Hợp tác dầu khí Việt - Nga qua góc nhìn của chuyên gia Nga: Kỳ V: Đoàn thăm dò dầu lửa số 36

Từ ngày thành lập 27-11-1961 đến ngày 1-4-1963, Đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36 đã hoạt động ổn định một thời gian dài ở Hưng Yên, gần hơn với khu vực có triển vọng đã được xác định cho đến thời điểm này của các tỉnh đồng bằng phía Bắc.

Mùa hè năm 1963. Một ngày lao động bình thường của Trưởng đoàn Thăm dò Dầu lửa số 36 Bùi Đức Thiệu đã kết thúc. Ở đâu đó ngoài thành phố, mặt trời đang lặn xuống thật nhanh, sau cửa sổ chỉ còn vọng lại những âm thanh thưa thớt khi đường phố bắt đầu vào đêm. Trưởng các nhóm khảo sát đến nộp báo cáo công việc, đơn yêu cầu vật liệu cần thiết và phương tiện vận tải. Cẩn thận đặt tất cả giấy tờ ngay ngắn trước mặt, ông Thiệu bắt đầu chăm chú đọc chúng.

hop tac dau khi viet nga qua goc nhin cua chuyen gia nga ky v doan tham do dau lua so 36


Xây dựng cơ sở phục vụ máy khoan (ảnh tư liệu của Petrovietnam)

Ông Bùi Đức Thiệu, 32 tuổi, được giao phó nhiệm vụ khó khăn là thành lập cơ quan dầu mỏ đầu tiên của Việt Nam, tập hợp nhân sự, trang thiết bị và đảm bảo quy trình làm việc bình thường cho các nhóm thăm dò dầu khí.

Suốt thời gian này, công việc chính của Đoàn 36 là các nghiên cứu địa vật lý. Phần lớn cán bộ Việt Nam vào thời điểm đó thường là những người “thực hành”, những người có những kỹ năng tổ chức tốt, nhưng kiến thức nghề nghiệp mới thì họ sẽ phải học trong quá trình làm việc. Tình trạng này đã được cứu vãn bằng các bài giảng mà chuyên gia địa vật lý Liên Xô N. V. Epstein và V. V. Maksyutova tổ chức sau giờ làm việc, nhưng thường thì các buổi học được tổ chức ngay trong các đội lao động và liên quan đến các vấn đề thực tiễn hẹp về hoạt động trên những máy móc nhất định.

Việc đào tạo các nhà địa vật lý ở Việt Nam được gấp rút bắt đầu. Trong năm học 1961-1962, Tổng cục Địa chất đã thành lập bộ môn Địa vật lý ở Trường Trung cấp Kỹ thuật và khoảng 60 sinh viên chuyên ngành địa chất được chuyển sang đây học. Để hỗ trợ các giáo viên của trường, nhà kỹ sư địa vật lý T. Nikiforova đã được cử đến công tác. Bà bắt đầu các khóa giảng về phương pháp thăm dò từ trường và trọng lực, về các phương pháp phóng xạ theo chương trình gần với các chương trình của các trường đại học địa chất Liên Xô. Ngoài ra, bà còn giúp các đồng nghiệp Việt Nam chuẩn bị các khóa giảng riêng của mình.

Trích báo cáo của lãnh đạo nhóm các nhà địa chất Liên Xô tại Việt Nam N. I. Lavrik năm 1965: “Tập hợp các nghiên cứu địa vật lý, kết quả khoan lõi, biểu hiện dầu khí trực tiếp và gián tiếp, lịch sử phát triển địa chất các khu vực miền Bắc Việt Nam, cũng như những tài liệu văn học về tiềm năng dầu khí của các vùng lân cận cho phép chúng tôi đánh giá cao triển vọng hàm lượng dầu khí của miền võng Hà Nội và vùng Đông Bắc của đất nước”.


Tháng 4-1962, kỹ sư địa vật lý Maksyutova, chỉ đạo kỹ thuật của nhóm địa chấn Đoàn 36 đã đến phụ trách việc tổ chức công tác nghiên cứu địa chấn của miền trũng Hà Nội. Bà nhận được sự hỗ trợ đắc lực của các kỹ sư Việt Nam Hồ Đắc Hoài và Trương Minh.

