Khi loài người phải sống chung với COVID-19

Covid-19 sẽ tồn tại trong xã hội loài người, kể cả ở Việt Nam, không phải chỉ trong vài tháng tới mà rất có thể nhiều năm tới, kể cả khi đã có vắc xin.

Dù có vẻ đang độc quyền thu hút sự chú ý của toàn thế giới, nhưng không nằm ngoài quy luật tự nhiên, đại dịch Covid1-19 sẽ sớm bị “bình thường hóa” để trở thành một vấn đề thường nhật và phải cạnh tranh về mức độ ưu tiên với nhiều thách thức khác mà cả thế giới, mỗi khu vực, mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, doanh nghiệp, mỗi hộ gia đình và mỗi cá nhân đang phải đối mặt hàng ngày trong cuộc sống.

Covid-19 chỉ là cái tên mới nhất trong danh sách dài những vấn đề nan giải như chiến tranh nóng, xung đột hạt nhân, biến đổi khí hậu, các bệnh không truyền nhiễm như tim mạch, ung thư, ô nhiễm môi trường, đói nghèo, bất bình đẳng...Nhiều trong số những vấn đề này đều là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất.

Cho đến trước đại dịch Covid-19, không quốc gia nào dừng phần lớn các hoạt động kinh tế, xã hội chỉ để xử lý một trong những vấn đề cấp bách trên và họ đều phải chọn cách sống chung và tìm cách xử lý dần dần.

Trong 10 yếu tố nguy cơ gây ra những bệnh có tỷ lệ tử vong và tàn tật cao nhất ở Việt Nam giai đoạn 2005 – 2016, đa số là liên quan đến hành vi, thói quen của con người như hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng chất kích thích, ăn uống linh tinh, lười vận động, không chấp hành quy định về an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.

khi loai nguoi phai song chung voi covid 19
Trước khi lấy gạo miễn phí, người dân đến đây phải xếp hàng theo đúng quy định giãn cách xã hội 2m. Ảnh: VietNamNet

Việc chiến thắng Covid-19 cũng phụ thuộc rất nhiều vào hành vi và thói quen của con người như rửa tay thường xuyên và đúng cách, không đưa tay sờ mặt, giữ khoảng cách với người khác, nói năng vừa phải, lịch sự, không văng nước bọt vào mặt người khác. Tiếc là thói quen không phải là thứ mà người ta có thể thay đổi một sớm một chiều.

Vậy thì xác định là phải sống chung với virus corona cho đến khi một số đủ lớn trong chúng ta trở thành người lịch sự hoặc bị cô ấy nhiễm vào để có miễn dịch trước khi tìm ra vắc xin.

Quy chuẩn an toàn Covid-19

Sau vụ 11/9, thế giới đã phải làm quen với những luật lệ, quy trình đảm bảo an ninh, an toàn hàng không mới chặt chẽ hơn nhiều, gây phiền toái hơn nhiều và trên hết là tốn kém hơn nhiều so với trước. Nhưng không ai có thể đảm bảo là những hành động khủng bố, phá hoại sẽ được ngăn chặn tuyệt đối. Đã có những vụ phi công cố tình lao cả máy bay dân sự chở hàng trăm người xuống biển. Nhưng người ta vẫn phải bay, thị trường hàng không vẫn phát triển. Dĩ nhiên, không ai đặt vấn đề làm thế nào để đưa thế giới quay lại thời kỳ trước 11/9.

Covid-19 sẽ tồn tại trong xã hội loài người, kể cả ở Việt Nam, không phải chỉ trong vài tháng tới mà rất có thể nhiều năm tới, kể cả khi đã có vắc xin. Vì vậy, cách tiếp cận thực tế mà cũng là tự nhiên nhất là làm thế nào để thích ứng tốt nhất với thực tế ấy song song với việc đẩy nhanh điều chế vắc xin, giống như chúng ta đang tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu trong khi không ngừng các nỗ lực làm giảm những nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu.

Quan sát phản ứng chính sách của các chính phủ trên thế giới, có thể thấy xu hướng thích nghi với Covid-19 đang thể hiện ngày càng rõ rệt. Họ không ngừng thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu để xây dựng nên những quy trình, quy chuẩn và tiêu chuẩn mới nhằm đảm bảo giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm trong môi trường làm việc, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, giao thông công cộng... Nói cách khác, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại, sinh hoạt, vui chơi, giải trí... giờ đây phải tuân thủ thêm một lớp quy chuẩn vệ sinh an toàn mới để chống Covid-19.

Việc xây dựng những quy chuẩn an toàn Covid19 mới này dựa trên những tri thức khoa học về nguy cơ mà virus này gây ra: cách thức lây nhiễm, xác xuất lây nhiễm, xác xuất biến chứng (phát bệnh), xác xuất tử vong đối với các nhóm nguy cơ khác nhau.

Ví dụ, khoảng cách tối đa mà giọt bắn của một người nói chuyện bình thường có thể vượt qua là 2m. Những người không giao tiếp với nhau, ví dụ như các công nhân may trong phân xưởng, khi đồng thời đeo khẩu trang và không nói chuyện với nhau trong ca làm việc, thì các bàn may của họ hoàn toàn có thể trong khoảng cách 2m mà vẫn an toàn. Có rất nhiều ví dụ tương tự như vậy.

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ tiếp xúc các bề mặt dính virus, đã có nhiều quy định như rửa tay, không đưa tay lên mặt, thường xuyên sát khuẩn bề mặt bằng hóa chất, tia cực tím... Giờ đây, chỉ việc chuẩn hóa bằng các tiêu chuẩn rõ ràng, ví dụ, buồng vệ sinh công cộng (bao gồm trên các phương tiện giao thông công cộng) có thể áp dụng các tiêu chuẩn khử trùng, khử khuẩn từ thủ công đến tự động theo tần xuất và mức độ tiệt trùng.

Để hạn chế nguy cơ nhiễm chùm và tạo thuận lợi cho công tác truy vết, có thể chia lực lượng lao động thành các tổ nhóm cố định (15 – 20 người) để các thành viên mỗi tổ chỉ tiếp xúc với nhau từ ở phòng ký túc xá đến trên xe đưa đón công nhân đến nơi làm việc và khu ăn uống, nghỉ ngơi. Đây là nguyên tắc đại loại như đóng tàu phải chia làm nhiều ngăn để nếu một ngăn bị thủng cũng không làm chìm ngay cả con tàu.

Còn rất nhiều giải pháp sáng tạo khác đã và đang được xây dựng và bắt đầu được triển khai với hàm lượng công nghệ ngày càng nhiều trên thế giới.

Những người hoài nghi sẽ nói, những tiêu chuẩn an toàn Covid-19 này rối rắm, phức tạp, vừa thiếu khả thi, vừa tốn kém. Họ nói đúng. Nhưng điều đó chẳng quan trọng vì nhân loại chẳng còn cách nào khác.

khi loai nguoi phai song chung voi covid 19 3 quốc gia Đông Nam Á có trên 5.000 ca nhiễm SARS-CoV-2
khi loai nguoi phai song chung voi covid 19 Món quà nhỏ mỗi sáng gửi tặng người nghèo, "ấm bụng" mùa dịch ở Hà Nội
khi loai nguoi phai song chung voi covid 19 2/3 số người Mỹ được khảo sát lo ngại gỡ bỏ giới hạn công cộng quá sớm
/ vietnamnet.vn