Khi thông tin không chuẩn

Chương trình Thời sự Đài Truyền hình Việt Nam tối 10-8 đưa tin lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Đồng Nai khẳng định không có trầm tích dioxin tích tụ dưới đáy sông Đồng Nai như một số thông tin đã đăng tải. 

khi thong tin khong chuan
Sông Đồng Nai cung cấp nguồn nước cho hơn 10 tỉnh, thành trong khu vực.

Điều này phần nào đã giải tỏa sự hoang mang của người dân về việc chất độc da cam/dioxin vẫn có thể đe dọa đến môi trường, cuộc sống của người dân ở một vùng đất được xem là bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc hóa học, nhất là khu vực Sân bay Biên Hòa.

Trước đó, thông tin của một tờ báo và nhiều trang mạng, mạng xã hội nêu ý kiến của TS.Lê Xuân Thuyên (Trường đại học khoa học tự nhiên thuộc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, dưới đáy sông Đồng Nai một số nơi có trầm tích nhiễm dioxin với nồng độ cao bị chôn vùi sau chiến tranh.

Nhận định này đã gây hoang mang trong dư luận, bởi lâu nay hàng triệu người dân TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai và các tỉnh lân cận vẫn đang sử dụng nguồn nước sông Đồng Nai.

Gia đình tôi sinh sống tại TP.Biên Hòa đã hơn 40 năm. Chúng tôi từng chứng kiến máy bay Mỹ hàng ngày xuất phát từ Sân bay Biên Hòa để rải chất độc da cam/dioxin ở những vùng rừng núi có quân giải phóng đồn trú. Sau chiến tranh, di chứng khủng khiếp của nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam không chỉ là người trực tiếp bị ảnh hưởng mà còn là con, cháu họ khi sinh ra không hoàn thiện cả về lý trí lẫn hình hài.

Sự khiếm khuyết cơ thể của những cháu bé khi phải mang mầm mống bệnh từ người cha, ông tham gia kháng chiến sẽ còn đeo đuổi đến hết đời. Đây là nỗi đau không chỉ của những gia đình nạn nhân mà còn là của đất nước khi đã trải qua thời kỳ dài chiến tranh khốc liệt.

khi thong tin khong chuan
Một cô gái ngồi ngắm cảnh sông Đồng Nai sau khi hoàn thành nhiều vòng đi bộ ở Công viên Nguyễn Văn Trị (ảnh tư liệu).

Trước mất mát của gia đình những cựu binh khi bị ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin, thời gian qua Nhà nước đã hỗ trợ phần nào cho những gia đình có con, cháu bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam điều kiện sống ổn định hơn.

Ngoài ra, các tổ chức xã hội thời gian qua vẫn kiên trì đấu tranh với Chính phủ Mỹ về thảm họa của chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Phía Mỹ cũng đang nỗ lực khắc phục, xử lý tồn lưu dioxin tại một số sân bay, như: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát (tỉnh Bình Định).

Mới đây nhất, sáng 9-8-2017, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 12,7 hécta đất sạch trong Sân bay Đà Nẵng cho Bộ Giao thông - vận tải sau khi đã xử lý ô nhiễm dioxin bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ.

Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chỉ đạo cơ quan chuyên trách đẩy mạnh khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam. Vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng phải thống kê, phân tích khoa học cụ thể và chính xác những vùng đất trên cả nước bị ảnh hưởng của chất độc hóa học để có hướng xử lý từng phần hiệu quả.

Rõ ràng, những thông tin nêu trên đã thiếu sự kiểm chứng, vội vàng, thậm chí cố tình lan truyền thông tin không đúng bản chất sự việc. Dù với bất cứ mục đích gì thì những thông tin lệch lạc đó rất tai hại đến hợp tác phát triển, gây ngờ vực trong dư luận về sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ trong việc tẩy độc những khu vực liên quan đến chất độc da cam/dioxin.

Vũ Duy (TP.Biên Hòa)

/ Báo điện tử Đồng Nai