực và toàn thế giới.

Khoa học công nghệ là nền tảng.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập, Petrovietnam đã xác định 3 trụ cột chiến lược: Năng lượng, công nghiệp và dịch vụ.

Trong đó, năng lượng là cốt lõi, không chỉ tập trung vào khai thác, chế biến dầu khí truyền thống mà còn mở rộng sang năng lượng tái tạo và năng lượng mới như điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân, hydro xanh, với mục tiêu đóng góp vào an ninh năng lượng và giảm phát thải. Trụ cột công nghiệp sẽ hướng đến lọc hóa dầu, sản xuất nhiên liệu, hóa chất thân thiện môi trường, thiết bị năng lượng và khai thác khoáng sản, nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo việc làm và thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trụ cột dịch vụ bao gồm kỹ thuật dầu khí, tài chính, logistics, công nghệ và đào tạo, được xác định là các lĩnh vực tiềm năng tăng trưởng lớn, hỗ trợ sự phát triển bền vững của tập đoàn.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang là xu thế trên toàn thế giới, Petrovietnam luôn đặt công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, và chuyển đổi số là nền tảng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Tập đoàn đang đầu tư mạnh vào trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, triển khai 10 công nghệ chiến lược và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở, kết nối với mạng lưới quốc gia và quốc tế.

Những giải pháp công nghệ số đã giúp Petrovietnam duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 16,7% mỗi năm và nộp ngân sách 21,3% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2024. Với doanh thu vượt 1 triệu tỉ đồng năm 2024 và lợi nhuận trước thuế trên 238 nghìn tỉ đồng giai đoạn 2021-2024, Tập đoàn đặt mục tiêu nâng mức chuyển đổi số của công ty mẹ lên mức 5 (mức dẫn dắt) và toàn Tập đoàn lên mức 4 vào năm 2030, đồng thời phấn đấu lọt vào Top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Đáp lại sự tin tưởng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Petrovietnam đang thể hiện một khát vọng lớn cùng quyết tâm xây dựng và củng cố vị thế dẫn đầu ngành công nghiệp và năng lượng xanh trong hành trình xây dựng một Việt Nam thịnh vượng. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và chuyển đổi nhanh của kinh tế toàn cầu, Petrovietnam đã cam kết đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và người dân để xây dựng nền kinh tế độc lập, đổi mới sáng tạo, đồng thời giữ gìn chủ quyền quốc gia, môi trường và phát triển bền vững. Với sự đóng góp liên tục 9-10% GDP/năm, Petrovietnam là minh chứng cho thấy ngành công nghiệp và năng lượng là trụ cột cho khát vọng “Việt Nam 2045” - một quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế quốc tế vững chắc.

Có thể thấy rằng, với một hệ thống quản trị tiên tiến, sự đổi mới từ cốt lõi trên nền tảng nguồn nhân lực dày kinh nghiệm và giàu truyền thống, chắc chắn rằng khoa học công nghệ sẽ là nguồn “nội lực” quan trọng và mạnh mẽ nhất để đưa Petrovietnam vững bước vào kỷ nguyên mới với vị thế dẫn dắt ngành công nghiệp - năng lượng Việt Nam.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Petrovietnam - với sự tham gia của lãnh đạo cao nhất Tập đoàn và các đơn vị thành viên - sẽ tạo điều kiện phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Khoa học Công nghệ thực hiện hiệu quả chiến lược khoa học công nghệ của Petrovietnam.

 https://pvn.vn/khoa-hoc-cong-nghe-dua-petrovietnam-vung-buoc-vao-ky-nguyen-moi-28748

PV / Cổng thông tin điện tử PVN