Trong khi quân đội Israel mở lại các cuộc tấn công nhằm vào Dải Gaza, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự nước này đối mặt với một câu hỏi đầy thách thức: Làm gì để có thể loại bỏ hoàn toàn Hamas?
Trục xuất các chiến binh theo “mô hình Beirut”
Khi lệnh ngừng bắn tạm thời hết hiệu lực, vẫn chưa có sự đồng thuận nào về các câu hỏi cơ bản có thể khiến chiến sự kết thúc.
Cũng không có thỏa thuận nào giữa Israel, Mỹ và các quốc gia Arab về việc ai sẽ điều hành Dải Gaza hoặc ai sẽ cung cấp an ninh hằng ngày cho 2 triệu người sống ở đó.
Israel và Mỹ đang mâu thuẫn về vai trò của chính quyền Palestine (PA) có trụ sở tại Bờ Tây trong việc điều hành Dải Gaza, nếu họ được giao việc này. Và, cũng chưa có lộ trình nào cho những gì sẽ xảy ra với hàng chục nghìn chiến binh Hamas cùng gia đình họ.
Hiện tại, một phương án đang được Israel và Mỹ thảo luận là trục xuất hàng nghìn chiến binh cấp thấp khỏi Dải Gaza như một phần nỗ lực đảm bảo rằng vùng đất này không bao giờ có thể được sử dụng để thực hiện một cuộc tấn công khác vào Israel giống như cuộc tấn công ngày 7/10. Ý tưởng này gợi nhớ đến thỏa thuận do Mỹ làm trung gian cho phép nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat và hàng nghìn chiến binh triệt thoái khỏi Beirut trong cuộc vây hãm thủ đô Lebanon năm 1982 của Israel.
Trước khi chiến sự giữa Israel và Hamas bắt đầu, Israel nhận định Hamas có khoảng 30.000 chiến binh ở Dải Gaza. Quân đội Israel cho biết họ đã tiêu diệt hàng nghìn thành viên Hamas kể từ khi tiến hành các cuộc tấn công trả đũa. Và, việc xác định cách giải quyết số lượng lớn chiến binh Hamas còn sống sót và gia đình họ đã khiến các quan chức Israel phải cân nhắc “mô hình Beirut”.
Năm 1982, lực lượng Israel bao vây Beirut trong nỗ lực làm suy yếu quyền lực của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ở Lebanon. Cuộc bao vây kéo dài 2 tháng và vụ ném bom trên diện rộng của Israel vào Beirut đã tạo ra rạn nứt giữa Israel và Mỹ, nước sau đó đã môi giới một thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến khi Israel cho phép nhà lãnh đạo Arafat và khoảng 11.000 chiến binh Palestine rời Lebanon đến Tunisia.
Nhưng, việc Hamas rời khỏi Gaza ngày nay về cơ bản sẽ khác so với việc PLO rời Lebanon vào năm 1982. Nếu 4 thập kỷ trước, các thành viên PLO chỉ là những người “trú chân” ở Beirut, thì bây giờ Dải Gaza là quê hương của các chiến binh Hamas và là một phần của nhà nước Palestine độc lập mà họ hy vọng tạo dựng.
Một quan chức cấp cao của Israel cho biết không rõ liệu các thành viên Hamas có lựa chọn phương án lưu vong nếu được đề nghị hay không. “Tôi không thấy đề xuất này hợp lý, nó khác với đề xuất dành cho PLO trước đây”, quan chức này nói với báo Wall Street Journal. “Bởi Hamas là một tổ chức thánh chiến, mang tính tôn giáo hơn”.
Randa Slim, Giám đốc Chương trình đối thoại, giám sát II & giải quyết xung đột của Viện Trung Đông (một cơ quan tư vấn có trụ sở tại Washington, Mỹ) cho biết ý tưởng trục xuất Hamas khỏi Dải Gaza vẫn đối mặt với nhiều trở ngại. Đầu tiên là cần có sự hỗ trợ từ những quốc gia sẵn sàng tiếp nhận các chiến binh Hamas. Kế đến là phải giải quyết câu hỏi liệu các chiến binh có thể ra đi cùng gia đình họ hay không. Cuối cùng, cần thuyết phục Hamas tin tưởng Israel sẽ tôn trọng bất kỳ cam kết nào đưa ra trong thỏa thuận, chẳng hạn như việc không nhắm vào các chiến binh khi họ rời khỏi Dải Gaza.
