Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Mỹ cần trả nhiều hơn nếu muốn tiến tới một kế hoạch thay thế thỏa thuận hạt nhân 2015.
"Nếu các ông muốn nhiều hơn, đòi hỏi nhiều hơn, thì các ông nên trao đi và chi tiền nhiều hơn", Rouhani phát biểu trong phiên họp thứ 74 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 25/9, đề cập tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tiến tới thỏa thuận "tốt hơn" nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran.
Tổng thống Iran cũng tuyên bố giữ vững lập trường về vấn đề đàm phán với Mỹ. "Chúng tôi nói không với các cuộc đàm phán bị ép buộc", Rouhani khẳng định, đồng thời cho biết không có ý định gặp người đồng cấp Mỹ bên lề kỳ họp thường niên Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York hôm 25/9. Ảnh: Reuters. |
Tuyên bố được Tổng thống Iran đưa ra sau khi Trump phát biểu trước Đại Hội đồng hôm 24/9 rằng Iran là mối đe dọa an ninh hàng đầu, kêu gọi các quốc gia không ủng hộ nước này. Ông chủ Nhà Trắng cáo buộc Iran có những hành vi "khát máu" khi tấn công hai nhà máy dầu ở Arab Saudi, cho biết sẽ siết chặt các lệnh trừng phạt nếu Iran còn tiếp diễn các hành động đe dọa.
Kỳ họp thường niên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay diễn ra tại New York từ ngày 17 tới 30/9. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tìm cách đưa hai lãnh đạo Mỹ - Iran ngồi vào bàn đối thoại nhưng nhiều khả năng sẽ không thành công.
Căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng từ năm ngoái, sau khi Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), do người tiền nhiệm Obama thông qua, và áp đặt chính sách "gây áp lực tối đa" lên Tehran. Tổng thống Mỹ muốn đàm phán một thỏa thuận mới nhằm kiềm chế tốt hơn chương trình hạt nhân, tên lửa của Iran và chấm dứt việc Tehran hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ đã khiến nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Iran gần như bị cắt đứt, đẩy nền kinh tế nước này vào tình trạng khó khăn. Tuy vậy, lãnh đạo Iran nhiều lần tuyên bố sẽ không khuất phục trước sức ép của Mỹ và không chấp nhận đàm phán.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)