Hồng nhan đa truân (Kỳ 27)

Diệu Linh thấy không thể yên được nữa khi ở trường. Đối với Diệu Linh bây giờ, cái gì đang từ tốt cũng thành xấu.

hong nhan da truan ky 27 Hồng nhan đa truân (Kỳ 26)

Diệu Linh lấy mở điện thoại của Quang và tình cờ đọc được một tin nhắn có một dòng chữ rất lạ: “Thằng em nhớ ...

hong nhan da truan ky 27 Hồng nhan đa truân (Kỳ 25)

Sau khi nhận được kết quả đã lọt vào vòng thi chung khảo khu vực phía bắc, Quang và Diệu Linh đi ăn tối, rồi ...

Nhận được khoản tiền thưởng, Diệu Linh đưa cho bố mẹ một nửa và nói:

- Đây là tiền thưởng của con. Con biếu bố mẹ - Rồi Linh lại đưa cho Quân - Còn chị cho Quân 5 triệu.

Ông Tường gạt tiền ra và nói:

- Con cứ giữ lấy. Làm gì thì làm. Bố mẹ chưa cần tiền này của con. Nhưng bố dặn con điều này, con được danh hoa hậu thì dễ, nhưng giữ được danh hoa hậu thì khó lắm đấy.

Quân cũng không nhận và nói:

- Theo em, tiền này chị nên mua vàng. Sau này lúc nào khó khăn thì còn có tiền mà tiêu.

Diệu Linh bật cười:

- Sao em tôi bây giờ lại lo xa thế?

Quân nói với vẻ già dặn lạ lùng:

- Ôi, đời người ta có ai nắm tay được từ tối đến sáng. Hôm nay là hoa hậu, ngày mai là... thôi em chẳng nói nữa. Bây giờ chị đang sống trong hào quang, nhiều người ngưỡng mộ, nhiều lời chúc tụng, quà cáp, nhưng có gì mãi mãi đâu.

Ông Tường hỏi:

- Từ hôm được hoa hậu đến giờ, con đến trường thấy thế nào?

Diệu Linh không dám giấu bố:

- Cũng buồn bố ạ. Khi con chưa là hoa hậu thì mọi người vui vẻ lắm, nhưng từ lúc có cái danh hoa hậu, tự nhiên mọi người lại xa lánh con. Con có làm gì đâu.

Ông Tường nhìn con gái thương hại:

- Đấy mới chỉ là một tai họa nhỏ thôi con ơi. Còn nhiều tai họa nữa, bố đã nhìn thấy rồi. Sẽ còn nhiều cạm bẫy đến với con.

***

Và quả thật, Diệu Linh thấy không thể yên được nữa khi ở trường. Đối với Diệu Linh bây giờ, cái gì đang từ tốt cũng thành xấu. Cô làm bài được điểm cao thì lúc đi thoáng qua một đám bạn đang nói chuyện, cô nghe thấy một bạn trai nói:

- Bây giờ nó làm thế nào mà chẳng được điểm cao. Khi chưa là hoa hậu, ông Vương còn mê tít thò lò. Huống hồ khoác lên mình cái danh hoa hậu.

Một bạn khác nói:

- Bây giờ nó mà đổi tình lấy điểm thì có khi có bằng tiến sĩ ngay.

Không ngày nào là cô không nghe thấy những câu chuyện thị phi như vậy.

Nhưng điều Diệu Linh thấy sợ hãi nhất là các báo bắt đầu nói về cô nhiều hơn. Không ngày nào là cô không có điện thoại gọi mời trả lời phỏng vấn.

Nghe lời ông Vũ, Diệu Linh không trả lời phỏng vấn trực tiếp bất kỳ báo nào. Chỉ cần cô nhấc điện thoại lên nói mấy câu là hôm sau đã có báo nói rằng, đã phỏng vấn trực tiếp hoa hậu Vũ Thị Diệu Linh và được chị cho biết thế này, thế khác.

Một buổi sáng, Diệu Linh vừa đến lớp thì thấy các bạn đang chuyền tay nhau xem một tờ giấy.

Diệu Linh hỏi Phương Lan:

- Mọi người xem gì thế? Phao à?

Phương Lan lắc đầu:

- Không phải đâu. Một bài báo viết về cậu đấy. Mọi người vừa copy về.