Truy lùng và loại bỏ các thủ lĩnh Hamas
Khác với các chiến binh cấp thấp, hiện vẫn không có cuộc thảo luận nào về việc cho phép những thủ lĩnh hàng đầu của Hamas ở Dải Gaza như lãnh đạo chính trị Yahya Sinwar và chỉ huy quân sự Mohammed Deif rời khỏi vùng đất này. Hai thủ lĩnh kể trên nằm trong số những nhân vật bị Israel xem là đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ngày 7/10.
Do đó, Yahya Sinwar và Mohammed Deif sẽ không nhận được sự khoan dung từ Israel như với các chiến binh cấp thấp. Trái lại, họ cũng như hàng loạt thủ lĩnh cao cấp của Hamas đang đối diện với nguy cơ bị săn đuổi trên toàn thế giới, khi cơ quan tình báo đối ngoại của Israel (Mossad) đang chuẩn bị một chiến dịch truy lùng và loại bỏ tất cả các nhân vật chịu trách nhiệm về vụ tấn công ngày 7/10.
Kế hoạch này được đích thân Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu công khai trước truyền thông. Trước sự sửng sốt của một số quan chức Israel, những người muốn kế hoạch này vẫn còn là một bí mật, ông Netanyahu đã thông báo ý định của mình trong một bài phát biểu toàn quốc vào ngày 22/11. “Tôi đã chỉ thị cho Mossad hành động chống lại những người đứng đầu Hamas dù họ ở bất cứ đâu”, Thủ tướng Israel tuyên bố.
Trong một bài phát biểu tương tự sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Yoav Gallant cũng nhắn nhủ rằng các nhà lãnh đạo Hamas đang sống trong “thời gian vay mượn”. Ông Gallant nói: “Cuộc chiến này sẽ diễn ra trên toàn thế giới, nhằm cả những kẻ khủng bố ở Gaza và những người bay trên những chiếc máy bay đắt tiền”.
Trước đây, Israel thường cố gắng giữ bí mật những nỗ lực như vậy. Nhưng, lần này là một ngoại lệ. Trao đổi với báo Wall Street Journal, một số quan chức Israel cho biết, câu hỏi hiện nay đối với các nhà lãnh đạo tại Tel Aviv không phải là liệu có nên loại bỏ các thủ lĩnh Hamas ở trên toàn thế giới hay không, mà là thực hiện việc này ở đâu và thực hiện bằng cách nào?
Kế hoạch của Israel nhắm vào các thủ lĩnh Hamas thực ra bắt đầu hình thành ngay sau ngày 7/10, khi các chiến binh Hamas thực hiện cuộc tấn công xuyên biên giới mà Israel cho rằng đã giết chết 1.200 người. Hơn 200 người khác, bao gồm cả người Mỹ và người châu Âu mang quốc tịch Israel, đã bị bắt cóc và đưa về Dải Gaza trong sự kiện này.
Các quan chức cho biết, một số quan chức Israel khi ấy muốn phát động một chiến dịch ngay lập tức để loại bỏ Meshaal và các thủ lĩnh Hamas khác sống ở nước ngoài. Các quan chức Israel đặc biệt tức giận trước đoạn video quay cảnh Meshaal và các nhà lãnh đạo khác của Hamas, bao gồm cả thủ lĩnh chính trị hàng đầu của tổ chức này, Ismail Haniyeh, ăn mừng và cầu nguyện trong khi xem tin tức trực tiếp về vụ tấn công ngày 7/10.
Nhưng lợi bất cập hại?
Lời tuyên bố truy lùng các thủ lĩnh Hamas trên toàn thế giới của Thủ tướng Netanyahu cũng làm dấy lên một cuộc tranh luận giữa các cựu quan chức tình báo Israel.
