Vài tuần qua, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề có nên xuất hay không xuất khẩu gạo vào lúc mà đại dịch hoành hành gần như hầu khắp thế giới.
Vì vấn đề an ninh lương thực là trên hết, Chính phủ đã rất thận trọng chuyện này nên yêu cầu xác định lại lượng lương thực (cả cũ và mới) đang thu hoạch ra sao, liệu đủ an tâm chưa trước khi ra quyết định mới: hạn chế xuất hay tạm dừng xuất.
Sau khi được nghe các bộ, ngành, địa phương báo cáo tường tận, Chính phủ đã tạm chấp nhận phương án trước mắt sẽ xuất khẩu 400.000 tấn. Dù sao đây cũng là tín hiệu vui, cho thấy lượng lương thực trong nước đã có dư để có thể xuất khẩu trong chừng mực mà vẫn an toàn. Song cũng từ khi có thông báo để các ngành chức năng triển khai, đã xuất hiện 2 câu chuyện bất thường rất đáng lưu ý.
Thứ nhất, việc Tổng cục Hải quan (TCHQ) cho mở tờ khai Hải quan để các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho phép đăng ký kể từ 0 giờ ngày 12/4/2020 qua hệ thống thông quan hàng hóa tự động. Đây là cách làm tốt và khoa học. Nó đã từng triển khai từ 4 năm qua để giúp doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu đăng ký tờ khai.
Chỉ có điều dư luận ớ người, bởi không biết tại sao ngành hải quan lại phát hiệu lệnh cứ như phục kích trong chiến đấu vào lúc nửa đêm như vậy, là bình thường hay bất thường?
Dư luận và các doanh nghiệp đã tỏ ý nghi ngờ là bởi ngày 12/4 lại là ngày chủ nhật. Hơn nữa, TCHQ cũng không hề công bố thời gian mở hệ thống nói trên. Nó chẳng khác nào “trận chiến xuất khẩu gạo” này bị “đánh úp”?
Tại sao phải bí mật và có vẻ bất ngờ như vậy? Cũng vì lý do này, phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu gạo của các tỉnh không thể đăng ký tờ khai tham gia vào tổng sản lượng 400.000 tấn gạo được xuất khẩu trong tháng 4.
Trong nhiều năm qua (từ 2016 trở lại đây), Việt Nam luôn giữ vững vị trí trong “4 quốc gia có chỉ số giao lưu hàng hóa qua biên giới đứng đầu khu vực ASEAN”. Cách làm văn minh này góp phần giúp nhà nước cùng các doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều trăm triệu đô la do tiết kiệm thời gian đăng ký, đi lại, lưu hàng lâu trong kho không cần thiết…
Song rõ ràng, cách làm “xuyên đêm” này không thể gọi là bình thường, tự động như một vị có trách nhiệm trong bộ máy lãnh đạo TCHQ phát biểu trên VTV1 khi nhà đài họ nêu thắc mắc. Có lẽ vì vậy mà ngày 15/4, một lãnh đạo khác của TCHQ cũng đã phát ngôn thận trọng hơn khi cho biết, TCHQ sẽ rút kinh nghiệm về cách làm này. Bởi đó nên người ta xem việc này giống như “một trận đánh úp” doanh nghiệp vào lúc nửa đêm.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi về sự mập mờ, vì sao dù cấp phép xuyên đêm mà chỉ trong vòng 3 tiếng, một số ít doanh nghiệp lại có thể nhanh chóng mở tờ khai lấp đầy hạn ngạch 400.000 tấn?! Không những thế, chỉ vài tiếng trước giờ được mở tờ khai hải quan, thậm chí chính ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM còn phát biểu trên báo rằng: “Sớm nhất 13/4, Bộ Tài chính và TCHQ mới có văn bản hướng dẫn cho các tỉnh thành” khiến nhiều doanh nghiệp như bị đánh lừa.
Nên chăng kể từ sau chuyện này, để công bằng vẫn cần phải giao về cho các địa phương xem xét, dù thủ tục có thể chậm hơn đi nữa. Hiện nay cả nước có những 180 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh xuất, nhập khẩu gạo. Liệu TCHQ biết ai vào ai, mà xử lý chỉ theo kiểu mua vé bóng đá quốc tế qua mạng gần đây, ai nhấp chuột sớm người đó gặp may và thắng?
Thứ hai, có thông tin đã có 19 DN tham gia đấu thầu và thắng thầu bán gạo cho Tổng cục Dự trữ quốc gia đợt này. Họ từng nộp tiền cọc dự thầu để xem như một sự cam kết như lâu nay, nếu bỏ cuộc thì bị mất tiền do bị phạt. Ấy vậy mà họ vẫn ngang nhiêu xù hợp đồng. Họ chấp nhận mất trên 1 tỷ đồng mà vẫn cười tươi là kẽ hở cần được chấn chỉnh.
Trong số những doanh nghiệp lọt cửa cho xuất khẩu gạo lần này, cũng có vài doanh nghiệp từng trúng thầu bán gạo cho nhà nước để nhập kho dự trữ. Vậy nhà nước phải xử lý ra sao? Rõ ràng, chế tài về cam kết phục vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đã và đang bị méo mó, không kiểm soát được nên cần phải xem lại cho chặt chẽ hơn.
Nếu xảy ra chuyện tương tự sau này, nên chăng TCHQ phải đưa doanh nghiệp vào sổ đen, cấm cửa xuất khẩu một thời gian nhất định để tránh tái diễn hiện tượng chạy làng như nêu ở trên. Phải chỉ cho họ hiểu rằng, bảo vệ an ninh lương thực là vấn đề cực kỳ lớn. Phải có trách nhiệm đảm bảo tuyệt đối cung ứng đủ cơ số lương thực dự trữ quy định nếu chiến tranh hoặc thiên tai, dịch bệnh xảy ra .
Sự việc mở tờ khai Hải quan lúc 0 giờ sáng của một ngày nghỉ cuối tuần quả là độc nhất vô nhị trong nền hành chính còn nhiều hạn chế như nước ta. Không lẽ các cơ quan có trách nhiệm lại có thể xem là chuyện bình thường được hay sao?
Quốc Phong
Những bất thường sau khi nối lại xuất khẩu gạo
Sau nửa tháng dừng, gạo Việt Nam được nối lại xuất khẩu nhưng phát sinh bất thường từ cả cách hành xử của cơ quan quản lý ... |
Hai kịch bản về an ninh lương thực, xuất khẩu gạo trong dịch Covid-19
Đảm bảo an ninh lương thực là ưu tiên hàng đầu, khi nguồn cung giảm mà nhu cầu lương thực trên thế giới đang tăng ... |
Thủ tướng vẫn quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo
Ngày 25.3.2020, Bộ trưởng - Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng đã ký công văn số 2280/VPCP-NN truyền đạt chỉ ... |