Diệu Linh nói:

- Cho tớ xem với. Bài báo viết gì thế?

Thế nhưng mọi người giấu tờ báo đi, không ai cho cô xem.

Phương Lan lấy bút ghi địa chỉ báo đó rồi nói với Diệu Linh:

- Cậu tìm mà xem. Chắc chắn là chỉ 2 giờ đồng hồ nữa thôi là báo nào cũng đăng bài này.

Diệu Linh vội vàng bỏ học, chạy qua một quán Internet và vào địa chỉ Phương Lan đã cho.

Cô sững sờ khi thấy cái tít “Những mối tình của hoa hậu Vũ Thị Diệu Linh”. Bài báo đó đã nói về chuyện khi còn là học sinh lớp 12, cô đã yêu Hồng Phương như thế nào, rồi Hồng Phương đã tự tử suýt chết vì cô, rồi chuyện em trai cô đánh một người bạn của Hồng Phương gãy xương sườn, rồi chuyện cô yêu Quang.

hong nhan da truan ky 27

Trong bài báo có một đoạn mà khi đọc Diệu Linh thấy lạnh người: “Với những cô gái mới lớn và ngây thơ như Diệu Linh thì có lẽ họ sẽ coi những người như Lê Huy Quang là thần tượng - bởi vẻ ngoài hào nhoáng, sang trọng, cách cư xử lịch lãm, khéo léo và luôn tỏ ra con nhà giàu. Nhưng không mấy người biết nơi Quang dùng làm phòng chụp ảnh khỏa thân là nơi dụ dỗ những cô gái trẻ. Quang đã chụp ảnh và đã có lần dùng ảnh đó khống chế những cô gái nhẹ dạ, cả tin. Thứ ảnh gọi là nude mà báo chí tung hô là nghệ thuật ấy là thứ nghệ thuật hạ cấp, chỉ lừa được những người không biết gì về nghệ thuật. Kết thúc bài báo này, tôi xin dẫn lời của nhà nhiếp ảnh Vũ Huyên - một trong những cây đại thụ của nền nhiếp ảnh Việt Nam, người đã từng được 5 giải ảnh báo chí quốc tế và 3 giải ảnh báo chí toàn quốc nhận xét về ảnh nude của Lê Huy Quang trên Tạp chí Nhiếp ảnh: “Ở Việt Nam, ảnh khỏa thân còn đang là vấn đề bàn cãi giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật. Tuy nhiên, có một điều rất dễ nhận thấy ở ảnh khỏa thân của Quang đó là những loại ảnh không hề có tính nghệ thuật”.

Đọc xong bài báo Diệu Linh sững sờ.

Cô copy lại, in ra rồi gọi cho Quang:

- Anh đã đọc bài báo viết về anh chưa?

Tiếng Quang thản nhiên:

- Anh đọc rồi. Sáng nay có 3 báo viết về em và anh. Em quan tâm làm gì. Đây là những trang tin tổng hợp, sống bằng nghề cắt, dán, nhặt nhạnh và bịa đặt thông tin. Em cứ mở ra, ở cuối trang làm gì có tổng biên tập phụ trách đâu. Đừng quan tâm đến những thứ báo này.

Diệu Linh hỏi:

- Tại sao nhà nhiếp ảnh Vũ Huyên lại có nhận xét về ảnh của anh như thế?

Quang bật cười:

- Em chẳng hiểu gì cả. Trong nghề nó thế, luôn đố kỵ nhau. Người ta nói “văn mình, vợ người” mà. Ông nhiếp ảnh nào chẳng nói ảnh của mình đẹp, ảnh của thiên hạ dở. Anh mà nhận xét ảnh của ông Huyên thì anh cũng nói ảnh của ông ấy là ảnh thông tấn, chẳng có chút giá trị nghệ thuật nào. Mà thôi, em đừng quan tâm đến chuyện đấy. Trưa nay về đây ăn cơm với anh nhé.

Nghe Quang nói bình thản, Diệu Linh cũng yên lòng.

Nhưng khi Diệu Linh quay lại lớp học, mọi người nhìn cô bằng ánh mắt lạnh lùng hơn hẳn, thậm chí còn khinh bỉ nữa.

***

Từ khi được trao vương miện hoa hậu, cuộc sống của Diệu Linh bị đảo lộn hoàn toàn.