Efraim Halevy, cựu Giám đốc Mossad, gọi đó là “điều không nên làm”. Ông Halevy nói rằng, việc tiêu diệt các thủ lĩnh của Hamas sẽ không loại bỏ được mối đe dọa. Thay vào đó, nó có khả năng kích động những chiến binh của nhóm này và đẩy nhanh việc tạo ra các mối đe dọa thậm chí còn tồi tệ hơn.
“Việc truy đuổi Hamas trên quy mô toàn cầu và cố gắng loại bỏ tất cả các nhà lãnh đạo của tổ chức này một cách có hệ thống là mong muốn trả thù chứ không phải mong muốn đạt được mục tiêu chiến lược”, ông Halevy nhận định.
Thế nhưng, Amos Yadlin, một tướng Israel đã nghỉ hưu, người từng lãnh đạo cơ quan tình báo của quân đội, cho biết chiến dịch này “là điều mà công lý đòi hỏi”. Tướng Yadlin nói: “Tất cả các thủ lĩnh Hamas, tất cả những người tham gia cuộc tấn công, những người lên kế hoạch tấn công, những người ra lệnh tấn công, đều phải bị đưa ra công lý hoặc bị loại bỏ. Đó là chính sách đúng đắn”.
Có lẽ không quốc gia nào có kinh nghiệm như Israel trong việc thực hiện các chiến dịch trừ khử các mục tiêu trên toàn thế giới. Theo cuốn sách “Rise and Kill First” của nhà báo Israel Ronen Bergman, kể từ Thế chiến 2, Israel đã tiến hành hơn 2.700 hoạt động như vậy.
Được nhắc đến nhiều nhất là những chiến dịch truy lùng và tiêu diệt các cựu thành viên phát xít Đức từng nhúng tay vào việc thảm sát người Do Thái, được Mossad thực hiện trong hàng chục năm sau Thế chiến 2. Các đặc vụ Israel thậm chí đã tìm đến những trang trại hẻo lánh tại Nam Mỹ, nơi các cựu “đồ tể” phát xít ở ẩn với vỏ bọc mới, để ra tay trả thù.
Vào những năm 1960, các điệp viên Israel cũng đã sử dụng bom thư để nhắm vào các nhà khoa học Đức Quốc xã từng giúp đỡ Ai Cập phát triển tên lửa. Hoặc, nổi tiếng nhất là việc Mossad tiến hành truy lùng và tiêu diệt các tay súng Palestine thuộc nhóm “Tháng 9 đen” - những người đã bắt cóc rồi sát hại một nhóm vận động viên, huấn luyện viên Israel tại Làng Olympic ở Munich (Đức) năm 1972.
Nhưng, các chiến dịch đôi khi cũng phản tác dụng. Năm 1997, Mossad được lệnh trừ khử Meshaal - một người sáng lập Hamas đang sống ở Jordan. Các đặc vụ Israel đóng giả khách du lịch Canada và tấn công Meshaal bên ngoài văn phòng chính trị của Hamas ở thủ đô Amman (Jordan). Một sát thủ đã xịt chất độc vào tai Meshaal nhưng anh này đã bị bắt cùng một thành viên khác trong đội trước khi các đặc vụ còn lại kịp trốn thoát.
Meshaal hôn mê và Jordan đe dọa chấm dứt hiệp ước hòa bình với Israel. Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã thuyết phục Thủ tướng Netanyahu chấm dứt cuộc khủng hoảng bằng cách cử người đứng đầu Mossad đến Amman cùng với thuốc giải độc để cứu sống Meshaal. Và, để đổi lấy tự do cho các đặc vụ bị bắt, Israel đã phải thả Yassin - thủ lĩnh tinh thần của Hamas - cùng 70 tù nhân Palestine khác. Meshaal sau đó mô tả vụ ám sát thất bại này là một “bước ngoặt” giúp gia tăng ảnh hưởng và đem lại quyền lực cho Hamas.
Những gì đã xảy ra năm 1997, vì thế, cũng là một bài học mà Israel cần tính đến, nếu không muốn châm thêm dầu vào ngọn lửa hận thù vốn đã hừng hực cháy ở Dải Gaza.