Tính đến năm 1963, đã có 126 người theo học tại Khoa Địa vật lý của Trường Trung cấp Kỹ thuật. Như thế là ở Đoàn 36 không chỉ có sự xuất hiện của các công nhân và kỹ thuật viên mà cả các kỹ sư - địa vật lý Việt Nam đầu tiên, chẳng hạn như cử nhân vật lý Nguyễn Ngọc Khánh và Nguyễn Hiệp.

Đặc biệt, một người nổi bật trong số các chuyên gia Việt Nam là nhà địa vật lý Phan Minh Bích, năm 1955 được đào tạo qua các khóa học địa chất và năm 1959 được cử đi học ở Liên Xô. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Học viện Khảo sát địa chất Mátxcơva chuyên ngành địa vật lý, ông trở về và được gửi đến Đoàn 36. Kể từ đó, ông Phan Minh Bích trở thành một nhân vật nổi bật trong ngành công nghiệp dầu khí tại Việt Nam.

Năm 1963, đã có những đội chuyên ngành được thành lập: Đội Thăm dò trọng lực, Đội Khảo sát địa chấn, Đội Thăm dò điện. Năm 1968, đã có 1.291 người làm việc trong Đoàn 36. Chính những con người này đã tạo nên cốt lõi, xương sống nhân sự của ngành Dầu khí Việt Nam.

Năm 1963, các nhà khảo sát trọng lực của Đoàn 36 đã lập bản đồ dị thường trọng lực tỷ lệ 1: 200 .000 cho lưu vực sông Hồng và tỷ lệ 1:50. 000 cho đoạn Phù Cừ - Thái Bình. Chúng đã chỉ ra những đặc điểm chung của cấu trúc kiến tạo sâu của miền trũng Hà Nội.

hop tac dau khi viet nga qua goc nhin cua chuyen gia nga ky v doan tham do dau lua so 36


Chuẩn bị cho công tác khảo sát thăm dò địa chấn (ảnh tư liệu của Petrovietnam)

Tháng 3-1965, bà V. V. Maksyutova và kỹ sư Hồ Đắc Hoài cùng soạn báo cáo về công tác thăm dò địa chấn ở khu vực miền trũng Hà Nội. Vào tháng 2-1965, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Kosygin đã có chuyến thăm chính thức tới Hà Nội. Chuyến thăm này đóng vai trò quan trọng đối với việc tổ chức hỗ trợ cho đất nước Việt Nam đang chiến đấu chống giặc Mỹ, cũng như đối với quá trình phát triển nói chung của quan hệ Việt - Xô trong tương lai.

“Trong vòng từ tháng 2 tới tháng 4-1965, hai bên đã đặt nền móng cho sự hợp tác Việt - Xô cho cả một thập niên. Những nguyên tắc cơ bản lập ra trong quá trình hợp tác hai bên trong những năm chiến tranh, tinh thần hợp tác, sự tin cậy giữa hai bên, thái độ cởi mở đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt các cấp và trong mọi lĩnh vực, thấm đẫm mối quan hệ Xô - Việt ngay cả sau khi Việt Nam thắng Mỹ” - đây là những lời tâm sự của một nhà ngoại giao nổi tiếng của Nga, người am hiểu sâu sắc về Việt Nam, ông I. A. Ognetov, khi đánh giá tầm quan trọng của chuyến thăm nói trên cũng như những chuyến thăm về sau này.

Chiến tranh làm thay đổi những kế hoạch trong công việc tìm kiếm dầu. Kề vai sát cánh làm việc với những người thợ Việt Nam là những chuyên gia khoan dầu và cố vấn Liên Xô, luôn có mặt vào những thời điểm quan trọng nhất. Với sự nỗ lực của các bên, việc khoan thăm dò tiếp tục được thực hiện, với chất lượng ngày càng tăng lên, bất chấp mọi khó khăn thời chiến tranh.

Vào năm 1967-1969, tham gia Đoàn 36, các chuyên gia địa vật lý của Liên Xô và Việt Nam cùng làm việc ngoài thực địa, cả ở miền võng Hà Nội, cả ở trũng An Châu.

Cần nhắc tới ít nhất vài cái tên của các chuyên gia Liên Xô tham gia vào công việc tìm kiếm dầu lửa vào cuối những năm 60 - đầu những năm 70: kỹ sư trưởng địa chất A. E. Kameneski (trước năm 1972, ông là nhân vật chính đảm nhiệm việc xác định chiến lược cho công trình tìm kiếm dầu lửa ở miền võng Hà Nội), kỹ sư trưởng địa chất về dầu và khí V. N. Kislyakov, các kỹ sư trưởng về đo trọng lực E. I. Isaev, V. D. Mironov…

Việc khoan giếng số GK-100 bắt đầu vào ngày 23-9-1970. Vào ngày 28-9-1971, choòng khoan đã chạm tới vạch 3.000m. Về tổng thể, tất cả các nhiệm vụ đặt ra khi khoan giếng đều đã đạt được, tại đây, nhờ thiết bị carota, đã thu được một tập hợp đầy đủ các dữ liệu, khẳng định những tiền đề địa chất chung về tiềm năng dầu và khí của miền võng Hà Nội. Năm 1974, chương trình khoan sâu được tiếp tục thực hiện với các giếng GK-101, GK-102.

Điểm mốc quan trọng trong lịch sử Nhà nước Việt Nam cũng như trong lịch sử ngành công nghiệp dầu khí của đất nước là năm 1975. Ngày 18-3-1975, tại giếng khoan GK-61 ở cấu tạo Tiền Hải “C”, mỏ khí ngưng tụ condensate đã được khai mở với trữ lượng xác minh đến 1,3 tỉ m3. Niềm hy vọng và trông đợi bao lâu của các nhà địa chất được thay thế bằng niềm vui và cao trào nhiệt tình phấn khởi. 15 năm tìm kiếm cuối cùng đã mang lại kết quả tốt đẹp.

Việc phát hiện dòng khí phun công nghiệp đã thay đổi tận gốc rễ những định hướng ưu tiên trong hoạt động hợp tác giữa hai nước Việt - Nga. Giờ đây dòng chữ đầu tiên trong kế hoạch thăm dò địa chất chính là tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt, là nhanh chóng cung cấp thiết bị cần thiết cho mục đích này.

Cơ sở khai thác khí Tiền Hải bắt đầu hoạt động từ ngày 1 - 10- 1977, khi thành lập Xí nghiệp khai thác đầu tiên của Việt Nam. Viện Thiết kế Giprogeolstroi của Bộ Địa chất Liên Xô bắt tay thiết kế cơ sở ống và cải tạo xưởng sửa chữa cơ khí tại Tiền Hải. Từ ngày 8 - 7- 1981, mỏ khí Tiền Hải bắt đầu khai thác ổn định và ngày nay, cơ sở khai thác vẫn hoạt động.

hop tac dau khi viet nga qua goc nhin cua chuyen gia nga ky v doan tham do dau lua so 36 Hợp tác dầu khí Việt - Nga qua góc nhìn của chuyên gia Nga : Kỳ IV: Bí ẩn của miền võng Hà Nội

Địa hình yên bình, đất đai màu mỡ và phì nhiêu, độ ẩm dồi dào, khí hậu thuận lợi đã biến vùng Đồng bằng sông ...

hop tac dau khi viet nga qua goc nhin cua chuyen gia nga ky v doan tham do dau lua so 36 Hợp tác dầu khí Việt - Nga qua góc nhìn của chuyên gia Nga: Gắn kết chặt chẽ với nước Nga (Kỳ II)

Lịch sử đã sắp đặt để sự hình thành ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với nước Nga. Sự ...

hop tac dau khi viet nga qua goc nhin cua chuyen gia nga ky v doan tham do dau lua so 36 Hợp tác Dầu khí: Điểm sáng trong quan hệ hữu nghị Việt Nam- LB Nga

Nhận lời mời của Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn ...