Khen như thế nào để phát huy tác dụng tích cực? Khen không đúng thực chất, học sinh ngộ nhận về mình, đây là hệ quả đáng lo ngại nhất.
Đến hẹn lại lên, những ngày này, tin vui lại dồn dập đến với ngành giáo dục với một “vụ mùa” bội thu.
Đó là số liệu tổng kết “trên cả tuyệt vời” vừa được công bố từ các nhà trường khắp nơi trong cả nước.
Một phụ huynh ở Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Tôi mới đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu trai lớp 6. Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá”. [1]
Con số này khiến vị phụ huynh ngỡ ngàng thốt lên: “Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài”.
Vị phụ huynh này tâm sự: “Tôi chưa thấy đứa trẻ nào thất bại như cháu mình, 12 tuổi nhưng không biết yêu thương, không biết tôn trọng người khác, không tự chịu trách nhiệm với bản thân, không thể chủ động sinh hoạt. Chưa bao giờ thấy cháu nói được một câu rõ nghĩa và chuẩn mực”.
Một phụ huynh khác cũng không giấu được tâm trạng của mình: “Tôi kinh ngạc khi thấy con thi được 10 điểm”. [2]
Chuyện 99,99% học sinh khá giỏi không chỉ riêng một trường nào mà đã trở nên phổ biến từ vài chục năm nay.
Tổng kết năm học 2014-2015, một hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, trường phát giấy khen cho 100% học sinh (gần 700). [2]
Khen không đúng thực chất, học sinh ngộ nhận về mình. Ảnh minh họa |
Con số ấy thời các thế hệ ông cha đi học có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến. Vậy mà bây giờ, con cháu lại đạt được hết sức nhẹ nhàng. Quả đúng là “hậu sinh khả úy”!!!
Chuyện này có thể nói là cười ra nước mắt. Trong cái mừng cho con em được lãnh đủ loại giấy khen có nỗi đau thầm lặng về một nền giáo dục chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của thành tích ảo, gian dối, không thực chất.
Khen thưởng học sinh cuối kỳ, cuối năm là chuyện đương nhiên nhằm động viên các em sau một thời gian nỗ lực phấn đấu trong học tập và rèn luyện. Nhưng vấn đề đáng bàn là ở chỗ, khen như thế nào để phát huy tác dụng tích cực.
Kể từ khi ngành giáo dục và đào tạo thực hiện Thông tư 30/2014 và Thông tư 22/2016 về đánh giá học sinh tiểu học, chuyện khen thưởng bắt đầu bộc lộ những bất cập.
Cứ mỗi mùa kết thúc năm học, thầy cô lại bối rối với đủ các loại giấy khen học trò.
Những cụm từ như “loạn” giấy khen, “lạm phát” giấy khen xuất hiện nhiều trên truyền thông bởi em nào cũng được khen, không mặt này thì mặt kia theo quy định của thông tư 22.
Khen thưởng là chuyện trang trọng, nhưng khen thưởng tràn lan thì điều đó không còn nữa.
Ba bốn chục năm về trước, một lớp học có được vài ba em học giỏi đã là khá lắm rồi, chuyện khen thưởng cũng vậy, thế mà chẳng thấy ai bị “tổn thương” bao giờ. Tấm giấy khen vì thế ý nghĩa lắm, thiêng liêng lắm. Người được nhận nó tự hào đã đành, người không được nhận lòng cũng đầy ngưỡng mộ, thán phục đối với bạn mình. Cái giỏi cứ thế lan tỏa và có sức hút diệu kỳ.
Bây giờ thì… Có những phụ huynh tâm sự, thấy con đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhận giấy khen và phần thưởng mà không vui, bởi hơn ai hết, họ hiểu con mình.
Mới đây nhất, xảy ra một chuyện bi hài, trong buổi lễ vinh danh học sinh tiêu biểu do Ủy ban nhân dân Quận Cầu Giấy và Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) tổ chức, mỗi em được tặng một hộp quà đóng gói rất trang trọng. Điều hết sức bất ngờ đối với học sinh và phụ huynh là khi về nhà, hồ hởi mở gói quà ra thì chỉ nhận được mỗi một… tờ giấy A4 màu xanh.
Lý giải chuyện hi hữu này, lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận nói, đó là do trường chưa giải thích trước cho học sinh, rằng chỉ trao quà tượng trưng còn tiền thưởng các trường sẽ tới phòng tài chính để nhận cho các cháu.
Cho dù vị trưởng phòng đã viết thư ngỏ xin lỗi, nhưng bao nhiêu sự hụt hẫng, thất vọng của học sinh cùng cha mẹ và người thân của các em thì chưa dễ nguôi ngoai bởi “hộp quà giả” này.
Có em đã phải thốt lên: “Con bị lừa!”. Đây mới là sự tổn thương đích thực khi lòng tin vào người lớn của các em đã bị tuột mất.
Có lẽ ngành giáo dục chưa nhận ra được hệ lụy khôn lường của việc khen thưởng theo kiểu ban phát vô tội vạ này? Hay là đã nhận ra nhưng vẫn nhắm mắt đưa chân vì đủ thứ lý do ràng buộc nhà trường và thầy cô giáo?
Khen không đúng thực chất, nhà trường và thầy cô đang tiếp tay cho sự giả dối.
Khen không đúng thực chất, học sinh ngộ nhận về mình, đây là hệ quả đáng lo ngại nhất. Thế giới ảo không chỉ tồn tại trên mạng xã hội, thế giới ảo đang hiện hành ngay trong trường học, nơi được xã hội tin tưởng giao cho trọng trách thiêng liêng “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Khen không đúng thực chất, nhà trường đang triệt tiêu động lực sống của các em, bởi kém cỏi như cậu bé nói trên mà cũng được khen, được xếp vào hàng học sinh giỏi của lớp thì các cháu sẽ nảy sinh lối sống ích kỉ, chây lười, thụ động, chẳng cần phải nỗ lực học tập và rèn luyện. Thói xu nịnh, chuộng danh hão cũng từ đó mà ra.
Chẳng rõ các vị lãnh đạo ngành giáo dục từ Trung ương đến địa phương và các trường học khi tham dự những buổi lễ tổng kết cuối năm, nghe những lời có cánh trong báo cáo tổng kết và chứng kiến cảnh học sinh hầu hết đều được tặng giấy khen và phần thưởng, tâm trạng các vị hân hoan theo từng tràng pháo tay rầm rộ?
Tôi thì mong các vị “đau tim” để giáo dục nuôi hi vọng lột xác, thêm một lần “quyết liệt” với bệnh thành tích và khen ảo.
Bởi vì, hơn ai hết, các vị là người quyết định sự thành bại của giáo dục. Không một thầy cô nào dám làm điều trái với ý đồ của người lãnh đạo.
Nguyễn Duy Xuân
[1]. 'Trường dạy kiểu gì mà 42/43 em một lớp có giấy khen học sinh giỏi', News.Zing, 21/05/2019.
[2]. Nỗi buồn khen thưởng cuối năm học, News.Zing, 26/05/2015.
'42/43 học sinh giỏi một lớp là bình thường, không có bệnh thành tích'
Phòng GD&ĐT thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kết luận thành tích cuối năm học của lớp 6/2, trường THCS Nguyễn ... |