Quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Mâu thuẫn và kéo lùi chuẩn so với thế giới

TS Trần Lê Hưng cho rằng, nếu Việt Nam muốn hòa nhập với thế giới thì cần có chuẩn đầu ra trong đào tạo bậc tiến sĩ ở mức chuẩn như quốc tế.

Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới, trong đó bỏ quy định nghiên cứu sinh tiến sĩ phải có ít nhất 2 công bố trên tạp chí quốc tế. Thông tin này nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia học thuật.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều chuyên gia cho rằng, nghiên cứu sinh tối thiểu phải có công bố quốc tế để tăng cường khả năng hội nhập. Thế nhưng quy chế mới lại không cần công bố quốc tế cả người hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Đó rõ ràng là bước lùi của khoa học.

Từng có kinh nghiệm hơn 11 năm học tập, nghiên cứu khoa học ở Pháp, TS Trần Lê Hưng, giảng viên Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, ở Pháp nói riêng và thế giới nói chung, muốn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ thì bắt buộc nghiên cứu sinh phải sở hữu tối thiểu 2 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế của ISI/Scopus.

Tuy nhiên, trong quy chế đào tạo tiến sĩ mới được Bộ GD&ĐT ban hành gần đây, thiếu đi các quy định về công bố quốc tế. Điều này có phần không hợp lí và xa rời chuẩn chung của thế giới.

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới: Mâu thuẫn và kéo lùi chuẩn so với thế giới - 1
Nghiên cứu sinh nhận bằng tốt nghiệp. (Ảnh minh hoạ: GDTĐ)

Theo TS Hưng, việc hoàn thành luận văn hay sở hữu bài báo công bố quốc tế là một hình thức vinh danh, ghi nhận thành quả trong nghiên cứu của chính các bạn nghiên cứu sinh. Hơn nữa, với những bài báo quốc tế, không chỉ giáo sư hướng dẫn của các bạn ghi nhận mà sẽ được cả quốc tế ghi nhận. Việc làm này không đơn thuần vì cá nhân người nào đó mà làm vì cộng đồng khoa học quốc tế.

Vì vậy, ông cho rằng: "Sở hữu bài báo công bố quốc tế không chỉ là điều kiện cần mà là bắt buộc. Bởi, nếu đã làm nghiên cứu, phải có kết quả và được công bố rộng rãi; còn không có kết quả thì không thể đánh giá thực lực của người làm khoa học. Nếu Việt Nam muốn hòa nhập với thế giới, cần có chuẩn đầu ra trong đào tạo tiến sĩ với quốc tế. Việc quy định nghiên cứu sinh sở hữu hai bài báo quốc tế trước khi tốt nghiệp là điều cần thiết".

Bài báo quốc tế là minh chứng rõ ràng nhất khẳng định chất lượng đào tạo của trường, sự chăm chỉ, nghiêm túc trong nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Đồng thời, đó cũng là hành trang giúp các tiến sĩ bước ra nước ngoài tự tin hơn với bạn bè trên thế giới. Không có công bố quốc tế, chúng ta lấy thành tích gì để hội nhập, giao lưu với chuyên gia nước ngoài, TS Hưng thẳng thắn nêu quan điểm và cho rằng, quy chế 18 đưa ra thước đo mới bằng cách kéo lùi chuẩn. Đây là sự mâu thuẫn.

Câu hỏi được ông đặt ra, như thế nào là nghiên cứu sinh?

Cần phân biệt rõ giữa người xuất sắc hoàn thành luận án tiến sĩ khác với người cứ bỏ tiền ra đóng học 3 năm để mang danh nghiên cứu sinh.

Theo ông, bằng tiến sĩ chỉ là hành trang để bước vào việc nghiên cứu chuyên sâu. Các nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp tiến sĩ không đồng nghĩa với việc trở thành nhà nghiên cứu khoa học thực thụ. Do đó, tấm bằng này chỉ là chứng nhận ban đầu giúp người làm khoa học có các kỹ năng nghiên cứu, không phải cứ có bằng là bước chân hoàn toàn vào con đường nghiên cứu.

“Ngay cả tôi, khi có bằng tiến sĩ rồi, vẫn phải tiếp tục nghiên cứu để có những công bố đóng góp cho khoa học trên thế giới chứ không phải có bằng tiến sĩ xong để đó. Do đó, cần đưa ra quy chuẩn nhất định để chứng tỏ đạt chuẩn tiến sĩ phù hợp với thế giới, không phải học xong rồi bỏ đấy là không được”, TS Hưng chia sẻ và kiến nghị việc "kéo lùi chuẩn" như quy chế mới của Bộ GD&ĐT không phù hợp, nên cân nhắc thay đổi lại những quy chuẩn vừa ban hành.

Ngoài ra, nhiều năm về trước, ở Việt Nam từng xuất hiện vấn đề chạy thành tích công bố quốc tế. Một bộ phận không nhỏ các nghiên cứu sinh bỏ tiền ra để đăng những cái công bố rất dễ dàng. Đây là hình thức mua bán. Và trong hội liêm chính, các nhà khoa học cực kỳ lên án, phản đối hành động gian lận trên.

Theo vị giảng viên Đại học Công nghệ, thay vì “hạ chuẩn” quy chế đào tạo tiến sĩ, Bộ GD&ĐT có thể đưa nhiều giải pháp hơn. Ví dụ, quy định cụ thể về những báo được đăng, loại trừ báo trả tiền, hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề này. Khi chúng ta có quy định chặt chẽ, những tạp chí lớn sẵn sàng đăng miễn phí cho các nghiên cứu sinh có thực lực và tài năng thật sự.

THU HƯƠNG

Dự án khoa học kỹ thuật ngang tiến sĩ: Học sinh sẽ quen cách ứng xử gian dối Dự án khoa học kỹ thuật ngang tiến sĩ: Học sinh sẽ quen cách ứng xử gian dối
Tiến sĩ, giảng viên dùng văn bằng 2 Đại học Đông Đô: Các trường xử lý thế nào? Tiến sĩ, giảng viên dùng văn bằng 2 Đại học Đông Đô: Các trường xử lý thế nào?
Sa chân vào thế giới ảo, tiến sĩ kinh tế thành bệnh nhân tâm thần Sa chân vào thế giới ảo, tiến sĩ kinh tế thành bệnh nhân tâm thần

/ vtc.vn