Diệu Linh liên tục phải bỏ học để đi dự những chương trình xã hội từ thiện, những buổi tiếp tân, các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục ở khắp nơi vì thế Diệu Linh bị gọi lên nói chuyện với thầy chủ nhiệm khoa.

Sau khi nghe cô trình bày về lý do phải nghỉ học nhiều, thầy nhìn Diệu Linh bằng ánh mắt thương hại nói:

- Việc em được vinh danh hoa hậu là vinh dự của em. Nhưng em làm gì thì làm, phải chú ý đảm bảo chế độ học hành và thi cử. Sẽ không có bất cứ ngoại lệ nào dành cho em đâu. Thầy nói để em hiểu và sắp xếp thời gian.

Diệu Linh muốn xin thầy chiếu cố cho cô điểm một vài môn:

- Thưa thầy, vừa rồi có một môn em bị điểm thấp, là môn viết tin. Thầy cho em được ôn để thi lại.

Thầy nói:

- Em học báo chí mà đến môn viết tin mà còn không ra hồn thì thật lòng thầy khuyên em đừng nên học báo chí làm gì.

Ông nhìn Diệu Linh bằng ánh mắt có phần khinh bỉ, ông nói với giọng mỉa mai:

- Là hoa hậu rồi thì cần gì phải học hả em?

Lời nói của thầy như gáo nước lạnh dội vào Diệu Linh.

Không biết nói gì hơn, Diệu Linh lúng búng chào thầy và ra về.

Từ lúc đó, Diệu Linh bắt đầu có ý định bỏ học.

***

Trong bữa cơm, thấy Diệu Linh thẫn thờ, ông Tường hỏi:

- Sao thế con? Hôm nay lại có chuyện gì à?

Diệu Linh nói:

- Bố ạ, con nói điều này xin bố mẹ hãy bình tĩnh.

Nét mặt bà Thường tái hẳn đi, còn ông Tường thì cười nhạt:

- Bố mẹ phải bình tĩnh à? Con định xin cưới chăng?

Diệu Linh lắc đầu:

- Không. Không có chuyện ấy. Là chuyện học hành của con. Từ hôm con được hoa hậu, không hiểu tại sao ở trường mọi người nhìn con bằng ánh mắt khác hẳn. Không phải là thù ghét, nhưng họ coi thường con ghê gớm. Hôm nay con đến nói chuyện với thầy trưởng khoa, thầy còn mỉa mai nói con rằng đã là hoa hậu rồi thì cần gì phải học. Con không chịu nổi sức ép như thế này nữa.

Ông Tường hơi gật đầu:

- Con cứ nói hết đi.

Diệu Linh kể cho bố nghe về cách cư xử của bạn bè trong lớp, về lúc cô bê đĩa cơm vào bàn ăn trong căng tin thì lập tức những người xung quanh lảng ra chỗ khác, bữa cơm nặng nề. Hình như họ không coi cô là hoa hậu, là một người mang vinh quang về cho trường, mà là một tội đồ, một đứa đáng khinh.

Diệu Linh nói xong, ông Tường hỏi:

- Con đã nói hết chưa?

Diệu Linh trả lời:

- Con nói hết rồi.

Ông Tường bình tĩnh:

- Con ạ, những điều này con không nói thì bố cũng đoán ra, bố đã lường ra được trước khi con đi thi hoa hậu. Có mẹ con chứng kiến, từ trước đến nay bố thắp hương ở bàn thờ là để tưởng nhớ ông bà, các bậc tổ tiên và không bao giờ cầu xin điều gì. Nhưng trước khi con đi thi hoa hậu, bố đã phải thắp hương xin các bậc tổ tiên cứu lấy con, đừng cho con đạt giải gì cả.

Bà Thường nghe nói thế thì chảy nước mắt.

Diệu Linh ngạc nhiên vô cùng.

Ông Tường nói tiếp:

- Bố biết, ánh hào quang của danh hiệu hoa hậu đè lên vai con rất nặng. Bên cạnh đó còn là nhiều cạm bẫy. Con phải biết là con đang đứng trên đỉnh vinh quang. Người đứng trên đỉnh núi thì dưới chân là vực đấy con à. Nhưng con không nhìn thấy bờ vực ấy đâu. Con đi một bước là con bước lên trời. Con được hoa hậu, con biết là gì không? Đầu tiên là nhờ sắc đẹp mà con được thừa hưởng từ cha mẹ, là nhờ nền giáo dục ở gia đình này. Nhưng những người bạn của bố đã nói trong cuộc thi vừa rồi, người ta đã có những ưu ái cho con, điều này chính là từ chú Vũ.

Diệu Linh nói:

- Nếu họ nói thế thì là nói xấu con, con không hề nhờ vả gì chú Vũ. Con đi thi với tâm thế là cho vui, chứ có chạy chọt, xin xỏ ai đâu.

Ông Tường nói:

- Có những điều bên trong mà con không biết được đâu. Nhưng thôi, điều đó không quan trọng bằng việc sau khi con được hoa hậu, con đã ứng xử như thế nào? Con đã lên chào và cảm ơn nhà trường chưa? Con đã giúp được gì cho nhà trường chưa? Hay là từ khi con được hoa hậu xong, con đi tỉnh nọ, tỉnh kia, con đi hết cuộc giao lưu lớn đến cuộc giao lưu bé, rồi suốt ngày con cặp kè với thằng Quang. Còn đây, hôm nay bố đã đọc khoảng hai chục bài báo về thằng người yêu con. Bố cứ cho rằng trong đó có ba phần tư là thông tin sai lệch. Nhưng chỉ cần đúng một phần tư thôi thì con ơi là con, bố thấy con bất hạnh khi định gắn bó cuộc đời với thằng ấy rồi.

Bà Thường vừa lau nước mắt vừa nói:

- Con ạ, con hãy tỉnh lại đi. Như thế này thì bố mẹ thấy nguy hiểm quá.

Diệu Linh chợt cứng rắn.

Cô nói lạnh lùng:

- Con quyết định rồi. Con sẽ không học nữa. Con không thể chịu nổi ánh mắt của mọi người khi đến trường. Con thi điểm tốt thì lại bảo con đổi tình lấy điểm, nhờ có danh hoa hậu nên mới được điểm cao. Con thi điểm không cao thì lại bảo con suốt ngày lo ăn chơi. Như thế thì làm sao con sống nổi.

Ông Tường nói:

- Con định bỏ học à? Thế con định làm gì? Hay con về bám lấy thằng Quang, ngửa tay sống bằng đồng tiền của nó?

Diệu Linh lạnh lùng:

- Không. Con không phải nhờ anh ấy. Con đủ sức để sống. Đã có một trường đại học nước ngoài tặng con học bổng. Con sẽ đi nước ngoài.

Ông Tường nói:

- Học bổng đi nước ngoài à? Con nên nhớ rằng không ai sòng phẳng về đồng tiền như người Tây đâu nhé. Người ta không cho không con cái gì đâu. Người ta cho con học bổng ấy không phải để con học tập, có kiến thức và mang về phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc này.

Bà Thường ngăn chồng:

- Thôi, mình ạ. Con nó còn trẻ người non dạ. Tôi xin mình hãy bình tĩnh. Còn con, hãy suy nghĩ cho kỹ.

Quân cũng nhìn chị bằng ánh mắt khác:

- Hôm nay bạn em cũng in cho em đọc những bài báo viết về mối tình của chị và lão Quang. Em nói thật là em đã đi dò hỏi rồi. Hóa ra nhà nó không giàu có đến thế đâu. Mà nó là thằng mất dạy. Bố mẹ nó từ nó lâu rồi. Ông bà, anh em nhà ấy muốn yên thân nên mua cho hắn một căn nhà và tống nó ra ngoài đấy ở.

Diệu Linh gượng gạo:

- Quân ạ, em đừng nghĩ như thế. Oan anh ấy. Chị yêu anh ấy thì chị phải biết chứ.

Quân nói:

- Bây giờ thì chị mắt kéo màng, mù lòa vì yêu rồi. Chị làm gì còn đủ tỉnh táo, bình tĩnh để nhìn nhận người nào xấu, người nào tốt.

***

Diệu Linh bỏ đến nhà Quang, gục đầu vào lòng Quang khóc như mưa như gió.

Cô nói trong nước mắt:

- Anh ơi, có lẽ em phải bỏ học thôi. Như thế này thì em không chịu nổi nữa. Ở trường bạn bè coi thường, khinh bỉ; về nhà thì bố mẹ mắng mỏ, hắt hủi. Mà được cái danh hoa hậu này, em có làm gì đắc tội với mọi người. Tại sao mọi người lại cư xử với em như vậy? Đến Quân là người từ xưa đến nay lo cho em từng tý một mà bây giờ cũng không coi em ra gì.

