Cả nước hiện có trên 8.000 lễ hội - được xem như “kho báu”, di sản văn hóa cha ông đã để lại cho thế hệ mai sau. Nhưng phải thừa nhận lễ hội bây giờ ngày càng xô bồ, biến tướng, bởi yếu tố tâm linh đang bị thổi phồng để đánh vào lòng tham của con người.
Tấp nập mọi cung đường trẩy hội
Ngày 21.2 (mùng 6 tháng giêng năm Mậu Tuất) có hàng chục lễ hội lớn nhỏ trên khắp cả nước chính thức diễn ra và nơi nào cũng chật nêm người.
Tại lễ hội chùa Hương, hàng vạn người bất chấp mưa gió, tấp nập đến khu danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức, Hà Nội) trẩy hội, du xuân. Lối lên động Hương Tích tắc nghẽn nhiều giờ, người dân kiên nhẫn xếp hàng, nhích từng bước, rồi đội cả lễ vật lên đầu, bái vọng để dâng lễ lên thần Phật.
Biển người dự khai hội chùa Hương vào mùng 6 tháng giêng năm Mậu Tuất. Ảnh: Vietnamnet
Lễ hội đền Gióng, dù trời có mưa phùn nhẹ, ngay từ 6h sáng 21.2 du khách thập phương đã nườm nượp tụ hội về Khu di tích lịch sử đền Sóc để tham dự lễ khai hội và xin lộc đầu năm.
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh) cũng đông không kém, dù nghi thức chém lợn đã được chuyển vào khu vực kín, không cho người lạ xem.
Cũng trong ngày mùng 6 tháng giêng, hàng vạn du khách đổ về quần thể chùa Bái Đính để dự lễ khai hội. Và không biết từ bao giờ người dân có quan niệm, trẩy hội chùa Bái Đính nhất định phải xoa tiền lên tượng Phật thì mới mang lại may mắn. Vì thế năm nay tiếp tục là những hình ảnh không đẹp được đăng tải trên các phương tiện truyền thông: Hàng tượng La Hán và nhiều bức tượng Phật nơi đây bị bào mòn vì người dân dùng tiền xoa. Dòng người chen lấn, xô đẩy để xoa tượng, có thanh niên đã quấn tiền vào đầu gậy, tìm mọi cách để xoa lên mình tượng Phật.
Bây giờ, người dân đi trẩy hội không với ý nghĩa vãn cảnh, du xuân, tìm bình yên nơi cửa Phật, hay tri ân công ơn của những anh hùng nghĩa sĩ. Lễ hội hiện nay đâu đâu cũng là cảnh dòng người xì xụp khấn vái, xin xỏ thần linh. Từ một tín ngưỡng đẹp trong ngày đầu năm mới, lễ hội đang bị lạm dụng, bị thương mại hóa. Người dân đi trẩy hội mang theo lễ lớn, lễ bé, với tâm thế dâng càng nhiều, lợi lộc sẽ càng đầy.
Có hiện tượng thổi phồng, biến tướng lễ hội để trục lợi
Với kinh nghiệm nhiều năm đi điền dã, nghiên cứu về lễ hội dân gian, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - chỉ ra rằng: “Những thứ nhếch nhác chúng ta nhìn thấy tại lễ hội ngày nay chỉ là những yếu tố ký sinh. Nó được sinh ra không phải từ hội mà do tính vụ lợi của nền kinh tế thị trường và sự thiếu niềm tin trong tâm lý người dân. Có lẽ người dự hội nghĩ rằng mình cúng thần thánh bao nhiêu thì sẽ được nhận lại ít nhất là bằng hoặc hơn thế”.
Một thực tế nữa, mùa lễ hội năm nào cũng dễ dàng bắt gặp những hình ảnh chỗ này trở thành biển người vì những lời truyền rằng chỗ ấy linh thiêng, xin gì được nấy, có khả năng hóa giải vận hạn trong năm. Trong khi nhiều di tích lại thưa vắng người, hương tàn khói lạnh. Có người ví von, các bậc thánh thần bây giờ được người dân xếp hạng bởi khả năng ban phát tài lộc.
GS Tô Ngọc Thanh cho rằng để trả lễ hội về đúng giá trị của nó, trước tiên những người tổ chức hãy trả lại đúng ý nghĩa của lễ hội, đừng thổi phồng vào đó những yếu tố tâm linh, không có thực để kích động tâm lý người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường yếu tố tuyên truyền, giáo dục, để người dân đến hội với tâm sáng, chứ không phải là những điều vụ lợi, tin vào thánh thần một cách mê muội, cuồng tín.
Nghìn người đổ về trẩy hội chùa Hương Tích
Chùa Hương Tích ở Hà Tĩnh là một trong hai ngôi chùa Hương nổi tiếng ở Việt Nam. Ngày khai hội ngôi chùa được mệnh ... |
Ngàn người chen chân trẩy hội Tây Sơn, uống nước giếng cầu may
Ngày 20.2, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã đổ về Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) ... |
Hàng nghìn người trẩy hội chùa Hương trong đêm
Trước ngày khai mạc lễ hội chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), hàng nghìn du khách đi đò đêm vào động lễ bái để kịp ... |