- Quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Mâu thuẫn và kéo lùi chuẩn so với thế giới
- \'Đào tạo tiến sĩ tràn lan, các trường đại học phải chịu trách nhiệm\'
- Chi hàng nghìn tỉ đồng cho đề án đào tạo tiến sĩ: Thảm bại nhiều chỉ tiêu, ai chịu trách nhiệm?
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giai đoạn 2015-2019.
Trụ sở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tại số 1 Liễu Giai, Hà Nội. (Ảnh: vass.gov.vn) |
Theo kết luận, giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện Khoa học xã hội (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sai quy trình, chương trình và quản lý đào tạo.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra một số vi phạm như: Quy trình đào tạo thạc sĩ thiếu quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận văn, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận văn; không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ. Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý và thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành đào tạo, không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn. Đặc biệt, tại chương trình đào tạo thạc sĩ của Học viện Khoa học xã hội thiếu nội dung về chuẩn đầu ra của từng chuyên ngành, còn trường hợp giảng viên hướng dẫn vượt số học viên cùng thời gian, học viên đăng ký ngành này nhưng được cấp bằng của ngành khác.
Thanh tra Chính phủ còn phát hiện một số hồ sơ học viên chương trình đào tạo còn thiếu sót, có trường hợp giảng viên không đủ điều kiện tham gia hội đồng chấm luận văn thạc sĩ. Trong đó Thanh tra kết luận: "Có nghiên cứu sinh đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu. Sổ cấp phát văn bằng còn tẩy xóa, sửa chữa, thiếu thông tin về nghiên cứu sinh".
Từ đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ trong giai đoạn 2015-2019; yêu cầu Học viện Khoa học xã hội bổ sung đầy đủ quy trình đào tạo; kiểm tra, làm rõ những trường hợp tẩy xóa, sửa chữa trên sổ cấp phát văn bằng, xử lý theo quy định nếu có sai phạm.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm trong công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thuộc lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phụ trách công tác đào tạo và Học viện Khoa học xã hội thời kỳ 2015-2019.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Viện Hàn lâm ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung có nhiều điểm bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Quy trình thực hiện nhiều đề tài không đúng quy định của luật Khoa học và công nghệ.
Cụ thể, có 3 đề tài, nhiệm vụ không có đóng góp về khoa học cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ do Văn phòng chủ trì chưa được tổ chức nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp bộ; 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nhưng không nghiệm thu cấp bộ; 29 đề tài, nhiệm vụ trùng thời gian; 30 hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học cấp bộ không đúng thành phần; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì; 191 hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở không đúng thành phần; 75 đề tài, nhiệm vụ nghiệm thu chậm tiến độ…
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Ban Kế hoạch-Tài chính, Ban Tổ chức cán bộ không tổng kết, đánh giá hiệu quả mô hình tổ chức, hoạt động tài chính của các tạp chí theo quy chế tổ chức và hoạt động của các tạp chí. Nội dung quy chế hoạt động còn bất cập, không tiết kiệm ngân sách nhà nước. Các đơn vị để tồn số lượng lớn tạp chí, gây lãng phí ngân sách nhà nước số tiền trên 7,5 tỷ đồng.
Trong 5 năm, số lượng tạp chí tồn kho của 33 đơn vị lên tới 104.811 cuốn (Tiếng Việt 92.959 cuốn, Tiếng Anh 11.852 cuốn) gây lãng phí lớn.
Cá biệt, có đơn vị để tồn kho số lượng lớn tạp chí, như: Tạp chí Triết học tồn 10.742 cuốn, Đông Nam Á 8.174 cuốn, Châu Phi và Trung Đông 6.381 cuốn, Hán Nôm 6.868 cuốn…; tạp chí Tiếng Anh (Tạp chí Tôn giáo in 1.850 cuốn, tồn 1.084 cuốn; Tạp chí Triết học in 4.000 cuốn, tồn 2.358 cuốn; Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội in 2.000 cuốn, tồn 840 cuốn).
"Các đơn vị tạp chí không xây dựng, lập các loại quỹ theo quy định của Quy chế tổ chức và hoạt động của các tạp chí"- Thanh tra Chính phủ nêu.