Quang vuốt nhẹ tóc Linh, cười ranh mãnh:

- Anh cũng đã nghĩ đến điều này và cũng đã chuẩn bị cho em.

Diệu Linh ngồi dậy:

- Anh chuẩn bị gì cho em?

Quang nói:

- Anh đã thành lập một công ty kinh doanh thời trang và cung cấp người mẫu. Em sẽ là giám đốc công ty, anh là chủ tịch hội đồng quản trị.

Diệu Linh nói:

- Mở công ty thì phải có tiền. Lấy đâu ra vốn mà góp.

Quang cười trước sự ngây thơ của Linh:

- Em chẳng hiểu gì cả. Chuyện tiền bạc em không phải lo. Bây giờ em đã có danh hoa hậu. Mài cái danh này ra ăn thì ba đời không hết tiền. Việc gì phải học, để rồi làm phóng viên quèn, suốt ngày ngửa tay đi xin quảng cáo. Tư duy của bố mẹ em là cổ hủ lắm rồi. Em đọc những bài báo này đi. Tất cả những người giàu có nhất trên thế giới có học hành bao nhiêu đâu. Tại sao họ giàu? Có những đứa học sinh đây - Quang chìa cho Linh bài báo được photocopy - Nó mới học lớp 9, lớp 10 mà đã dám đi vào con đường kinh doanh và bây giờ đã giàu nứt đố đổ vách. Em thông minh như thế, sắc đẹp đã được tôn vinh thì tại sao em không tận dụng, tại sao em không phát huy sở trường của em để kinh doanh. Xã hội này là xã hội kim tiền. Người ta chỉ trọng người có tiền thôi. Còn trí thức ư? Quan chức ư? Người có công lao ư? Tất cả chẳng là cái gì nếu như không có tiền.

Rồi Quang đứng dậy, vừa đi vừa nói như giảng giải cho Linh:

- Ngày xưa, khi mới 10 tuổi, anh đã nghe bố anh đọc bài thơ “Đồng tiền là Tiên, là Phật/ Là sức bật của cuộc đời/ Là nụ cười của em thơ/ Là ước mơ của tuổi trẻ/ Là sức khỏe của tuổi già/ Là cái đà của danh vọng/ Là cái lọng để tiến thân/ Là cán cân của công lý/ Đồng tiền hết ý, đồng tiền ơi!”. Em thấy chưa? Đấy là từ thời bao cấp mà người ta còn nghĩ về đồng tiền như vậy. Bây giờ giá trị của đồng tiền còn khủng khiếp như thế nào? Em là hoa hậu, em đẹp như thế nhưng thử hỏi nếu em có việc phải vào bệnh viện, không có tiền biếu bác sĩ thì liệu em có được thuốc tốt không? Liệu em có được chăm sóc tốt không? Tất cả các gia đình bây giờ đều có con đi học, đều phải đi học thêm. Học thêm cho ai? Đó là một cách nộp tiền cho thầy cô giáo. Nếu em vẫn cứ nghĩ theo tư duy cũ mà không biết tận dụng cơ hội này thì đến lúc hối không kịp. Cả đời đi tìm cơ hội, đến lúc có cơ hội mà bỏ qua thì biết đến bao giờ cơ hội mới quay lại với mình. Thôi, em bỏ học đi. Còn bố mẹ, nếu như ông bà khó chịu, không đồng ý với em chuyện này khác, em về đây ở với anh được là tốt nhất. Để tránh mang tiếng, anh sẽ thuê cho em một căn hộ ở riêng. Mình thừa tuổi đi bầu cử rồi chứ có phải là trẻ con nữa đâu mà các ông bà cứ bắt con cái phải phục tùng vô điều kiện.

Những lời nói của Quang xem ra rất có lý, khiến Diệu Linh không cách gì bác bỏ được.

Cô nói:

- Bây giờ ra đường em thấy xấu hổ lắm. Những bài báo người ta viết về anh chẳng hiểu thực hư thế nào. Nhưng chỉ cần đúng một phần mười như thế thôi thì cũng đã chẳng ra sao.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới