Nhận lời mời của Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 20-23/5. Chuyến thăm góp phần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt về dầu khí là một trong những điểm sáng trong quan hệ hợp hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Nhân sự kiện này, PetroTimes xin nhắc lại một số điểm nhấn trong quan hệ hợp tác dầu khí giữa hai nước.
Ngày 30/1/1950, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Kể từ ngày Bác Hồ thăm Azerbaijan năm 1959 và đặt nền móng cho sự ra đời ngành Dầu khí Việt Nam, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đối tác Liên Xô- LB Nga ngày nay, ngày càng có hiệu quả và thật sự đi vào chiều sâu.
Cuối những năm 1970, đầu những năm 1980, tình hình trong nước hết sức khó khăn, nền kinh tế mất cân đối nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và xung đột biên giới phía Bắc cũng gây tác động xấu đến tình hình đất nước. Trong điều kiện ngành Dầu khí nước ta không chỉ thiếu công nghệ, kỹ thuật mà còn thiếu cả vốn, nhân lực có trình độ cao về khoa học kỹ thuật và khả năng quản lý, thì vấn đề hợp tác với bên ngoài để tranh thủ các yếu tố trên là tất yếu.
Ngày 1/12/1979, Bộ Chính trị quyết định phương hướng hợp tác với Liên Xô về dầu khí. Ngày 17/12/1979, Việt Nam chính thức đề nghị Liên Xô giúp xây dựng ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam và hợp tác khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đây có thể coi là một quyết định có tính lịch sử, mở ra một thời kỳ mới cho ngành Dầu khí nước ta. Chúng ta đã chọn đúng đối tác, đầu tư đúng hướng và có bước đi ban đầu thích hợp để ngành Dầu khí phát triển mạnh từ những năm 1990 đến nay.
Ngày 3/7/1980, Hiệp định giữa Việt Nam và Liên Xô về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được ký tại Moskva. Đến ngày 19/6/1981, Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh dầu khí Việt – Xô được ký kết. Đây là bước ngoặt cho sự nghiệp phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Thành lập Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro là quyết định hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình thế và có tầm nhìn chiến lược, góp phần quyết định sự phát triển ngành Dầu khí nước ta.
Ngày 19/11/1981 Vietsovpetro chính thức đi vào hoạt động và bắt tay vào công tác nghiên cứu tài liệu địa chất - địa vật lý, xây dựng chiến lược và chương trình tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam. Đến nay, lịch sử thăm dò dầu khí của Vietsovpetro đã trải qua gần 40 năm thăng trầm. Trong thời gian khoảng thời gian đó, Vietsovpetro đã tiến hành công tác tìm kiếm, thăm dò trên hàng chục lô hợp đồng ở thềm lục địa Việt Nam, tiến hành khoan, tìm kiếm, thăm dò, đã phát hiện các mỏ dầu chủ đạo, đặt nền móng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Lễ ký kết Hiệp định hợp tác về thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam tại Điện Kremli tháng 7/1980
Đến nay, năng lượng- dầu khí là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả, đem lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Việt Nam và LB Nga. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, các Tập đoàn dầu khí lớn của LB Nga như Zarubezhneft, Gazprom và Rosneft đang triển khai nhiều dự án tại thềm lục địa Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp dầu khí hai nước đang xem xét, mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như nhập khẩu khí hóa lỏng, sản xuất nhiên liệu động cơ…
Vietsovpetro
Trải qua gần 38 năm thực hiện các Hiệp định Liên Chính phủ Việt - Xô, sau này là Việt Nam - LB Nga và các Nghị định liên quan, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro giữa Petrovietnam và Zarubezhneft đã thực hiện một khối lượng rất lớn công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Tính đến thời điểm 19/6/2016, tức là tròn 35 năm kể từ ngày thành lập, Vietsovpetro đã thực hiện khảo sát hơn 44 nghìn km tuyến địa chấn 2D, gần 10 nghìn km2 địa chấn 3D; hoàn thành thi công 91 giếng khoan tìm kiếm - thăm dò và 452 giếng khai thác với tổng cộng 2 triệu 180 nghìn mét khoan; phát hiện 7 mỏ dầu - khí có trữ lượng công nghiệp. Kết quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Vietsovpetro có ý nghĩa quyết định mở ra một giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp Dầu khí nước nhà, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước khai thác dầu đứng thứ ba ở Đông Nam Á.
Phát hiện và đưa vào khai thác thân dầu trong đá móng granit nứt nẻ mỏ Bạch Hổ với trữ lượng lớn, Vietsovpetro có công đầu tìm ra và khẳng định một loại thân dầu mới phi truyền thống trong công nghiệp dầu khí thế giới, làm thay đổi quan điểm tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và trong khu vực. Vietsovpetro đã đi đầu sáng tạo và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp để khai thác dầu trong đá móng một cách hoàn toàn mới, chưa từng gặp trên thế giới, đóng góp rất đáng kể cho khoa học dầu khí thế giới. Tính đến nay, Vietsovpetro đã khai thác được hơn 177 triệu tấn từ đối tượng này, tạo sự thu hút mạnh mẽ các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư vào hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam.
Giàn khai thác trung tâm mỏ Bạch Hổ
Kết quả hoạt động Vietsovpetro đã khẳng định sự hợp tác có hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và LB Nga trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, hoạt động của tập thể lao động quốc tế trong Vietsovpetro đã góp phần giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị quốc tế trong sáng giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô trước đây cũng như LB Nga và các nước SNG hiện nay. Vietsovpetro cũng là đối tác tin cậy của nhiều bạn hàng, nhiều công ty dầu khí hàng đầu thế giới. Những thành quả đạt được của Vietsovpetro đã từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng phạm vi hoạt động, vươn ra thị trường dầu khí bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Chuyên gia Nga và Việt Nam của Vietsovpetro
Hợp tác giữa Petrovietnam và Gazprom, Rosneft
Vietgazprom là Công ty liên doanh giữa Petrovietnam và Gazprom bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2002 và là công ty dầu khí có hoạt động rộng lớn và tích cực với 9 lô hợp đồng ở thềm lục địa Việt Nam, trong đó có những khu vực nước sâu, xa bờ.
Trong quá trình phát triển, Vietgazprom đã có những phát hiện quan trọng ở mỏ Báo Vàng, Báo Trắng, Báo Đen thuộc lô 112, 113 bể Phú Khánh thềm lục địa Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, Vietgazprom đã triển khai công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các lô 129, 130, 131, 132. Đây là những khu vực nước sâu, công tác thăm dò gặp nhiều khó khăn.
Năm 2012, Gazprom tham gia 49% lô 05-2, 05-3 do Công ty Điều hành dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) là nhà điều hành đang khai thác khí ở cụm mỏ Hải Thạch- Mộc Tinh. Đây là dự án khai thác khí có quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Kể từ ngày khai thác dòng khí thương mại (6/9/2013) tới tháng 1/2019, BIENDONG POC đã khai thác tuyệt đối an toàn hơn 10 tỷ m3 khí và hơn 17 triệu thùng condensate; tổng doanh thu đã đạt hơn 2,8 tỷ USD; nộp ngân sách Nhà nước lũy kế đạt trên 700 triệu USD. Với công suất khai thác trung bình đạt 2 tỷ m3 khí/năm, hơn 3 triệu thùng condensate/năm, tương đương với 20% lượng khí và condensate khai thác được của Việt Nam. Hiện nay, BIENDONG POC đang đứng thứ 2 tại Việt Nam về sản lượng khai thác khí và condensate.
Tháng 7/2018, Petrovietnam và Gazprom đã thảo luận về một loạt lĩnh vực hợp tác song phương trong thời gian tới. Đặc biệt, hai bên đề cập tới vấn đề thăm dò địa chất và khai thác hydrocacbon trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như triển vọng thực hiện các dự án chung trong lĩnh vực sản xuất khí đốt và nhiên liệu động cơ khí, cũng như vấn đề đào tạo cán bộ cho Petrovietnam. Hai bên cũng thảo luận vấn đề cùng triển khai thực hiện dự án chung về xây dựng khu liên hợp sản xuất LNG có trọng tải thấp và dự án sử dụng khí hóa lỏng làm nhiên liệu cho động cơ và kế hoạch thành lập một mạng lưới cung cấp LNG tại các trạm bán xăng dầu ở Việt Nam.
Bên cạnh Gazprom, Zarubezhneft, Công ty dầu khí quốc gia lớn nhất nước Nga Rosneft hiện tham gia vào lô 06-1 và đường ống khí Nam Côn Sơn và là Nhà điều hành. Hệ thống đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn là đường ống hai pha dài nhất thế giới, gồm 400 km đường ống dưới biển, trên bờ và trạm xử lý khí tại Dinh Cố và có vai trò chiến lược đối với nền kinh tế Việt Nam, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Khí và Condensate được khai thác từ mỏ Lan Tây và Lan Đỏ của Rosneft với sản lượng khai thác cộng dồn đến hết ngày 31/12/2014 xấp xỉ 45 bcm (44,91) và 18,2 triệu thùng condensate. Rosneft đang tiếp tục mở rộng hoạt động của mình ngoài khơi Việt Nam.
Việt Nam và LB Nga là hai nước có quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Quan hệ tốt đẹp giữa hai nước không ngừng được củng cố và tăng cường, trong đó hợp tác dầu khí luôn khẳng định là một trong những điểm nhấn quan trọng.
Góc nhìn của đại biểu Quốc hội về dầu khí
Ngành Dầu khí có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là tạo nền tảng phát triển kinh tế vùng và ... |
Cổ phiếu Dầu khí dẫn dắt, VN-Index vượt mốc 980 điểm
Trong phiên giao dịch đầu tuần mới (20/5), thị trường khởi sắc, nhóm cổ phiếu Dầu khí đồng loạt tăng cùng với sự tăng mạnh ... |
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Dầu khí là ngành kinh tế rất quan trọng của đất nước”
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để nghe báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ năm ... |